NHỮNG VƯỚNG MẮC CƠ BẢN TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ TẠI VIỆT NAM

Ngày đăng: 22/04/2022

Đặt vấn đề

        Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam liên tục thay đổi các chính sách kinh tế nhằm thích nghi với những quy định của sân chơi” toàn cầu. Một thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập hiện nay là sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần. Nhiều lĩnh vực kinh doanh không còn được nhà nước bảo hộ bằng những biện pháp tự vệ thương mại do cam kết mở cửa đã được ký kết trong các hiệp định song phương, đa phương và trong tiến trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO. Các công ty hàng đầu thế giới lao vào những cuộc thôn tính quy mô lớn, “bành trướng” thế lực và dành hầu hết thị phần đang ngày càng nhỏ bé. Ở Việt Nam số lượng các doanh nghiệp đã lên tới hơn 500.000 doanh nghiệp[1]. Tuy nhiên, tư duy sản xuất nhỏ, kinh doanh mang tính chất gia đình, địa phương dẫn đến thực trạng manh mún trong quy mô kinh doanh. Trong cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam đó là có tới 96% doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa[2], quy mô sản xuất trung bình, nguồn vốn kinh doanh ít và thường xuyên chịu tác động mạnh mẽ từ các quy luật của nền kinh tế thị trường. Một nhu cầu tất yếu đó là các công ty nhỏ phải hợp lại để hình thành một cá thể mạnh hơn, cùng nhau chống chọi với quá trình cạnh tranh trên thị trường. Nhận biết được những yêu cầu đó pháp luật về doanh nghiệp đã có một số quy định về tập đoàn kinh tế tạo cơ sở hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định này chỉ mang tính chất định hình về một mô hình tổ chức kinh tế mới mà chưa có các quy định cụ thể, vì vậy quá trình hoạt động của các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều vướng mắc, những vướng mắc này cần được xem xét để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện về mặt phát lý đối với tập đoàn kinh tế ở Việt Nam

Những vướng mắc pháp lý về Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

1. Vướng mắc về khái niệm “tập đoàn kinh tế”. 

        Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn”. Điều 38 Nghị định 102/2010/NĐ-CP[3] quy định cụ thể hơn về mô hình tập đoàn kinh tế, theo đó:

Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có quy mô lớn, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con.

Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

        Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, thực tế tồn tại quan niệm cho rằng tập đoàn kinh tế là một thực thể kinh tế, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành giữa các công ty có sự liên kết với nhau về tài chính, công nghệ, lợi ích[4].Nhiều nhà đầu tư cũng thể hiện mong muốn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận tư cách pháp nhân cho tập đoàn làm cơ sở để tập đoàn kinh tế trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh[5].

        Mặc dù vậy, khi tiến hành nghiên cứu trên cơ sở các khía cạnh pháp lý về phương thức hình thành tập đoàn, về sản nghiệp của tập đoàn, về năng lực pháp lý của tập đoàn, có thể khẳng định tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân. Pháp luật về doanh nghiệp không thể áp đặt tư cách pháp nhân cho tập đoàn kinh tế, như mong muốn của nhiều nhà đầu tư, do tập đoàn kinh tế không có những dấu hiệu pháp lý cơ bản để có tư cách pháp nhân. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân cũng phản ánh chính xác đặc trưng của mô hình này trên thực tế, đó là mô hình tổ chức kinh tế được tạo lập bởi những liên kết về vốn, thị trường, công nghệ và các lợi ích kinh tế khác của pháp nhân thành viên.

2. Vướng mắc về tên thương mại của tập đoàn kinh tế.

        Hiện nay tên thương mại của tập đoàn kinh tế không nhất quán giữa tập đoàn kinh tế tư nhân và tập đoàn kinh tế Nhà nước.

        Đối với tập đoàn kinh tế tư nhân thì : “Cụm từ "tập đoàn" có thể sử dụng như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ, phù hợp với các quy định từ Điều 31 đến Điều 34 của Luật Doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp”[6]. Như vậy, trong cách đặt tên cho công ty mẹ vẫn phải có tiền tố xác định mô hình quản lý công ty như “công ty cổ phần” hay “công ty trách nhiệm hữu hạn” và cụm từ “tập đoàn” chỉ là một cụm từ được sử dụng vào trong tên gọi của các công ty. Ví dụ, công ty mẹ của tập đoàn Hòa Phát có tên gọi là “Công ty cổ phần tập đoàn Hòa phát” với tên giao dịch là Tập đoàn Hòa Phát[7]. Quy định này dẫn đến sự nhầm lẫn giữa tập đoàn và công ty mẹ trong tập đoàn. Về pháp lý, tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không độc lập thực hiện các giao dịch, tuy nhiên, do sự nhầm lẫn về tên gọi, những giao dịch, hoạt động của công ty mẹ trong tập đoàn được hiểu là giao dịch, hoạt động của toàn bộ tập đoàn.

        Đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước thì : Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tên, thương hiệu riêng. Người quyết định thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty quyết định tên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty và tên của công ty mẹ thành lập[8]. Trong cách lựa chọn tên gọi của tập đoàn kinh tế Nhà nước phụ thuộc vào đề xuất trong đề án thành lập tập đoàn.

        Ví dụ, Theo quy định tại Điều lệ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 149/2013/NĐ-CP[9], Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là tổ hợp doanh nghiệp bao gồm công ty mẹ với tên gọi “Tập đoàn dầu khí Việt Nam”. Tập Đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam không có tư cách pháp nhân, công ty mẹ “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” có tư cách pháp nhân.

        Theo quy định tại Điều lệ của Tập đoàn điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 205/2013/NĐ-CP[10], Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam là nhóm công ty bao gồm công ty mẹ với tên gọi “Tập đoàn điện lực Việt Nam”.

        Cách đặt tên này của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng tạo ra sự nhầm lẫn giữa khái niệm tập đoàn và công ty mẹ trong tập đoàn.

        Từ những thực tiễn trên có thể thấy rằng, cách thức đặt tên thương mại cho các tập đoàn ở Việt Nam đang gây nên sự nhầm lẫn giữa tập đoàn và công ty mẹ của tập đoàn, sự nhầm lẫn này có thể tạo ra những hệ quả phức tạp khi những giao dịch của các tổ chức này thường ở quy mô lớn, sự nhầm lẫn này cũng gây không ít khó khăn cho quá trình xây dựng thương hiệu của các tập đoàn ở Việt Nam.

3. Vướng mắc trong xác định quy mô tập đoàn.

a. Đối với tập đoàn kinh tế tư nhân

        Luật Doanh nghiệp năm 2005 không đặt ra điều kiện để các công ty được sử dụng cụm từ “tập đoàn” khi tiến hành đăng ký kinh doanh, vì vậy nhiều công ty quy mô vốn nhỏ, hoạt động đầu tư đơn ngành nhưng vẫn tiến hành đăng ký kinh doanh dưới tên gọi tập đoàn, với hi vọng cụm từ “tập đoàn” sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong quá trình kinh doanh. Điều này sẽ tạo ra những “con hổ giấy”, những tập đoàn có năng lực tài chính yếu, không đáp ứng được nhu cầu mà nhà nước và xã hội đặt ra. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia thế giới, nếu muốn tiến hành thành lập tập đoàn, các công ty, nhóm công ty phải tích tụ được một số vốn nhất định (hay còn gọi là vốn pháp định), nhưng ở Việt Nam khái niệm vốn pháp định chỉ dành cho những ngành nghề kinh doanh đặc biệt mà chưa được quy định dành cho các mô hình kinh tế. Việc đặt ra vốn pháp định với các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng là một giải pháp được tính đến nhưng mới chỉ dừng ở mức độ dự thảo[11]. Pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế việc sở hữu chéo của các công ty trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, các công ty trong tập đoàn kinh tế tư nhân có thể đầu tư và nắm giữ cổ phần, phần vốn góp của nhau. Việc không hạn chế sở hữu chéo cho phép các công ty mẹ nhanh chóng tăng quy mô tập đoàn đồng thời tạo ra những liên kết chặt chẽ giữa các công ty. Tuy nhiên, với chính sách “hậu kiểm” trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp, không hạn chế sở hữu chéo cũng tạo ra những hệ lụy phức tạp. Đó là việc thành lập tràn lan những tập đoàn kinh tế có quy mô vốn ảo, khó khăn trong việc kiểm soát dòng vốn đầu tư, kiểm soát việc chuyển lợi nhuận để giảm trừ nghĩa vụ thuế và khó khăn trong việc thực thi quản lý các tập đoàn kinh tế.

b. Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước

        Theo quy định tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP, quy mô của tập đoàn kinh tế Nhà nước được xác định bằng quy mô của công ty mẹ trong tập đoàn. Trong tập đoàn kinh tế nhà nước, vốn điều lệ của công ty mẹ không được thấp hơn 10.000 tỷ đồng[12]. Nguồn vốn đầu tư để thành lập công ty mẹ là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, các quỹ tập trung của Nhà nước khi thành lập doanh nghiệp và bổ sung trong quá trình hoạt động kinh doanh; các khoản phải nộp ngân sách được trích đlại; ngun Quỹ đu tư phát trin tại doanh nghiệp; Quỹ htrợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến; giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên Quốc gia được Nhà nước giao và ghi tăng vốn nhà nước cho doanh nghiệp; các tài sản khác theo quy định của pháp luật được Nhà nước giao cho doanh nghiệp[13]. Tuy nhiên, mức vốn này được đánh giá là thấp so với quy mô của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay, không phản ánh đúng nhu cầu vốn của tập đoàn kinh tế nhà nước. Thực tế, có một số tập đoàn quy mô vốn rất lớn như: Vốn điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam là 177.628.383.625.944 đồng (Một trăm bảy mươi bảy nghìn, sáu trăm hai mươi tám tỷ, ba trăm tám mươi ba triệu, sáu trăm hai mươi lăm nghìn, chín trăm bốn mươi bốn đồng)[14]; vốn điều lệ của công ty mẹ trong Tập đoàn điện lực Việt Nam tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2012 là 143.404 tỷ đồng (một trăm bốn mươi ba nghìn bốn trăm lẻ bốn tỷ đồng)[15]; vốn điều lệ của công ty mẹ Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam là 35.000 tỷ đồng (ba mươi lắm nghìn tỷ đồng)[16].

        Bên cạnh đó, cũng một số tập đoàn quy mô vốn của công ty mẹ ở dưới mức 10.000 tỷ đồng như: vốn điều lệ công ty mẹ Tập đoàn hóa chất Việt Nam chỉ là 8.000 tỷ đồng (tám nghìn tỷ đồng)[17]; vốn điều lệ công ty mẹ Tập đoàn dệt may Việt Nam chỉ là 3.400 tỷ đồng (ba nghìn bốn trăm tỷ đồng)[18]. Hiện nay, Chính phủ chưa có giải pháp để khắc phục tình trạng quy mô vốn của các tập đoàn dưới mức quy định.

        Quy mô tập đoàn được giới hạn về cấp doanh nghiệp, theo đó tập đoàn kinh tế nhà nước có không quá ba cấp doanh nghiệp bao gồm: công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giữ quyền chi phối; công ty con của doanh nghiệp cấp I (doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối; công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I nắm quyền chi phối[19]. Trong tập đoàn kinh tế Nhà nước phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết[20]. Quy định này nhằm hạn chế hoạt động đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước[21], tuy nhiên cũng làm hạn chế sự phát triển của quy mô tập đoàn.

4. Vướng mắc trong lựa chọn mô hình tổ chức của tập đoàn.

a. Đối với tập đoàn kinh tế tư nhân

        Hiện nay, do trình độ phát triển kinh tế còn ở mức độ thấp, mô hình tập đoàn kinh tư nhân Việt Nam chủ yếu hoạt động dưới hình thức công ty mẹ- công ty con. Trong đó một công ty đóng vai trò chi phối toàn bộ tập đoàn (công ty mẹ) và các công ty bị chi phối (công ty con). Công ty mẹ trong tập đoàn có thể chi phối công ty con về vốn, về quản lý hoặc về chiến lược phát triển công ty[22]. Mô hình tập đoàn kinh tế theo mô hình này có thể có nhiều cấp dưới dạng kim tự tháp, các công ty con cấp 1 có thể trở thành công ty mẹ của các công ty con cấp 2, v.v... Luật Doanh nghiệp năm 2005 hiện nay thiếu những quy định chi tiết về quan hệ nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty con với nhau. Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con chỉ được điều chỉnh bằng quan hệ sở hữu phần vốn góp chi phối theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, công ty mẹ sẽ đóng vai trò thành viên góp vốn chủ yếu của công ty con và có những quyền và trách nhiệm như các cổ đông thông thường khác. Sự phân cấp quản lý chủ yếu được dựa trên vấn đề vốn góp, trong khi đó các công ty trong tập đoàn phải có sự phối hợp trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là công nghệ, thương hiệu hay hệ thống khách hàng. Mối quan hệ giữa các công ty con trong cùng tập đoàn cũng chưa được điều chỉnh phù hợp, vì vậy các công ty con chủ yếu hoạt động độc lập và ít có sự liên kết.

        Mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay chỉ được quy định ở mức độ đơn giản, chưa sẵn sàng cho những liên kết ở trình độ phát triển kinh tế cao hơn như liên kết về quyền sở hữu trí tuệ, liên kết thị trường, liên kết kinh doanh tạo thành tổ hợp kinh doanh.

b. Đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

        Hoạt động quản lý trong tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển nguồn vốn Nhà nước. Nguyên tắc quản lý của tập đoàn kinh tế Nhà nước theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP vẫn dựa trên cơ sở nguyên tắc được quy định của Nghị định 101/2009/NĐ-CP, bao gồm:

  • Quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ.
  • Quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường.
  • Phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.[23]

        Về lý thuyết, những nguyên tắc quản lý được quy định phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng mô hình quản trị tập đoàn kinh tế Nhà nước. Trên thực tế, việc quản lý điều hành trong tập đoàn kinh tế Nhà nước chủ yếu được thực hiện qua công ty mẹ, mà ít sử dụng công cụ điều hành qua các hình thức đầu tư, liên kết khác. Công ty mẹ hoạch định các chính sách phát triển chung của tập đoàn, định hướng và tạo các liên kết kinh doanh giữa các thành viên trong tập đoàn. Mặc dù vậy, việc chưa phân tách hiệu quả chức năng chủ sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đang trở thành rào cản để thực hiện hoạt động quản lý kinh doanh tại tập đoàn. Công ty mẹ trong tập đoàn bị buộc phải thực hiện các nhiệm vụ điều tiết kinh tế, điều tiết thị trường theo yêu cầu của chủ sở hữu Nhà nước. Nhằm giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho mình, công ty mẹ sử dụng “mệnh lệnh hành chính” áp đặt xuống hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các công ty con, can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công ty con. Công ty mẹ can thiệp vào việc bổ nhiệm các chức vụ quản lý công ty tại công ty con, một số tập đoàn chưa có quy định về việc bổ nhiệm nhân sự cấp quản lý tại công ty con, trong khi đó quy định về điều kiện tiêu chuẩn trở thành người đại diện theo ủy quyền phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BTC[24] đơn giản, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, dẫn đến việc bổ nhiệm còn bừa bãi.

Kết luận

        Quá trình hình thành tập đoàn kinh tế là một nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, các tập đoàn kinh tế đang đóng một vai trò quan trọng là đầu tàu, “quả đấm thép” của nền kinh tế, các tập đoàn kinh tế càng lớn mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ cơ cấu lại hoạt động của các công ty, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo ra cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

        Các vướng mắc liên quan đến khái niệm “tập đoàn kinh tế”, tên thương mại của tập đoàn kinh tế, vướng mắc liên quan đến quy mô hoạt động và mô hình quản trị nội bộ của tập đoàn kinh tế đang gây lúng túng cho cả những tập đoàn kinh tế Nhà nước và tập đoàn kinh tế tư nhân.

        Đây là thời điểm phù hợp để các chuyên gia pháp lý nhận định chính xác bản chất của mô hình tập đoàn kinh tế. Tập đoàn kinh tế là tổ chức không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng, không nhân danh chính mình thực hiện các giao dịch và thực hiện các hoạt động theo mục đích thành lập thông qua các thành viên trong tập đoàn. Tập đoàn kinh tế có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, trong đó có công ty giữ chức năng chi phối hoặc điều hành toàn bộ hoạt động của Tập đoàn. Nhằm quản lý hoạt động của các Tập đoàn, Nhà nước ban hành hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp điều chỉnh về thủ tục thành lập Tập đoàn, các liên kết trong Tập đoàn và chấm dứt sự tồn tại của Tập đoàn. Một trong những nội dung mà các nhà làm luật cần quan tâm đó là học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đặc biệt là những quốc gia có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đó sẽ là những kinh nghiệm quý báu nhằm hoàn thiện hệ thống các quy định về Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

 

Vũ Phương Đông


[1] Theo Số liệu thống kê của tổng cục thống kê đến hết năm 2013.

[2] Theo số liệu của trang thông tin Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa http://www.vinasme.vn

[3] Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

[4] Quan niệm được trình bày tại Đề tài khoa học cấp bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Xu thế hình thành tập đoàn kinh tế ở Việt

Nam

[5] Xem: Tập đoàn kinh tế tư nhân đòi “giấy khai sinh”, Tùy Phong, Báo Tuổi trẻ Online.

[6] Khoản 4 điều 38 Nghị định 102/2010/NĐ-CP

[7] Theo Điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, đăng tải trên website: http://www.hoaphat.com.vn/

[8] Khoản 1 điều 5 Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2014 về Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty nhà nước.

[9] Nghị định 149/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2013 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn dầu khí Việt Nam

[10] Nghị định 205/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2013 về về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam

[11] Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí đặt tên tập đoàn, theo đó:

Doanh nghiệp được sử dụng cụm từ "tập đoàn" để cấu thành tên doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

- Có vốn điều lệ từ 1000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 (năm) công ty khác;

- Được Thủ tướng Chính phủ cho phép. 

[12] Theo Điểm b Khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP

[13] Xem Khoản 2 Điều 3 Nghị định 71/2013/NĐ-CP về về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

[14] Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ

[15] Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 205/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ

[16] Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp- Than khoáng sản Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ

[17] Theo Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2810/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2009, quyết định thành lập Công ty mẹ- Tập đoàn hóa chất Việt Nam

[18] Theo Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn dệt may Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 118/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ

[19] Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 69/2014/NĐ-CP

[20] Xem Khoản 3 Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP

[21] Dương Thu Phương, Thực trạng doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành và giải pháp thoái vốn, Tạp chí Tài chính số 9/2012

[22] Khoản 15 điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005

[23] Điều 13 Nghị định 69/2014/NĐ-CP

[24] Điều 3 Quy chế hoạt động của Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 21/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 2 năm 2014 của Bộ Tài chính

Bài viết cùng danh mục

0947202189