THỰC TIỄN SỬ DỤNG BỘ NGUYÊN TẮC LA HAY NĂM 2015 VỀ CHỌN LUẬT ÁP DỤNG CHO HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ, MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP

Ngày đăng: 19/04/2022

        Ngày 19 tháng 3 năm 2015 Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã thông qua Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế - một trong những vấn đề pháp lý phức tạp trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế hiện nay.

Bộ nguyên tắc La Hay 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế - Một số nội dung cơ bản

        Bộ quy tắc La Hay về lựa chọn luật áp dụng cho các hợp đồng thương mại quốc tế không phải là một bộ quy tắc đặt ra các quy tắc mới cho việc lựa chọn pháp luật mà chỉ là một sự phát triển tiếp nối các quy tắc pháp lý đã sẵn có trong các hệ thống pháp luật trên thế giới. Bộ quy tắc La Hay 2015 có thể nói là sự phát triển về quy tắc chọn luật điều chỉnh hợp đồng, trong đó đề cao, tăng cường nguyên tắc tự định đoạt của các bên[3]  và bảo đảm pháp luật được các bên lựa chọn có phạm vi áp dụng rộng nhất, tuân theo những giới hạn được xác định rõ ràng được quy định tại Điều 1 Bộ quy tắc.

1. Bản chất

        Bộ quy tắc này không phải là một văn kiện có tính ràng buộc chính thức đối với các quốc gia như một Công ước, đồng thời đây cũng không phải là một luật mẫu để khuyến khích các quốc gia ban hành các quy tắc pháp lý tương tự mà chỉ là một văn bản ra đời nhằm làm cơ sở cho các quốc gia, tùy vào điều kiện của mình, mà tham khảo công ước để có những quy định pháp luật phù hợp. Ví dụ cụ thể như Paraguay[4]  là quốc gia đầu tiên trên thế giới có những tham khảo tới bộ quy tắc này, cho dù chưa chính thức được thông qua, để ban hành Đạo luật số 5393 về luật áp dụng cho các hợp đồng quốc tế vào năm 2015. Trên thực tế, Các quy tắc đã bổ sung vào số lượng ngày càng lớn các văn kiện không có tính ràng buộc của các tổ chức khác đã đạt được thành công trong xây dựng và hài hòa hóa pháp luật. Ví dụ, tác động của các quy tắc của UNIDROIT và PECL trong phát triển pháp luật về hợp đồng.

2. Nội dung

        Bộ nguyên tắc bao gồm lời mở đầu và 12 Điều khoản hướng tới việc  công nhận quyền tự định đoạt của các bên trong lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Một số quy định trong Bộ nguyên tắc phản ánh sự tiếp cận và phát triển các quy tắc pháp lý quốc tế về lựa chọn luật áp dụng mà đã được chấp thuận rộng rãi trên thế giới. Các quy định này bao gồm khả năng cơ bản của các bên trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng (Lời mở đầu, đoạn thứ nhất và Điều 2 (1)) và các hạn chế phù hợp với việc áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn (xem Điều 11).

        Các quy định khác cung cấp những giải thích hữu ích cho các quốc gia đã chấp nhận quyền tự định đoạt của các bên. Các quy tắc này bao gồm quy định về xác định khả năng các bên được lựa chọn pháp luật khác nhau điều chỉnh những phần khác nhau của hợp đồng (xem Điều 2 (2)), được ngầm chọn pháp luật áp dụng (Điều 4) và thay đổi lựa chọn pháp luật áp dụng của mình (xem Điều 2(3)), cũng như không đòi hỏi có mối liên hệ giữa pháp luật được chọn và giao dịch hay các bên (xem Điều 2(4)). Cũng như vậy, phù hợp với các cơ chế của nhiều quốc gia và các văn kiện khu vực, Điều 7 quy định hiệu lực riêng rẽ giữa thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng với hợp đồng chính, và Điều 9 mô tả phạm vi của pháp luật áp dụng. Bộ quy tắc đưa ra chỉ dẫn về làm thế nào để xác định phạm vi áp dụng của pháp luật đã được lựa chọn trong bối cảnh quan hệ ba bên khi có sự thế quyền trong hợp đồng (xem Điều 10) và làm thế nào để giải quyết vấn đề khi các bên có cơ sở kinh doanh ở nhiều quốc gia (xem Điều 12). Bộ quy tắc đã cung cấp những khuyến nghị quan trọng cho các quốc gia trong ban hành hoặc hiện đại hóa các quy định về quyền tự định đoạt của các bên.

3. Đối tượng sử dụng Bộ nguyên tắc

        Đối tượng mà Bản quy tắc La Hay 2015 hướng đến bao gồm nhà làm luật, tòa án và hội đồng trọng tài, các bên và người tư vấn pháp lý cho các bên.

        Với nhà làm luật (cho dù là người xây dựng pháp luật hay tòa án), các quy tắc tạo thành một hình mẫu có thể được sử dụng để xây dựng, bổ sung hoặc phát triển thêm các quy tắc sẵn có về lựa chọn pháp luật áp dụng (Lời mở đầu, các đoạn 2-3). Vì tính chất không ràng buộc của Các quy tắc, các quốc gia có thể áp dụng Các quy tắc toàn bộ hoặc một phần. Các nhà luật cũng vẫn duy trì khả năng đưa ra các quyết sách khi nào Các quy tắc phải nhường chỗ cho pháp luật nơi xét xử.

        Với tòa án và hội đồng trọng tài, Các quy tắc cung cấp hướng dẫn làm cách nào tiếp cận với vấn đề liên quan đến hiệu lực và hậu quả của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và giải quyết các tranh chấp về thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Các quy tắc có thể hữu ích đặc biệt trong giải quyết các vấn đề mới.

        Với các bên và người tư vấn pháp lý của họ, Các quy tắc cung cấp hướng dẫn về pháp luật hoặc nguyên tắc pháp luật mà các bên có thể lựa chọn một cách hợp pháp và các giới hạn liên quan và những vấn đề cần cân nhắc khi đưa ra lựa chọn pháp luật áp dụng, bao gồm cả các vấn đề quan trọng như hiệu lực và hậu quả của sự lựa chọn của họ, và soạn thảo thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng có hiệu lực thi hành.

Thực tiễn sử dụng Bộ nguyên tắc La Hay 2015

1. Thực tiễn về cách thức áp dụng

        Việc áp dụng Bộ quy tắc La Hay chỉ có thể thông qua 03 phương thức, cụ thể:

  • Các quốc gia tham khảo Bộ quy tắc và nội luật hóa các quy định về lựa chọn pháp luật trong bộ quy tắc thành các quy định của pháp luật quốc gia.
  • Bộ quy tắc được áp dụng thông qua việc giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán bao gồm tòa án, trọng tài.
  • Bộ quy tắc được áp dụng thông qua việc soạn thảo, ký kết hợp đồng của các thương nhân trong các giao dịch.

        Tuy nhiên, bộ quy tắc La Hay 2015 là một bộ quy tắc mới, tính đến nay, Bộ quy tắc này mới được ra đời được hơn 3 năm, cùng với những nét đặc thù riêng biệt và các quy định của Bộ quy tắc khiến cho việc đánh giá thực tiễn áp dụng Bộ quy tắc này có nhiều khó khăn, cụ thể:

        Thứ nhất, đối với các quốc gia việc sửa đổi pháp luật là một thủ tục phức tạp, tốn kém về cả chi phí và thời gian. Một trong những điều kiện để sửa đổi pháp luật là những quy định hiện tại không thể điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách ổn định trong tương lai, do đó, về mặt thủ tục lập pháp, một quốc gia để ban hành một văn bản pháp luật mới, đặc biệt là để điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đòi hỏi rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của quy định pháp luật cũ và các tác động của những quy định pháp luật mới. Do vậy, việc bộ quy tắc này ảnh hưởng đến pháp luật các quốc gia như nào không phải là một việc một sớm một chiều có thể đánh giá được. Tuy nhiên việc Paraguay đã ban hành một đạo luật mới trên cơ sở tham khảo dự thảo của bộ quy tắc này cũng đã là một dấu mốc đáng chú ý của Bộ quy tắc.

        Thứ hai, đối với các cơ quan tài phán là tòa án và trọng tài, việc áp dụng Bộ quy tắc có phần rụt rè hơn so với các chủ thể là các quốc gia. Tòa án, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, về mặt nguyên tắc là chỉ được áp dụng pháp luật hoặc căn cứ vào thỏa thuận của các bên làm cơ sở để giải quyết tranh chấp, thế nên Bộ quy tắc đối với các thẩm phán chỉ là cơ sở để tham khảo các vấn đề về chuyên môn khi họ cần giải quyết các vấn đề về việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thông thường khi tham khảo bộ quy tắc các thẩm phán cũng sẽ không chỉ rõ nguồn tham khảo là bộ quy tắc. Do đó, rất khó có thể chứng minh được liệu các Tòa án đã và đang có sự áp dụng bộ quy tắc một cách gián tiếp hay không bởi vì không có sự thể hiện rõ ràng nào trong thực tiễn. Còn đối với các trọng tài, thì trên thực tế, khi lập luận trong các phán quyết trọng tài, trọng tài có thể tham khảo các ý kiến chuyên gia, tham khảo các ý kiến chuyên môn, và điều này có nghĩa là các trọng tài viên có thể tham khảo Bộ quy tắc như là một tài liệu chuyên khảo để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc để tiếp cận với thực tiễn như vậy gặp rất nhiều khó khăn bởi các yếu tố:

  • Một là, các phán quyết của trọng tài trên thực tiễn thường không được công khai, thế nên chúng ta khó có thể có nguồn tài liệu, thông tin làm căn cứ để nghiên cứu về thực tiễn áp dụng Bộ quy tắc.
  • Hai là, Bộ quy tắc này mới chỉ được thông qua từ đầu năm 2015, thêm nữa là việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, và 03 năm không phải là một khoảng thời gian đủ dài để có thể giải quyết được nhiều tranh chấp.
  • Ba là, Bộ quy tắc này không điều chỉnh nhiều vấn đề trong thương mại quốc tế mà chỉ điều chỉnh một khía cạnh rất nhỏ trong thương mại quốc tế là vấn đề chọn luật áp dụng.

        Do vậy, qua ba lý do trên, có thể nhận định rằng số lượng các phán quyết trọng tài hay các bản án mà có áp dụng Bộ nguyên tắc này hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

        Thứ ba, đối với các thương nhân khi soạn thảo, ký kết hợp đồng, việc áp dụng bộ quy tắc này sẽ không được ưa chuộng. Do đặc thù của Bộ quy tắc là điều chỉnh về vấn đề lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng nên phạm vi điều chỉnh của Bộ nguyên tắc này là rất hẹp, hơn nữa đặc thù của các quy phạm trong Bộ quy tắc không phải là những quy phạm thực chất quy định các quyền, nghĩa vụ cụ thể của các bên nên Bộ quy tắc này, đối với các thương nhân chỉ mang tính chất tham khảo để có thể lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng một cách phù hợp nhất với pháp luật. Mặt khác, đối với các thương nhân, mục đích của họ khi đặt ra vấn đề lựa chọn pháp luật là chọn ra một đạo luật cụ thể để điều chỉnh hợp đồng và làm căn cứ giải quyết các tranh chấp phát sinh. Do các quy phạm trong Bộ quy tắc này mang tính khái quát, điều chỉnh chung nên có thể nhậ định các thương nhân sẽ không phải là đối tượng “tiềm năng” để áp dụng Bộ quy tắc này.

2. Thực tiễn áp dụng một số quy phạm trong Bộ quy tắc

        Như đã trình bày ở phần trên, Bộ quy tắc La Hay 2015 không phải là một bộ quy tắc nhằm đưa ra các quy phạm mới trong việc chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, Bộ quy tắc này là một sự kế thừa và phát triển các quy tắc chọn luật áp dụng đã tồn tại trong các hệ thống pháp luật trên thế giới, ví dụ điển hình như quy tắc quyền tự định đoạt của các bên (Party autonomy) hay nguyên tắc về xác định thẩm quyền tòa án, trọng tài và ngầm lựa chọn luật (the choice of forum and tacit choice of law), nguyên tắc về lựa chọn pháp luật và xung đột hình thức (Battle forms). Dưới đây, bài viết sẽ trình bày một vài bản án tiêu biểu cho sự áp dụng các quy định trong Bộ quy tắc.

a. Lựa chọn cơ quan tài phán và sự ngầm lựa chọn luật

        Hiện nay, có nhiều Tòa án, trọng tài hiểu nhầm rằng việc các bên trao thẩm quyền xét xử tranh chấp cho một cơ quan xét xử cụ thể thì điều đó đồng nghĩa với việc họ đã ngầm lựa chọn luật. Nhưng thực tế, quan điểm này là không chính xác bởi vì không thể mặc nhiên quy kết hành vi lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đồng thời là một sự ngầm lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Trong án lệ National thermal power corporation vs. singer company[5] do tòa án tối cao Ấn Độ xét xử vào năm 1993, trong đấy Tòa án tối cao Ấn Độ đã hủy phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm bởi vì Tòa cho rằng việc các bên chỉ đơn thuần lựa chọn nơi xét xử không thể hiện rằng các bên đã ngầm lựa chọn luật áp dụng. Thay vào đó, Tòa cho rằng “việc lựa chọn thẩm quyền tòa án xét xử là ít liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, trừ khi là được chứng minh rằng có nhiều yếu tố khác có liên quan”. Trong một vụ tranh chấp Benidai Trading Co. Ltd. v. Gouws & Gouws (Pty.) Ltd[6] được xét xử bởi Tòa án tối cao Nam Phi, Tòa cũng nhận định rằng việc lựa chọn trọng tài tại một khu vực địa lý nhất định không đồng nghĩa với một sự ngầm lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng, “Trừ khi có căn cứ rõ ràng chứng minh điều ngược lại”. Qua các án lệ trên và theo quy định của Bộ quy tắc, thì các bên hợp đồng có thể lựa chọn cơ quan tài phán tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sự tiện lợi, trung lập, kinh nghiệm tài phán,… mà không vì mục đích lựa chọn pháp luật. Hơn thế nữa, cơ quan tài phán sẽ phải xem xét luật áp dụng cho hợp đồng để có thể giải quyết các tranh chấp, và luật áp dụng có thể là hoặc không là luật nơi giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn cơ quan tài phán do đó chỉ là một yếu tố để xác định mục đích của các bên.

b. Lựa chọn pháp luật khi xung đột hình thức

        Xung đột hình thức trong việc lựa chọn được Bộ quy tắc quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 cụ thể:

Nếu các bên sử dụng điều khoản tiêu chuẩn xác định hai pháp luật khác nhau và theo cả hai pháp luật đó thì cùng một điều khoản tiêu chuẩn được ưu tiên, pháp luật được xác định trong điều khoản tiêu chuẩn ưu tiên được áp dụng; nếu theo mỗi pháp luật đó các điều khoản tiêu chuẩn khác nhau được ưu tiên hoặc nếu theo một hoặc cả hai pháp luật đó không điều khoản tiêu chuẩn nào được ưu tiên thì không có lựa chọn pháp luật.” 

        Xung đột hình thức là một khái niệm còn mới mẻ và chưa có nhiều quốc gia trên quy định cụ thể về vấn đề này, trong đó có Việt Nam. Tư pháp quốc tế nhiều quốc gia hiện tại, chưa giải quyết được câu hỏi của luật áp dụng trong các tình huống liên quan đến xung đột giữa các điều khoản tiêu chuẩn trong hợp đồng về việc lựa chọn pháp luật. Các tòa án thường né tranh vấn đề, hoặc phá vỡ nó, hoặc áp dụng hệ thuộc luật tòa án (lex fori). Để hiểu được vấn đề pháp lý này trong Bộ quy tắc, chúng ta cần phải xác định rõ khái niệm “Điều khoản tiêu chuẩn”. Về cơ bản, có thể hiểu điều khoản tiêu chuẩn là một điều khoản được một bên đơn phương đưa ra trong quá trình soạn thảo hợp đồng mà không cần bên còn lại đồng ý. Ví dụ như Bộ nguyên tắc UNIDROIT định nghĩa điều khoản tiêu chuẩn tại Điều 2.1.19 đoạn 2 là “các điều khoản được chuẩn bị trước để sử dụng chung và lặp lại bởi một bên và thực sự được sử dụng mà không thương lượng với bên kia”, như vậy, hiểu một cách khái quát thì các điều khoản tiêu chuẩn có nét tương đồng với khái niệm hợp đồng mẫu trong pháp luật dân sự Việt Nam về tính chất được chuẩn bị trước và không thể thương lượng, áp dụng cho số đối tác không xác định. 

        Ví dụ cho trường hợp này: 

        Bên A đưa ra đề nghị và đề cập đến các điều khoản tiêu chuẩn của hợp đồng, trong đó có một điều khoản quy định pháp luật của Nhà nước X là luật áp dụng cho hợp đồng. Bên B thể hiện chấp nhận đề nghị và đề cập đến các điều khoản tiêu chuẩn riêng của mình, trong đó chỉ định luật của Nhà nước Y là luật áp dụng. Đối với sự xung đột về mặt hình thức này, luật trong nước của Nhà nước X và của Nhà nước Y đều quy định rằng các điều khoản tiêu chuẩn cuối cùng được đề cập để áp dụng (nguyên tắc bắn cuối cùng) có nghĩa là luật sẽ được áp dụng theo điều khoản của bên B; và ngược lại, nếu cả nhà nước X và Y đều quy định rằng các điều khoản tiêu chuẩn cuối cùng được đề cập để áp dụng là điều khoản tiêu chuẩn đưa ra đầu tiên thì luật sẽ được áp dụng theo điều khoản của bên A.

        Trường hợp thứ 2, Bên A, người chào hàng, chỉ định theo các điều khoản tiêu chuẩn của Nhà nước X, và Bên B, bên nhận, chỉ định luật của Nhà nước Y. Một trong các luật được chỉ định tuân thủ quy tắc bắn đầu tiên (first shot rule), trong khi luật khác tuân thủ quy tắc phát bắn cuối cùng. Trong trường hợp này, việc lựa chọn luật áp dụng trong cả hai điều khoản tiêu chuẩn sẽ được bỏ qua và luật áp dụng được xác định thông qua việc áp dụng các quy tắc được áp dụng khi không có sự lựa chọn theo hợp đồng.

        Trường hợp thứ 3, Bên A chỉ định các điều khoản tiêu chuẩn theo luật nhà nước X, trong khi Bên B chỉ định luật của Nhà nước Y. Nhà nước X tuân thủ quy tắc loại trừ, trong khi nhà nước Y tuân thủ một quy tắc khác, chẳng hạn như quy tắc bắn đầu tiên hoặc quy tắc bắn cuối cùng.  Trong trường hợp này, ít nhất một trong những luật được chỉ định áp dụng quy tắc knock-out, "không có điều khoản tiêu chuẩn chiếm ưu thế", và do đó cả hai điều khoản tiêu chuẩn phải được bỏ qua. Và kết quả được coi là hai bên đã không lựa chọn pháp luật. Trong trường hợp này, việc lựa chọn pháp luật sẽ được giải quyết như trong trường hợp 2.

        Một án lệ tiêu biểu cho việc giải quyết xung đột về mặt hình thức là án lệ Specialist Insulation Ltd v Pro-Duct (Fife) Ltd [2012] CSOH 79 được xét xử bởi tòa án tối cao Vương quốc Anh. Trong vụ tranh chấp này, tòa đã áp dụng cách giải quyết truyền thống là “nguyên tắc bắn cuối cùng” (the last shot), có nghĩa là các điều khoản tiêu chuẩn về việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng được đưa ra cuối cùng được ưu tiên áp dụng.

        Một án lệ khác tiêu biểu là Grafton Merchandising Gb Ltd t/a Buildbase v Sundial Properties (Gilmerton) Ltd được xét xử bởi tòa Edinburgh Sheriff tại Vương quốc Anh. Trong vụ tranh chấp này, nguyên tắc bắn đầu tiên được áp dụng, có nghĩa là các điều khoản tiêu chuẩn về việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng được đưa ra đầu tiên được ưu tiên áp dụng.

        Một nhược điểm của quy định này trong bộ quy tắc đó là tính phức tạp của quy định, đó là việc đòi hỏi sự hiểu biết của pháp luật hai quốc gia liên quan. Trong nhiều trường hợp, nội dung pháp luật nhiều khi không rõ ràng hoặc thậm chí là không tồn tại các quy định về giải quyết xung đột hình thức trong pháp luật một số quốc gia, và tình trạng như vậy dễ khiến cho quy tắc này khó được áp dụng chính xác như cách thức mà nó đặt ra. Tuy nhiên, việc quy định như vậy vẫn là hợp lý bởi vì Bộ quy tắc nên được thể hiện theo cách tôn trọng pháp luật đối với mỗi quốc gia, đúng với tính chất khuyến nghị của bộ quy tắc, hơn là đặt ra các quan điểm pháp lý về quy tắc bắn đầu tiên hay cuối cùng...

Một số khuyến nghị dành cho doanh nghiệp

        Xác định pháp luật áp dụng đối với một hợp đồng mà không tính đến ý chí rõ ràng của các bên trong hợp đồng đó có thể dẫn đến tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý vì sự khác biệt về cách giải quyết vấn đề giữa các quốc gia là khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân mà khái niệm quyền tự định đoạt của các bên (“party autonomy”) trong việc xác định pháp luật áp dụng được phát triển và chiếm ưu thế hiện nay. Thông qua thực tiễn áp dụng Bộ nguyên tắc La Hay 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế, nhóm tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị cụ thể cho Doanh nghiệp:

        Thứ nhất, các bên (Doanh nghiệp trong hợp đồng) cần lưu ý đến các điều kiện trước khi “chọn luật áp dụng” để đưa vào Hợp đồng, cụ thể:

  • Luật được chọn phải có nội dung phù hợp. Không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; pháp luật của các đối tác; các điều ước quốc tế mà các bên là thành viên và với thông lệ chung của hoạt động thương mại quốc tế;
  • Luật được chọn phải là luật thực chất. Vì nếu chấp nhận luật tự chọn bao gồm cả luật xung đột thì đồng nghĩa với việc chấp nhận dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài. Như vậy, trong một số trường hợp, khi luật được chọn có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến một luật khác và luật đó được áp dụng thì luật được áp dụng này đã trái với ý chí tự chọn luật ban đầu của các bên.
  •  Lựa chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật. Các bên trong Hợp đồng nếu cố ý khai thác các quy định của pháp luật nhằm mục đích lẩn tránh hệ thống pháp luật đáng lẽ phải được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong Hợp đồng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Điều này sẽ gây bất lợi lớn trong vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng.
  •  Luật được chọn phải dễ tiếp cận về mặt nội dung và ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong luật được chọn tốt nhất là ngôn ngữ thông dụng của nước mình, cần chọn luật của nước được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mang tính công khai minh bạch, ổn định và sẽ dễ tìm thấy trên các phương tiện thông tin.
  • Trong trường hợp việc chọn luật áp dụng khó khăn, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo lưu việc áp dụng luật quốc gia cho những vấn đề không được quy định trong Hợp đồng. Khi lựa chọn Luật áp dụng trong hợp đồng các bên cần lưu ý về điều kiện trước khi chọn luật áp dụng trong hợp đồng để hợp đồng không bị vô hiệu toàn bộ hay một phần và tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp sau này.

        Thứ hai, Thực tiễn áp dụng cho thấy, Các quy tắc cung cấp các quy định chỉ cho những tình huống mà các bên đã đưa ra lựa chọn pháp luật áp dụng (rõ ràng hoặc ngầm hiểu) bằng thỏa thuận. Các quy tắc không áp dụng với các quy định về lựa chọn pháp luật áp dụng khi các bên không có thỏa thuận. Do đó, việc đưa điều khoản lựa chọn luật áp dụng vào trong hợp đồng là một lưu ý hết sức quan trọng đối với các Doanh nghiệp. Điều này sẽ nâng cao được quyền tự định đoạt của các bên và tránh được những tranh chấp trong tương lai.

        Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận về thẩm quyền, điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn nơi xét xử, hoặc điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn tòa án, tất cả các thỏa thuận này đồng nghĩa chỉ thỏa thuận của các bên về nơi xét xử (thường là tòa án) sẽ giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận trọng tài để chỉ thỏa thuận của các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại hội đồng trọng tài. Mặc dù các điều khoản hoặc thỏa thuận này thực tiễn thường được kết hợp với thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, chúng phục vụ những mục đích khác nhau. Các quy tắc chỉ áp dụng với thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà không phải là thỏa thuận về giải quyết tranh chấp hay các vấn đề khác thường được coi là những vấn đề về mặt thủ tục tố tụng.

        Thứ ba, lựa chọn pháp luật của các bên phải được phân biệt với các thỏa thuận hợp đồng chính giữa các bên (“Hợp đồng chính”). Hợp đồng chính có thể, ví dụ, là một hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng cho vay. Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng chính của mình hoặc bằng một thỏa thuận riêng về lựa chọn pháp luật áp dụng./.

 

ThS. Lê Đình Quyết[1]

Trần Minh Phương[2]


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ nguyên tắc La Hay 2015 về chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế.

2. Hanoi Law University, Textbook on International Trade and Business Law, Youth Publishing House, Hanoi, 2017. Page 933 – 980.

3. Website:

- http://moj.gov.vn

- www.hcch.net

- indiankanoon.org

- www.arbitratorintelligence.org


[1] Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế - Trường Đại học Luật Hà Nội.

[2] Sinh viên lớp 4029B CLC, Khóa 40 - Trường Đại học Luật Hà Nội.

[3] Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế phần giới thiệu mục I.11

[4] https://www.hcch.net/en/publications-and-studies/details4/?pid=6300&dtid=41

[5] Được đăng tải công khai tại trang thông tin điện tử https://indiankanoon.org/doc/633347/

[6] Được đăng tải không công khai tại trang thông tin điện tử http://www.arbitratorintelligence.org/awards/benidai-trading-co-ltd-v-gouws-gouws-pty-ltd/, trong trường hợp cần truy cập nội dung vụ việc, người đọc cần phải đăng nhập.

Bài viết cùng danh mục

0947202189