NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN CHÚ Ý KHI ĐI LÀM

Ngày đăng: 31/05/2022

Nếu Quý bạn đọc đã - đang - sắp tham gia vào thị trường lao động thì việc hiểu rõ các điều cần lưu ý trong bài viết dưới đây là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bản thân khi tham gia lao động tại các doanh nghiệp.

 

Những điều người lao động cần chú ý khi đi làm - LVI Law Firm

Những điều người lao động cần chú ý khi đi làm

 

Xem: Những quyền lợi người lao động nữ cần chú ý khi đi làm

 

1. Doanh nghiệp không được kỷ luật lao động bằng hình thức trừ lương

Luật Lao động từ lâu đã có quy định cụ thể về vấn đề Xử lý kỷ luật lao động để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người lao động. Trường hợp người lao động vi phạm nội quy lao động, doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật lao động. Điều 124 quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải. Như vậy, Doanh nghiệp chỉ có quyền xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm nội quy bằng 1 trong 4 biện pháp kể trên.

Bên cạnh đó, Điều 127 Luật lao động 2019 cũng nghiêm cấm hành vi phạt tiền, cắt lương của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động.

 

" Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định." 

Trừ các trường hợp được phép khấu trừ lương được quy định tại Điều 102 và Điều 129 Luật lao động 2019, công ty có hành vi tự ý trừ lương người lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

2. Doanh nghiệp không được giữ bản chính các giấy tờ tùy thân của người lao động

Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc giữ giấy tờ tùy thân, bằng đại học, căn cưới công dân bản gốc của người lao động… Tuy nhiên, đây là hành vi đã bị pháp luật nghiêm cấm và quy định cụ thể tại Điều 17 Bộ luật lao động năm 2019 về Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:

 

" Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động."

3. Tiền lương 

Lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp (Điều 91 Bộ luật Lao động 2019). Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Ví dụ: Mức lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động tại các quận Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Quận 1, Quận 2, Quận 3…… thuộc vùng I, có mức lương tối thiểu là 4.420.000 VNĐ/tháng; Mc lương tối thiểu của các quận thuộc vùng 2 thì thấp hơn đó là 3.920.000 VNĐ/tháng như thành phố Hải Dương, thành phố Hưng Yên,…

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 75 triệu đồng.

4. Đóng bảo hiểm

Theo Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội quy định về các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người lao động tại doanh nghiệp có hợp đồng lao động chính thức từ 03 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH và BHYT bắt buộc. Cả người lao động và doanh nghiệp có trách nhiệm đóng BHXH và BHYT theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, tình trạng trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đặc biệt là bảo hiểm xã hội (BHXH) của người sử dụng lao động rất phổ biến. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ theo quy định tại Điều 122 Luật BHXH, điều 49 Luật BHYT, điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của NLĐ từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

 

Hy vọng những chia sẻ của LVI Law Firm về nội dung Những điều người lao động cần chú ý khi đi làm sẽ giúp ích cho Quý bạn đọc. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn, Quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp kịp thời. Trân trọng !

Bài viết cùng danh mục

0947202189