THỰC TRẠNG TIẾP CẬN VỐN VAY CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HIỆN NAY

Ngày đăng: 22/04/2022

 ĐẶT VẤN ĐỀ

         Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước là 505.000 doanh nghiệp. Dù số lượng doanh nghiệp tăng nhưng chỉ có 10.100 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98,1%, trong đó, doanh nghiệp vừa có gần 8.500 doanh nghiệp, tăng 23,6% so với thời điểm 1/1/2012; doanh nghiệp nhỏ là 114.100 và doanh nghiệp siêu nhỏ là 385.300. Bình quân năm giai đoạn 2012- 2017, số doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 8,8% cao hơn mức tăng bình quân của doanh nghiệp lớn là 5,4%[3].

         Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng 98,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động[4]. Tuy vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với vốn ngân hàng. Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn ngân hàng được hỏi, chỉ có 10,5% doanh nghiệp được vay vốn theo đúng yêu cầu vay, đa số doanh nghiệp chỉ được ngân hàng cho vay khoảng 25 – 50% số tiền mà doanh nghiệp đề xuất vay[5].

         Có thể thấy, tiếp cận vốn vay đang trở thành vấn đề có tính chất thách thức, là nút thắt cần được tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp chiếm số lượng chủ yếu trong nền kinh tế. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017[6] là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, công cụ này còn yếu, một văn bản pháp lý không thể là “chỗ dựa” cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một hệ thống chính sách tổng thể để phát triển, trong đó, chính sách và cơ chế tiếp cận vốn vay có tính nền tảng cho sự bền vững.

NỘI DUNG

1. Tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay [7] 

         Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể huy động vốn vay từ nhiều nguồn khác nhau như vốn vay từ các ngân hàng, quỹ tín dụng, bạn bè, người thân, thậm chí cả tín dụng đen. Trong số các nguồn vốn đó, nguồn vốn vay từ các ngân hàng là nguồn vốn vay dồi dào, ít rủi ro hơn với các nguồn vốn vay khác.

         Đến 30/6/2018, dư nợ tín dụng đối với DNNVV toàn quốc 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế. hiện nay có trên 270.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng[8]Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn[9]. Trong số những doanh nghiệp vay được vốn từ các ngân hàng thì chỉ có 1/3 số doanh nghiệp được duyệt vay với mức vốn từ 50 phần trăm nhu cầu trở lên, 1/5 số doanh nghiệp chỉ được duyệt vay ở mức 25 phần trăm so với nhu cầu vốn. Những con số này cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vốn lớn nhưng mức độ tiếp cận tín dụng ngân hàng là rất thấp so với nhu cầu về vốn. Các doanh nhgiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vốn ngắn hạn cao hơn so với vốn trung và dài hạn, chủ yếu nhằm bù đắp thiếu hụt tạm thời và vốn lưu động tài trợ cho các dự án kinh doanh thời vụ. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các Ngân hàng đối với nhu cầu vốn ngắn hạn cũng rất hạn chế.

         Mặc dù có nhu cầu vốn cao nhưng hệ số đòn bẩy nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại khá hạn chế. Trong năm 2017, đòn bấy nợ ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khá hẹp so với mức trung bình của các doanh nghiệp nói chung. Chỉ có 9 phấn trăm trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng đòn bẩy nợ với tỷ lệ 1:1 so với vốn chủ sở hữu, gần 78 phần trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa sử đụng đòn bẩy nợ dưới mức 0,5:1[10].

         Nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá lớn, song khả năng đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp này còn hạn chế. Chỉ có dưới 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn từ các ngân hàng, trong khi hơn 40 % số còn lại phải quay về với các kênh vốn không chính thức như vay người thân, vay các hình thức tín dụng “đen”. Thực tế cho thấy, vay vốn tại ngân hàng lại là hình thức khó khăn nhất, vay vốn từ bạn bè người thân chỉ ở mức trung bình, dễ dàng vay nhất vẫn là nguồn vốn từ các hoạt động vay từ tín dụng “đen”[11].

Trong thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp gặp những hạn chế và khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay:[12]

  • Một là, tỷ lệ tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp, nợ xấu tăng nhanh, tài sản đảm bảo vay khó khăn

         Mặc dù không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tầm nhìn dài hạn, song do quy mô nhỏ, tài sản chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là hàng tồn kho, luân chuyển trong kinh doanh. Đây chính là khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng hay các quỹ hỗ trợ tín dụng để phát hiển sản xuất, kinh doanh vì đa phần đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi thực tế, định điều kiện về tài sản đảm bảo hiện là điều kiện tiên quyết khi xem xét thẩm định cấp tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại áp dụng cùng một bộ tiêu chí thẩm định, cùng bộ tiêu chí xếp hạng rủi ro cho mọi doanh nghiệp từ quy mô nhỏ.

  • Hai là, tỷ lệ tiếp cận với các nguồn vốn vay khác hạn chế    

         Các nguồn vốn vay từ thị trường chứng khoán, từ các khoản vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, cũng không dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do các doanh nghiệp Việt Nam không có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và cũng không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức quốc tế để được tiếp nhận các nguồn vốn vay. Các nguồn vốn vay tín dụng “đen” thường mang lại những rủi ro lớn về đầu tư do đó, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng không mạnh dạn để tiếp cận nguồn vốn vay này.

  • Ba là, trình độ quản lý còn yếu kém

         Trình độ quản lý tài chính yếu kém, trình độ quản lý hoạt động cũng còn nhiều hạn chế. Chỉ có một tỷ lệ rất thấp các chủ doanh nghiệp có tìm đọc các báo cáo phân tích thị trường hoặc sử dụng cố vấn chiến lược hay nắm bắt kịp thời thông tin, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động, số đông chủ yếu các chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết sách kinh doanh dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Chính vì vậy, cơ hội để tiếp cận nguồn vốn cũng hết sức hạn chế.

2. Cơ hội tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong trung hạn

  • Một là, hành lang pháp lý hoàn thiện

         Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp và phát triển DNNVV, ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua (Luật số 04/2017/QH14) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Các chính sách hỗ trợ chung quy định tại Luật này bao gồm các nhóm chính sách chính: (1) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (2) Hỗ trợ thuế, kế toán; (3) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; (4) Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; (5) Hỗ trợ mở rộng thị trường; (6) Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; và (7) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ đã ban hành các văn bản như sau:

  1. Nghị định Số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;
  2. Nghị định Số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;
  3. Nghị định Số 39/2018/NĐ-CP ngày 1/03/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.

         Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuộc sống.

         Hành lang pháp lý về doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ hội để các doanh nghiệp triển khai hoạt động tiếp cận vốn bài bản hơn, tăng cơ hội tiếp nhận nguồn vốn thành công.

  • Hai là, sự quan tâm của Chính phủ đối với vai trò của Doanh nghiệp nhỏ và vừa

         Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doah nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã bắt đầu triển khai hoạt động, website điện tử của Quỹ cho phép các doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục huy động vốn trực tuyến[13].

  • Ba là, sự quan tâm các ngân hàng với nhiều gói vay tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

         Hiện tại nhiều ngân hàng đã triển khai các gói vay tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ như: Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng từ BIDV cho doanh nghiệp nhỏ và vừa[14]

          Đối tượng khách hàng của gói là Khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tiêu chí theo quy định của Chính Phủ trong từng thời kỳ) có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với 02 nhóm đối tượng, gồm Hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam/ Hiệp hội DNNVV địa phương/Hiệp hội DN địa phương đối với các địa phương chưa tách riêng Hiệp hội DNNVV và được giới thiệu vay vốn bởi Hiệp hội hoặc là thành viên của nhóm doanh nghiệp tương hỗ. 

         Về lãi suất, các nhóm Doanh nghiệp sau sẽ được ưu tiên giảm lãi suất:

  1. Đối với doanh nghiệp được giới thiệu: áp dụng lãi suất thấp hơn tối đa 1%/năm so với lãi suất vay thông thường khách hàng cùng loại.
  2. Đối với doanh nghiệp giới thiệu uy tín: áp dụng lãi suất thấp hơn tối đa 0.5 %/năm so với lãi suất vay thông thường đang áp dụng đối với khách hàng đó.

         Về mức phí, Khách hàng được ưu đãi phí dịch vụ và một số chính sách miễn giảm phí cho trên cơ sở biểu phí từng thời kỳ của BIDV.

         Về chính sách tài sản đảm bảo, khách hàng được kết hợp linh hoạt các loại tài sản của để đảm bảo cho khoản vay.

        Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang có cơ hội tốt để tiếp cận các nguồn vốn vay, tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không chủ động tiếp cận các nguồn vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiếp tục gặp những khó khăn khi huy động vốn vay.

3. Mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay từ kinh nghiệm của Nhật Bản[15]

         Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản chiếm tới 99,7% tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại nước này và giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Vì những lý do đó, chính phủ Nhật Bản luôn duy trì chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ Nhật Bản có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.         

  • Một là, Bảo lãnh tính dụng của Chính phủ (Development of Crediit Guarantee Schemes by Gorvernents) (CSG)

         CSG bao gồm ít nhất ba bên: người vay, người cho vay và người bảo lãnh. Các người vay thường là một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc một doanh nghiệp siêu nhỏ, tìm kiếm vốn vay. Người cho vay là một tổ chức tín dụng (ngân hàng). Doanh nghiệp này thường tiếp cận một ngân hàng cho khoản vay. Tuy nhiên, do doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng, yêu cầu khoản vay sẽ thường xuyên bị ngân hàng từ chối. Trong trường hợp này,  Người bảo lãnh (Công ty bảo lãnh tín dụng[16]) tìm cách tạo điều kiện cho người vay tiếp cận vốn vay bằng cách cung cấp một khoản bảo lãnh đáng kể cho khoản vay. Sau khi người bảo lãnh cung cấp khoản vay, ngân hàng sẽ giải ngân cho doanh nghiệp.

         Nguồn vốn của Công ty bảo lãnh tín dụng được cung cấp từ Chính phủ (Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Công thương) và chính quyền địa phương. Tại Nhật Bản có 51 Công ty bảo lãnh tín dụng, mỗi một tỉnh có 01 Công ty bảo lãnh tín dụng. Trong năm 2014, có 36,6% doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương ứng 1,412 triệu doanh nghiệp) đã được bảo đảm bởi các Công ty bảo lãnh tín dụng. Mức bảo lãnh tín dụng tại Nhật Bản ở mức từ 80%-100% giá trị khoản tín dụng, mức bảo lãnh phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, điều kiện của doanh nghiệp yêu cầu khoản vay.

         Đây là một giải pháp vô cùng hiệu quả, mô hình này giải quyết khó khăn vướng mắc chính hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận các khoản vốn vay từ ngân hàng.

  • Hai là, Các ngân hàng dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa

         Tại Nhật Bản, có hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa “Shinkin Banks”. Hệ thống Ngân hàng Shinkin có đặc điểm giống như các ngân hàng bình thường. Hệ thống Ngân hàng Shinkin chuyên cung cấp các khoản vay tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, Ngân hàng Shinkin cũng có thể cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng không được quá 20%.

         Ngân hàng Shinkin chỉ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc khu vực quản lý của Ngân hàng, Ngân hàng cũng có các hệ thống chi nhánh tại các khu vực quận, huyện để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng làm thủ tục. Trong năm 2015, Ngân hàng Shinkin đã cấp tổng số 14,7% tổng vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản.

         Việc thành lập một mô hình ngân hàng chuyên phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng quan trọng. Bởi, doanh nghiệp nhỏ và vừa có những đặc trưng riêng đòi hỏi phải có thiết chế cấp vốn riêng phù hợp. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu đủ quyết tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

KẾT LUẬN

         Mặc dù, chiếm tỷ trọng 98,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá lớn, song khả năng đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp này còn hạn chế. Chỉ có dưới 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn từ các ngân hàng, trong khi hơn 40 % số còn lại phải quay về với các kênh vốn không chính thức như vay người thân, vay các hình thức tín dụng “đen”.

         Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc mở nút thắt vốn vay là yêu cầu tiên quyết. Tuy nhiên, những giải pháp mà Việt Nam đang thực thi trong suốt thời gian qua vẫn chưa đem lại những hiệu quả như mong đợi, mức đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế vẫn ở mức rất hạn chế[17]. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới là cần thiết.

         Mô hình Bảo lãnh tính dụng của Chính phủ (Development of Crediit Guarantee Schemes by Gorvernents), Các ngân hàng dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Shinkin Banks) là những mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công của Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật có thể tham khảo, nghiên cứu trong quá trình thiết kế những mô hình hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

 

Vũ Phương Đông[1]

                                                                                  Lê Thị Lệ Huyền[2]


 

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội

[2] Trường Chính trị Tỉnh Phú Thọ

[3] Tổng cục thống kê, Tổng điều tra kinh tế năm 2017

[4] Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Báo cáo tình hình Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017

[5] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Báo cáo khảo sát thường niên về doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2016

[6] Luật số 04/2017/QH14 Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 12 tháng 06 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018

[7] Nội dung của Phần này được tham khảo chủ yếu các thông tin tại Báo cáo thường niên thị trường tài chính năm 2017, Chương 2: Tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước

[8] Thông tin của Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế của Ngân hàng nhà nước tại Diễn đàn: “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tổ chức 7/8/2018 tại Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam

[9] Nt

[10] Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước, Báo cáo thường niên thị trường tài chính năm 2017, tr.42

[11] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam- Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015

[12] Phạm Ngọc Long, Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong AEC, Tạp chí tài chính online

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/kha-nang-tiep-can-von-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-aec-63825.html

Truy cập lần cuối: 11h ngày 22 tháng 10 năm 2018

[13] Website: http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn/Pages/default.aspx

[14] Ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của BIDV

http://bidv.com.vn/Tin-tuc-su-kien/Tin-khuyen-mai/UU-D--195;I-DOANH-NGHIEP-NHO-V--192;-VUA-VOI-G--21.aspx

Truy cập lần cuối: 22 tháng 10 năm 2018

[15] Naoyuki Yoshino and Farhad Taghizadeh-Hesary, Solutions for small and medium-sized enterprises’ difficulties in accessing finance: asian experiences, ADBI Working Paper Series, No.768, August 2017

[16] Credit Guarantee Corporation

[17] Mức đóng góp GDP là 45% so với Thái Lan 80,3%, Campuchia 71,8%, Singapore là 68%

Bài viết cùng danh mục

0947202189