Ngày đăng: 19/04/2022
Luật hợp đồng mua bán chung châu Âu ra đời dựa trên nhu cầu thực tế của một thị trường chung. Đây là động thái nhằm thực hiện chủ trương hài hòa luật hợp đồng theo từng lĩnh vực mà Liên minh châu Âu đã theo đuổi từ trước đến nay. Với những nội dung được đưa ra, CESL cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các quốc gia thành viên và các chủ thể chịu tác động điều chỉnh của CESL. Trên thực tế, đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của CESL đối với lĩnh vực hợp đồng mua bán. Vậy CESL ra đời đã mang lại những thành công và hạn chế như thế nào? Kết quả cho sự đóng góp của CESL trong điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng mua bán của châu Âu là gì? Bài viết về "Luật hợp mua bán chung của châu Âu, những thành công và hạn chế" sẽ đi sâu phân tích và làm rõ câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU) là xây dựng được một thị trường chung thống nhất giữa 28 quốc gia. Các quyền tự do cơ bản trong thị trường chung này cho phép các doanh nghiệp và công dân di chuyển và tương tác một cách tự do trong một liên minh kinh tế không biên giới. Tự do hóa thương mại, hạ thấp các rào cản giữa các nước thành viên EU đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tự do đi lại, học tập và làm việc ở nước ngoài... Công dân với tư cách là người tiêu dùng đã được hưởng nhiều lợi ích kinh tế như: giá vé máy bay thấp, chi phí điện thoại di động chuyển vùng và khả năng tiếp cận các loại hàng hóa đa dạng về hình thức và chất lượng... Thương nhân đã có thể mở rộng hoạt động xuyên biên giới bằng cách nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá, cung cấp dịch vụ và thiết lập hệ thống các thể nhân và pháp nhân ở nước ngoài một cách dễ dàng. Do đó, các chủ thể này được hưởng lợi từ quy mô kinh tế của một thị trường chung và các cơ hội kinh doanh lớn hơn so với thị trường nội địa.
Bên cạnh những thành công ấn tượng mà thị trường chung đã mang lại thì giữa các nước thành viên EU vẫn còn tồn tại những rào cản về thương mại. Một trong những rào cản nổi bật đó là sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật quốc gia thành viên. Sự khác biệt giữa các luật này làm cho thương mại qua biên giới phức tạp và tốn kém hơn so với thương mại trong nước. Các doanh nghiệp phải tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành của các nước thành viên khác và/hoặc thương lượng luật điều chỉnh trong lĩnh vực này, đồng thời họ cũng phải bỏ thêm nhiều chi phí từ các hoạt động dịch thuật, tư vấn pháp lý và thực thi hợp đồng theo pháp luật của các quốc gia khác nhau... Nguyên nhân này đã dẫn đến hệ quả là các chủ thể hoạt động kinh tế né tránh xác lập các loại hợp đồng qua biên giới quốc gia mình[2], điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bởi vì các chi phí xuất nhập khẩu tới nhiều thị trường nước ngoài có thể là quá cao so với doanh thu của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, tác động của việc các doanh nghiệp không bán hàng qua biên giới cũng dẫn đến việc người tiêu dùng thường phải đối mặt với ít sự lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm dịch vụ với giá cao, thậm chí còn không có cơ hội tiếp cận các sản phẩm từ các quốc gia khác.
Có thể thấy, chủ trương hài hòa luật hợp đồng theo từng lĩnh vực mà Liên minh châu Âu theo đuổi từ trước đến nay thiếu đồng bộ và cũng đã xuất hiện nhiều bất cập do thiếu tính thống nhất trong việc nội luật hóa luật Liên minh châu Âu và sự áp dụng không thống nhất nội luật của các quốc gia thành viên.
Sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên EU nói chung, và khác biệt giữa quy định pháp luật về hợp đồng mua bán nói riêng, là lý do giải thích cho sự khác biệt trong nội dung của hợp đồng về mua bán. Sự khác nhau đó thể hiện ở: cách thức giao kết, chấm dứt hợp đồng hoặc cách phân phối các sản phẩm, dịch vụ... Sự tồn tại của các rào cản pháp luật liên quan đến hợp đồng này đã gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp khi thực hiện việc kinh doanh qua biên giới, và điều này đã ngăn cản các doanh nghiệp xâm nhập vào các thị trường mới. Khi một doanh nghiệp quyết định bán sản phẩm cho người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp trong các nước thành viên khác, doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với một môi trường pháp lý phức tạp, được đặc trưng bởi sự đa dạng của pháp luật hợp đồng được quy định tại các quốc gia thành viên EU. Nếu pháp luật nước ngoài được áp dụng cho các hợp đồng mua bán và các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ thời gian, công sức hoặc thuê các Luật sư để tìm hiểu hệ thống pháp luật của quốc gia đó và xây dựng các web-site phù hợp với quy định... Doanh nghiệp vượt qua những trở ngại nêu trên sẽ đồng nghĩa với việc phải gánh chịu các chi phí giao dịch cao. Điều này sẽ làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các SMEs, đặc biệt hơn nữa là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì chi phí bỏ ra để thực hiện giao dịch qua biên giới là cao khi so với doanh thu của các doanh nghiệp này. Các chi phí để xuất khẩu sang một nước thành viên khác có thể lên đến 7% doanh thu hàng năm của một doanh nghiệp bán lẻ. Để xuất khẩu sang bốn nước thành viên chi phí này có thể lên đến 26% doanh thu hàng năm[3]. Các doanh nghiệp không tiến hành các giao dịch thương mại do trở ngại pháp luật hợp đồng đã gây thiệt hại thương mại cho EU ít nhất 26 tỷ Euro mỗi năm[4].
Theo một báo cáo khảo sát của EU, 44% người tiêu dùng không muốn thực hiện các giao dịch mua bán từ các quốc gia thành viên EU khác, do lo ngại quyền lợi không được đảm bảo[5]. Trong khi đó khoảng một phần ba người tiêu dùng sẽ xem xét giao dịch mua bán trực tuyến từ một quốc gia thành viên EU nếu có một quy định thống nhất điều chỉnh vấn đề này[6], chỉ có 7% người tiêu dùng đang tiến hành các giao dịch qua biên giới trong nội khối EU[7]. Việc không chắc chắn của người tiêu dùng EU trong việc thực hiện các giao dịch qua biên giới chủ yếu liên quan đến sự khác biệt về hệ thống pháp luật trong hợp đồng mua bán của các quốc gia. Trường hợp người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các sản phẩm trên toàn EU thì cũng gặp phải trở ngại do các thương nhân "né tránh" các giao dịch như tác giả đã trình bày.
Để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, hạn chế những khó khăn và trở ngại thương mại, Liên minh châu Âu đã thực hiện nhiều sáng kiến trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh, luật hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng điện toán đám mây để tăng cường thị trường chung. Luật hợp đồng mua bán chung của EU là một sáng kiến quan trọng nhằm hài hòa hóa hệ thống pháp luật EU trong quá trình hội nhập. Với Thông báo tới Nghị viện Châu Âu (European Parliament) và Hội đồng Liên minh châu Âu (Council) ngày 11/7/2001 Ủy ban Châu Âu (European Commission) đã khởi xướng một quá trình thảo luận về cách thức giải quyết trên bình diện liên minh các vấn đề phát sinh từ sự khác biệt trong luật hợp đồng của các quốc gia thành viên. Trên cơ sở ý kiến ủng hộ từ nhiều phía, tháng 2/2003 Ủy ban châu Âu đã thông qua một “Chương trình hành động về việc xây dựng một luật hợp đồng Châu Âu đồng bộ hơn”. Ngày 11/10/2011 Ủy ban châu Âu đã công bố chính thức Luật hợp đồng mua bán chung (CESL). Luật này sẽ được áp dụng song song cùng với các quy định về hợp đồng mua bán hiện hành của từng quốc gia thành viên EU.
Luật hợp đồng mua bán chung của châu Âu, bao gồm 3 phần, 18 chương và 186 Điều. Nội dung chủ yếu của Luật này nhằm xây dựng một khung pháp lý thống nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa trong tất cả các nước EU, cụ thể:
CESL sẽ không thay thế luật pháp quốc gia. Thay vào đó, nó sẽ cho phép người bán hàng đang cân nhắc bước vào một thị trường mới để cung cấp một hệ thống tùy chọn các quy tắc hợp đồng giống hệt nhau trong tất cả các nước EU. Những người không muốn sử dụng Luật này chỉ đơn giản là có thể tiếp tục sử dụng các quy tắc quốc gia hiện có.
Nội dung cơ bản của CESL đề cập đến 3 vấn đề chính: (I) các nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng, (II) định nghĩa các khái niệm pháp lý trừu tượng quan trọng nhất và (III) các quy định mẫu về luật hợp đồng:
Có thể thấy, Luật hợp đồng chung châu Âu đã tạo dựng được khung pháp lý vững chắc điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng mua bán. Phạm vi của Luật hợp đồng chung châu Âu hướng tới các hợp đồng qua biên giới.
Với những quy định cụ thể và hướng tới bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi thực hiện các hoạt động kinh doanh qua biên giới, CESL đã hứa hẹn mang đến những thành công, thúc đẩy kinh tế châu Âu phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, nhà làm luật tại các quốc gia châu Âu về những hạn chế mà CESL còn tồn tại. Sau đây chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu những thành công đã đạt được và hạn chế còn tồn tại của CESL.
CESL được công bố chính thức vào 11/10/2011, trong quá trình áp dụng và thực thi, CESL đã tạo ra năm thành công lớn, đó là:
Luật hợp đồng mua bán chung châu Âu đã khắc phục những khó khăn mà sự khác biệt trong pháp luật hợp đồng giữa các quốc gia thành viên gây ra cho người tiêu dùng và thương nhân. Một luật bán hàng chung châu Âu "tùy chọn" sẽ có hiệu quả hơn các giải pháp "luật mềm" khác, bởi vì nó sẽ tạo ra một tập hợp duy nhất và thống nhất các quy định pháp luật về hợp đồng để trực tiếp điều chỉnh và bảo vệ cho các hoạt động mua bán của doanh nghiệp và người tiêu dùng. CESL hướng tới điều chỉnh các hoạt động mua bán qua biên giới, điều này có thể làm giảm các rào cản đối với thương mại qua biên giới. Đặc biệt, với tính "tùy chọn" CESL không can thiệp vào các cách tiếp cận truyền thống của quốc gia đã ăn sâu vào hoạt động thương mại của mình. Ví dụ, CESL vẫn cho phép các nước thành viên duy trì mức độ bảo vệ người tiêu dùng khác nhau đã tồn tại trong pháp luật hợp đồng trong nước... Do đó, CESL sẽ là một bổ sung tuỳ chọn quy tắc pháp luật hợp đồng hiện tại mà không cần thay thế chúng.
CESL có phạm vi điều chỉnh bao trùm nên các quốc gia thành viên EU, do đó, khi một nhà kinh doanh chọn CESL, nó sẽ trở thành những quy tắc pháp luật hợp đồng duy nhất sẽ áp dụng trong hợp đồng mua bán đó. Vì vậy, các nhà kinh doanh sẽ chỉ phải xem xét, tìm hiểu các quy định của CESL mà không cần phải xem xét các quy định bắt buộc mà pháp luật các quốc gia thành viên quy định. Do đó, CESL sẽ làm giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp. Trong thực tế, một doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường mới sẽ cần phải làm quen với hệ thống pháp luật của các quốc gia mà họ hướng tới. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp của Pháp muốn mở rộng thị trường bán hàng của mình, sang 27 nước thành viên EU còn lại, khi đó doanh nghiệp này sẽ phải tiếp cận và tìm hiểu pháp luật của 27 quốc gia đó, điều này sẽ là một trở ngại vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp này lựa chọn CESL là luật áp dụng, họ sẽ chỉ cần tìm hiểu các quy định của Luật này, vì CESL đã đại diện cho luật điều chỉnh hợp đồng mua bán của 28 quốc gia EU. Thương nhân do đó có thể được hưởng lợi từ môi trường pháp lý thống nhất này và có thêm tự tin để mở rộng sang các thị trường mới. Khi bán hàng cho người tiêu dùng ở các nước khác, thương nhân có thể sử dụng sự tuân thủ các quy định của CESL như là một dấu hiệu cho sự đảm bào về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, CESL sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ sẽ có đủ khả năng để có thể tiến hành thương mại ở một số nước EU khác. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ trọng thương mại lớn trong thị trường EU. CESL ra đời và được áp dụng đã tạo cơ hội, tiết kiệm chi phí kinh doanh qua biên giới cho các doanh nghiệp này, Nó tạo môi trường kinh doanh dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp khi bán hàng trên toàn EU, qua đó kích thích kinh tế hoạt động, và phát triển. Mặt khác, CESL được áp dụng cũng giúp các chi phí giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giảm do các công ty không còn phải thích ứng trang web của họ với luật pháp của mỗi quốc gia EU. Điều này, mang đến cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường EU.
CESL được thiết kế để cung cấp một khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng thống nhất trong tất cả các nước thành viên, từ đó có thể giúp đảm bảo quyền lợi và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng khi mua hàng qua biên giới. Trên thực tế CESL sẽ giúp cho người tiêu dùng tự do lựa chọn các biện pháp bảo về quyền lợi của mình, đặc biệt nó cho phép người tiêu dùng có thể chấm dứt hợp đồng mua bán ngay lập tức nếu một sản phẩm bị lỗi được giao. Hiện nay, pháp luật của các quốc gia thành viên EU hầu như không cho phép người tiêu dùng có thể lựa chọn tự do như vậy[8]. Đây là cấp độ cao về bảo vệ người tiêu dùng, điều này sẽ cung cấp cho người tiêu dùng sự tự tin và động lực để mua sản phẩm ở các nước EU khác.
Cùng với đó, người tiêu dùng có thể mua hàng qua biên giới với niềm tin lớn hơn bởi sự rõ ràng của những quy định về quyền lợi của họ và sự giải thích cụ thể từ các doanh nghiệp thông qua cơ chế minh bạch được quy định trong CESL. Các Doanh nghiệp phải cung cấp cho người mua hàng những thông tin quan trọng về hợp đồng, ví dụ như thông tin về giá cả của hàng hóa bao gồm tất cả các loại thuế và lệ phí, chất lượng sản phẩm và địac chỉ liên lạc của mình... Các thông tin này phải được chi tiết hơn so với việc người tiêu dùng mua một mặt hàng nào đó bên ngoài cửa hàng của thương nhân đó. Nếu Doanh nghiệp không cung cấp được các yêu câu đó, người tiêu dùng có thể nhận được một khoản hoàn lại đầy đủ hoặc thay thế, sửa chữa, giá giảm.Ví dụ nếu người tiêu dùng mua trực tuyến hoặc qua điện thoại. Người tiêu dùng có quyền được bồi thường thiệt hại nếu thông tin về sản phẩm mà Doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng là sai.
Với việc các doanh nghiệp cạnh tranh trên một thị trường rộng lớn hơn, người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá thấp hơn, điều này sẽ làm tăng các giao dịch mua bán qua biên giới, kích thích kinh tế phát triển. Đây là kết quả mà nếu không có CESL, người tiêu dùng và các Doanh nghiệp sẽ không thể được hưởng.
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của CESL còn hẹp, CESL không giải quyết một số vấn đề phát sinh trong hợp đồng mua bán như tư cách pháp nhân, vấn đề vô hiệu hợp đồng, xác định ngôn ngữ, các vấn đề về không phân biệt đối xử...
Từ một góc nhìn thực tế, CESL không giải quyết các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Trong khi đó, dịch vụ cũng là một lĩnh vực quan trọng trong thương mại của EU và nó gắn liền với việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới các nước.
Đặc biệt, CESL chỉ áp dụng đối với các giao dịch qua biên giới do đó sẽ tạo ra sự phân biệt giữa người tiêu dùng trực tuyến trên mạng với những người tiêu dùng trong nước hay ở các cửa hàng truyền thống, vì họ cùng thực hiện các giao dịch mua bán như nhau, nhưng quyền lợi được hưởng lại khác nhau đối với cùng một sản phẩm. Điều này sẽ dẫn đến sự bất lợi cho người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với bốn kịch bản hợp đồng khác nhau:
Một là, Mua bán qua biên giới (mua bán trực tuyến), Luật điều chỉnh hợp đồng theo CESL;
Hai là, Mua bán qua biên giới (mua bán trực tuyến), Luật điều chỉnh hợp đồng theo luật quốc gia;
Ba là, Mua bán trực tuyến trong nước, Luật điều chỉnh hợp đồng theo luật quốc gia;
Bốn là, Mua bán trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống, Luật điều chỉnh hợp đồng theo luật quốc gia.
Các vấn đề có thể phát sinh sau:
Thứ hai, các quy định trong CESL còn thiếu sự đảm bảo thực hiện. thiếu một cơ chế thực thi hiệu quả khi các bên vi phạm hợp đồng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, Do mục tiêu hướng tới của CESL là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, đã làm ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty và tập đoàn lớn. Điều này cũng tạo ra sự thiếu công bằng trong thương mại.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, do đó vấn đề hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế là một điều cần thiết. Khi các quy định này thống nhất với nhau, thì môi trường pháp lý của Việt Nam mới minh bạch và rõ ràng.
Hiện nay, việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được điều chỉnh bằng một khuôn khổ pháp luật, bao gồm các quy định/văn bản pháp luật:
Các quy định/văn bản pháp luật nêu trên đã cho thấy quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế là áp dụng trực tiếp một số (không phải tất cả) các cam kết được quy định trong các điều ước quốc tế - đó là các quy định “đủ rõ và chi tiết” để thực hiện, nghĩa là Việt Nam sẽ kết hợp cách thức áp dụng trực tiếp và cách thức nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn về việc xây dựng Luật mua bán hàng hóa chung châu Âu thì việc hài hòa hóa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia cũng gặp nhiều vấn đề bất cập[10].
Học tập những kinh nghiệm của EU, tác giả cũng xin đưa ra đề xuất một số ý kiến nhằm phát huy những thành công và hạn chế những khuyết điểm, mà việc hài hòa hóa hệ thống pháp luật trong quá trình hội nhập mang lại đối với Việt Nam như sau:
Một là, Việt Nam cần áp dụng trực tiếp các quy định Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để áp dụng trực tiếp các quy định điều ước này, Việt Nam cũng cần thiết lập “cơ chế áp dụng trực tiếp” quy định điều ước kèm theo lộ trình thực hiện cụ thể.
Hai là, Xác định rõ thứ tự hiệu lực giữa các loại văn bản pháp luật trong trật tự pháp luật trong nước; xác định rõ vị trí và hiệu lực của các điều ước quốc tế trong trật tự pháp luật trong nước.
Ba là, Việt Nam cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tòa án) về thực thi các điều ước quốc tế. Theo đó, cần có cơ quan đầu mối để chỉ đạo và phối hợp các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các điều ước mà Việt Nam là thành viên.
Bốn là, Thiết lập hệ thống các cơ quan cho việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật trong nước và thiết lập “cơ chế áp dụng trực tiếp” đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lê Đình Quyết [1]
[1] Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế - Trường đại học Luật Hà Nội.
[2] Hiện nay, các giao dịch kinh tế của EU chủ yếu được thực hiện dựa trên hợp đồng.
[3] Estimate based on business responses to the SME Panel Survey on the Impacts of European contract law, available at: http://ec.europa.eu/justice/contract/files/report_sme_panel_survey_en.pdf and Eurostat structural business statistics.
[4] Eurobarometer 320, European contract law in business-to-business transactions, pp. 24 and 25.
[5] Eurobarometer 299a, Attitudes towards cross-border trade and consumer protection, p. 10.
[6] Eurobarometer 299a, p. 14.
[7] Eurobarometer 299, Consumer attitudes towards cross-border trade and consumer protection, p. 13.
[8] Hiện nay, quy định này không tồn tại ở Áo, Bỉ, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Hungary, Ý, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Trên thực tế, chỉ có pháp luật năm nước thành viên của EU là Pháp, Hy Lạp, Lithuania, Luxembourg, Bồ Đào Nha quy định điều này, trong khi một vài nước khác như Ireland, Latvia, Slovenia, Anh đã thông qua một phương pháp tiếp cận trung gian.
[9] Article 4(1), Annex I, CESL.
[10] Xem: Các hạn chế còn tồn tại. p 8.