PHÂN BIỆT SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG, TRỞ NGẠI KHÁCH QUAN, HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN

Ngày đăng: 16/05/2022

 

Sự kiện bất khả kháng - trở ngại khách quan - hoàn cảnh thay đổi cơ bản khác nhau như thế nào? Sau đây hãy cùng LVI Law Firm tìm hiểu về vấn đề này. 

 

1. Sự kiện bất khả kháng

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Mặc dù quy định này thuộc các quy định liên quan đến thời hiệu, định nghĩa này vẫn được áp dụng rộng rãi trong các quan hệ pháp luật dân sự và thương mại.

Theo định nghĩa trên, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng nếu hội tụ đủ 03 yếu tố: khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định tiêu chí xác định cụ thể cho từng yếu tố, việc đánh giá một sự kiện có hội tụ các yếu tố của một sự kiện bất khả kháng hay không phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại) khi có tranh chấp xảy ra. Các trường hợp cụ thể được xem sự kiện bất khả kháng gồm: các sự kiện tự nhiên (như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa, …) hay các sự kiện do con người tạo nên (như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa, bất cứ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng cho dù chiến tranh có được tuyên bố hay không…).

Hậu quả của sự kiện bất khả kháng chính là làm cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

 

2. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Theo Khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015, “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được xác lập khi có đủ 05 điều kiện sau đây:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; và
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Như vậy, “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” cũng là sự kiện mang tính khách quan và không thể lường trước. Điểm khác biệt của hoàn cảnh thay đổi cơ bản so với sự kiện bất khả kháng thể hiện ở yếu tố: sự kiện bất khả kháng khiến các bên không thể khắc phục được đù đã sử dụng mọi biện pháp còn khi xảy ra hoàn cảnh cơ bản, các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, tuy nhiên, việc thực hiện này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

Ngoài ra, hoàn cảnh thay đổi cơ bản không phải là cơ sở để được hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc miễn trừ trách nhiệm của bên bị ảnh hưởng. Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra, bên bị ảnh hưởng chỉ được quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng hoặc yêu cầu Tòa án sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, bên nhận được đề nghị đàm phán lại hợp đồng không có nghĩa vụ phải đàm phán hoặc phải chấp nhận bất kỳ đề nghị nào từ bên bị ảnh hưởng.

 

3. Trở ngại khách quan

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa “Trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Trở ngại khách quan giống sự kiện bất khả kháng ở yếu tố “khách quan” nhưng không cần phải có hai yếu tố còn lại (không thể lường trước, không thể khắc phục).

Trở ngại khách quan có hậu quả phát sinh rộng hơn sự kiện bất khả kháng, không chỉ làm cho bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ mà còn có thể áp dụng cho trường hợp bên bị ảnh hưởng không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

 

Hy vọng những chia sẻ của LVI Law Firm về Phân biệt sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ giúp ích cho quý bạn đọc. Mọi thắc mắc hoặc muốn được tư vấn pháp lý, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 0947202189 hoặc Email: levu@lvilawfirm.com để được giải đáp và tư vấn kịp thời. Trân trọng !

Bài viết cùng danh mục

0947202189