QUYỀN TỰ DO HỢP ĐỒNG TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Ngày đăng: 15/04/2022

        Tóm tắt: Tự do hợp đồng là một nguyên tắc cơ bản trong quyền tự do kinh doanh và pháp luật về hợp đồng của các quốc gia trên thế giới. Pháp luật quốc tế và đa số các quốc gia trên thế giới quy định quyền tự do hợp đồng bao gồm: quyền tự do giao kết hợp đồng, tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng, tự do thỏa thuận nội dung và tự do lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế -  xã hội của mỗi nước các nội dung trên của quyền tự do hợp đồng được thể hiện ở những mức độ khác nhau do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau... Để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích của bản thân các chủ thể hợp đồng, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam đều có những giới hạn nhất định đối với các chủ thể khi thực hiện quyền tự do hợp đồng.

        Thuyết tự do ý chí cho rằng ý chí của con người là tối thượng và tự chủ. Chỉ các hành vi xuất phát từ ý chí tự chủ của một người mới có hiệu lực ràng buộc đối với người đó. Một hợp đồng sẽ công bằng khi các bên được tự do thể hiện ý chí của mình. Mặt khác, Mỗi bên tham gia hợp đồng đều nhằm thỏa mãn những lợi ích riêng của mình trong phạm vi phù hợp với lợi ích chung[2]. Do đó, Hợp đồng với bản chất được xác lập trên cơ sở thỏa thuận, phải được coi là kết quả của sự thống nhất ý chí tự nguyện của các bên.

Khái niệm tự do hợp đồng.

        Tự do hợp đồng dưới góc độ là một quyền cơ bản của chủ thể kinh doanh.

        Quyền tự do kinh doanh  là quyền cơ bản của công dân, của các chủ thể kinh doanh, được hầu hết các nước trên thế giới tôn trọng, bảo vệ. Quyền tự do kinh doanh là một hệ thống quyền của chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bao gồm:

  • (i) Quyền tự do lựa chọn thành lập loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, và địa điểm kinh doanh;
  • (ii) Quyền được đảm bảo sở hữu tài sản;
  • (iii) Quyền tự do hợp đồng;
  • (iv) Quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật;
  • (v) Quyền tự định đoạt cơ quan tài phán tranh chấp;
  • (vi) Quyền tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp…

        Trong quyền tự do kinh doanh thì quyền ‘tự do hợp đồng'  được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng, là biểu hiện sinh động nhất của quyền tự do kinh doanh. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà kinh doanh. Thông qua việc thiết lập và thực hiện các hợp đồng, các chủ thể kinh doanh có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Do đó, việc ghi nhận và bảo đảm quyền tự do hợp đồng có tác động lớn tới quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh.

        Tự do hợp đồng dưới góc độ là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc gia và pháp luật thương mại quốc tế. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tự do hợp đồng:

        Theo Viện thống nhất Tư pháp Quốc tế (viết tắt theo tiếng Pháp là UNIDROIT) thì quyền tự do hợp đồng được quy định: “Các bên trong hợp đồng được tự do giao kết hợp đồng và quy định nội dung của hợp đồng[3]. Theo đó, UNIDROIT xác định tự do hợp đồng là nguyên tắc chủ yếu trong phạm vi thương mại quốc tế, nó có vai trò vô cùng quan trọng trong các hợp đồng thương mại. Thương nhân có quyền tự do quyết định ai là người họ sẽ bán hàng và cung cấp dịch vụ của mình và ai là người mà họ muốn mua hàng và cung cấp dịch vụ cho mình, cũng như họ có thể tự do thỏa thuận những điều khoản của từng giao dịch cụ thể. Đó là nền tảng của trật tự kinh tế quốc tế mang tính cạnh tranh và theo định hướng thị trường mở. 

        Theo quan điểm của tác giả Jan Ramberg, trong cuốn International Commercial Transaction, thì quyền tự do hợp đồng là quyền của các chủ thể kinh doanh được thể hiện ở các khía cạnh tự do giao kết hợp đồng và tự do lựa chọn luật áp dụng[4];

        Theo quy định của Luật thương mại Việt Nam 2005 thì quyền tự do hợp đồng được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 11: “Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.”

        Dù có những cách hiểu rộng hẹp khác nhau về tự do hợp đồng nhưng nhìn chung nội dung của tự do hợp đồng trong thương mại quốc tế đều được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:

  • (i) Tự do lựa chọn việc giao kết hợp đồng Thương mại quốc tế (có tham gia vào quan hệ hợp đồng Thương mại quốc tế hay không?);
  • (ii) Tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng Thương mại quốc tế;
  • (iii) Tự do thỏa thuận về hình thức và nội dung của hợp đồng Thương mại quốc tế;
  • (iv) Tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng Thương mại quốc tế.

Những nội dung cơ bản của nguyên tắc tự do hợp đồng

1. Tự do lựa chọn việc giao kết hợp đồng

        Tự do Giao kết hợp đồng  là nguyên tắc cơ bản của Giao kết hợp đồng nói chung. Theo đó, khi thiết lập quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, các chủ thể đều được tự do về mặt ý chí, không có chủ thể nào có quyền áp đặt ý chí để bắt buộc hay ngăn cản chủ thể khác giao kết hợp đồng. Quyền tự do giao kết hợp đồng xuất phát từ bản chất của hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất về mặt ý chí giữa các chủ thể, nhưng không phải tất cả những thỏa thuận giữa các chủ thể đều là hợp đồng. Sự thỏa thuận chỉ có thể trở thành hợp đồng khi ý chí của các chủ thể được thể hiện (trong sự thỏa thuận) phù hợp với “ý chí thực” của họ[5].  Ví dụ, Công ty A (Việt Nam) nợ công ty B (Pháp) 1triệu USD, nhưng chưa có khả năng thanh toán. Với mục đích đòi nợ công ty A, công ty B đã yêu câu Công ty A phải ký kết hợp đồng cam kết cung cấp 1000 tấn gỗ cho công ty B với giá ưu đãi. Mặc dù,Công ty A không muốn ký kết hợp đồng cung cấp gỗ cho công ty B, nhưng do khoản nợ của mình với công ty B nên Công ty A đã phải miễn cưỡng ký hợp đồng. Trong trường hợp này, hợp đồng giữa Công ty A và Công ty B đã vi phạm nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, và hậu quả là khi có tranh chấp xảy ra cơ quan tài phán sẽ tuyên Hợp đồng này vô hiệu.

        Trong pháp luật Việt Nam, tại Điều 389 Bộ luật dân sự 2005[6] và Điều 11 Luật thương mại của Việt Nam cũng quy định cho các chủ thể được tự do giao kết hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Có thể thấy, theo nguyên tắc này mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện về tư cách chủ thể đều có thể tham gia giao kết bất kì một hợp đồng thương mại quốc tế nào, nếu muốn. Pháp luật của các quốc gia trên thế giới cũng đều thừa nhận nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Pháp luật hợp đồng của Nhật Bản được xây dựng trên nguyên tắc chủ đạo là tự do giao kết hợp đồng, nguyên tắc này đã chi phối hầu như toàn bộ các quan hệ pháp luật hợp đồng ở Nhật Bản. Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng trong pháp luật Nhật Bản biểu hiện ở các điểm cụ thể như: các chủ thể có quyền giao kết hoặc không giao kết hợp đồng; giao kết với người này hoặc với người khác; tự do xác định nội dung và hình thức của hợp đồng[7]. Luật hợp đồng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng quy định: " Đương sự có quyền tự nguyện lập hợp đồng theo pháp luật, không đơn vị hoặc cá nhân nào được phép can thiệp bất hợp pháp".

2. Tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng

        Các chủ thể trong hợp đồng thương mại quốc tế có quyền tự do lựa chọn đối tác để giao kết hợp đồng. Quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các bên giao kết hợp đồng thương mại quốc tế, bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn đối tác nào để giao kết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: văn hóa ứng xử của đối tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác, các điều kiện lợi ích kinh tế phát sinh từ sự thương thảo hợp đồng… Các bên giao kết hợp đồng chỉ cần căn cứ vào các quy định pháp luật tương ứng với nội dung hợp đồng ký để thỏa thuận, tuân thủ khi ký kết và thực hiện. Ví dụ, một thương nhân xuất khẩu hàng may mặc được tự do lựa chọn một đối tác sản xuất, gia công hàng may mặc có uy tín về chất lượng để giao kết hợp đồng gia công hàng may mặc xuất khẩu.

        Pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia trên thế giới khi quy định về quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng trong hoạt động thương mại quốc tế thường tập trung vào hai nội dung cụ thể, đó là: (i) Các bên có quyền tự quyết định việc đưa ra đề nghị hay không đưa ra đề nghị về việc giao kết hợp đồng cũng như nội dung của lời đề nghị giao kết. Khi nhận được đề nghị các bên có quyền chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị, việc ký hay không ký hợp đồng là do ý chí của các bên, không chịu sự ảnh hưởng bởi ý chí hay sự ép buộc của bên đối tác hay bên thứ ba nào khác; (ii) Các thương nhân có quyền lựa chọn ký kết với chủ thể này và từ chối ký kết hợp đồng với chủ thể khác, họ có quyền tự do quyết định sẽ ký kết hợp đồng với ai[8]. Thực tế trong hoạt động thương mại quốc tế cho thấy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích, nhu cầu tình cảm, độ tin cậy giữa các chủ thể mà dẫn đến sự gặp gỡ, thống nhất ý kiến của các bên tham gia giao kết hợp đồng.

3. Tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng

        Quyền tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng là quyền hết sức cơ bản của quyền tự do hợp đồng vì đây là yếu tố cơ bản nhất tác động đến lợi ích của các bên chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn hình thức của hợp đồng sẽ giao kết, đối tượng hàng hóa để mua bán hoặc dịch vụ để cung cấp, thỏa thuận giá cả, cách tính giá, phương thức thanh toán; điều kiện giao nhận hàng, vận chuyển, đóng gói bao bì và các nội dung khác trong hợp đồng trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của hai bên. Nguyên tắc này cho phép các chủ thể trong hoạt động thương mại quốc tế có quyền thỏa thuận bất kì nội dung gì trong hợp đồng, miễn là không trái quy định của pháp luật[9].

        Tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng trong hoạt động thương mại quốc tế còn được thể hiện ở quyền được tự do thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện. Quyền tự do thỏa thuận để thay đổi, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng đã giao kết trong quá trình thực hiện hợp đồng là sự khẳng định quyền trọn vẹn của các chủ thể kinh doanh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tôn trọng sự quyết định ý chí của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể là quyết định thay đổi một phần hợp đồng, hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng khi ý chí của cả hai bên trong hợp đồng muốn thay đổi, bổ sung hợp đồng đã ký kết. Quyền tự do này được các chủ thể kinh doanh lựa chọn theo thực tiễn của quá trình thực hiện hợp đồng: bổ sung hợp đồng, thay đổi một phần nội dung hợp đồng, chấm dứt không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

        Theo quy định trong quyền tự do hợp đồng mà pháp luật quốc tế và các quốc gia quy định thì các bên chủ thể trong hợp đồng thương mại quốc tế có quyền tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng. Điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng là một trong các nội dung cơ bản để quyết định sự thành công của hợp đồng, đảm bảo các quyền nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện bằng quy định phạt vi phạm hợp đồng, hoặc giao dịch bảo đảm thanh toán của tổ chức tín dụng…, điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng liên quan mật thiết đối với trách nhiệm tài chính hữu hạn phát sinh trong một hợp đồng.

4. Tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng.

        Theo nguyên tắc chung của quyền tự do hợp đồng thì khi tham gia ký kết các giao dịch kinh doanh quốc tế các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có quyền lựa chọn luật áp dụng và cơ quan tài phán khi xảy ra tranh chấp. Các bên giao kết hợp đồng có thể lựa chọn luật của nước mình hoặc luật của nước đối tác hoặc các Điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế, hoặc pháp luật của một nước thứ 3… để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng và các tranh chấp có thể phát sinh từ hợp đồng.

        Tuy nhiên, khi tham gia ký kết hợp đồng các bên tham gia ký kết thường lựa chọn pháp luật của một nước thứ 3 hoặc các Điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng và các tranh chấp có thể phát sinh từ hợp đồng. Các bên tham gia ký kết hợp đồng ít khi lựa chọn pháp luật của nước đối tác, nguyên nhân là do, khi lựa chọn pháp luật của một bên tham gia ký kết hợp đồng thì bên tham gia ký kết được chọn luật của quốc gia mình sẽ có lợi hơn, còn bên ký kết hợp đồng còn lại sẽ gặp bất lợi.

        Tương tự, đối với các cơ quan tài phán, các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng cũng có thể lựa chọn các cơ quan tài phán của của bất kì một quốc gia nào hoặc cơ quan tài phán quốc tế. Các cơ quan tài phán mà các bên giao kết hợp đồng có thể sử dụng thường là Trọng tài thương mại hoặc Tòa án. Đối với cơ quan tài phán là Tòa án thì các bên giao kết hợp đồng mặc dù có quyền tự do lựa chọn, tuy nhiên khi phát sinh tranh chấp Tòa án có thể sẽ không thụ lý giải quyết. Bởi lẽ theo quy định pháp luật của từng quốc gia thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án sẽ được quy định khác nhau. Do đó, khi các bên chủ thể thỏa thuận chọn Tòa án là cơ quan để  giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thì các bên tham gia ký kết cần lưu ý rằng các Tòa án của các quốc gia có thể sẽ không thụ lý giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nếu Pháp luật quốc gia đó quy định Tòa án không đủ thẩm quyền thụ lý. Đồng thời, nếu các Tòa án được lựa chọn là cơ quan để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thì luật áp dụng sẽ là luật của quốc gia nơi Tòa án đó được thành lập. Cơ quan tài phán là Trọng tài thương mại quốc tế là cơ quan giải quyết tranh chấp được đa số các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng tin dùng do đây là cơ quan tài phán mang tính linh động cao, có thể giải quyết được hầu hết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh trong hoạt động thương mại quốc tế. Khi giải quyết bằng phương thức này, các trọng tài không nhất thiết phải tuân theo luật pháp của một quốc gia nào. Điều này là hiển nhiên nếu họ được các bên ủy quyền làm người hòa giải (amiable compositeurs hoặc ex aequo et bono). Nhưng ngay cả khi không có sự ủy quyền này, thì người ta ngày càng có xu hướng cho phép các bên lựa chọn "các điều luật của riêng mình" thay vì áp dụng luật quốc gia để phân xử. Ví dụ cụ thể là Điều 28 (1) UCITRAL 1985 về Trọng tài Thương mại Quốc tế, Điều 42 (1) của Công ước 1965 về Giải quyết Tranh chấp Ðầu tư giữa các Quốc gia và Công dân của các quốc gia khác nhau (Công ước CISID)...

Các giới hạn của tự do hợp đồng.

        Với quyền tự do hợp đồng, các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng hoàn toàn có thể chủ động quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mọi quyền tự do trong xã hội có Nhà nước đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích của bản thân các chủ thể hợp đồng, pháp luật các nước cũng như pháp luật Việt Nam đều có những giới hạn nhất định đối với các chủ thể khi thực hiện quyền tự do hợp đồng.

        Đối với quyền tự do hợp đồng thì theo quy định của các Điều ước quốc tế và pháp luật đa số các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Singapore, Việt Nam… thì các quy định hạn chế đối với quyền tự do hợp đồng thể hiện ở chỗ khi thực hiện quyền này, các chủ thể giao kết hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu như: không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, người giao kết có năng lực giao kết hợp đồng... Trong thực tế thương mại quốc tế, có nhiều trường hợp các bên giao kết hợp đồng không có điều kiện bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội. Bên ở vị thế mạnh hơn thường áp đặt luật chơi có lợi hơn cho mình, điều này đòi hỏi pháp luật phải can thiệp để bảo vệ quyền tự do hợp đồng của bên yếu thế[10].

        Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại quốc tế sẽ bị giới hạn bởi Nhà nước trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Cụ thể, tự do hợp đồng sẽ bị giới hạn khi các quốc gia hành động vì lợi ích chung, kiểm soát hàng hóa và giá cả, hay kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh. Tùy theo pháp luật từng quốc gia, Điều ước quốc tế, hay các tập quán thương mại quốc tế… mà giới hạn của tự do hợp đồng có thể cao hay thấp. Ví dụ, Theo pháp luật Việt Nam Quyền tự do thỏa thuận hợp đồng còn bị giới hạn về hình thức, đối với mua bán hàng hoá quốc tế (khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại 2005), phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.Trong khi đó, Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn có hình thức đa dạng hơn, chỉ cần có người làm chứng thì hợp đồng cũng được công nhận...  

        Thực tế phát triển của hoạt động thương mại quốc tế đã khẳng định cả về mặt lý luận và thực tiễn, không thể có công bằng và công lý trong quan hệ hợp đồng nếu như quyền tự do hợp đồng được thừa nhận tuyệt đối đặt ngoài sự tác động của Pháp luật và Nhà nước. Do đó, quyền tự do hợp đồng cần phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, và chịu sự giới hạn nhất định.

 

Lê Đình Quyết [1]


[1] Thạc sỹ Luật quốc tế - Giảng viên Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường đại học Luật Hà Nội.

[2] Corinne Renault (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, NXB Văn hóa – Thông tin Hà Nội, Tr 6.

[3] Điều 1.1, những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Viện thống nhất tư pháp quốc tế.

[4] Prof. Jan Ramberg, International Commercial Transactions, ICC Product No. 711E, 2011 Edition.

 

[5] TS.Bùi Ngọc Cường, Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành, NXBCTQG, 2004, tr.110

[6] Điều 389 Bộ luật dân sự 2005 về Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự: “Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: 1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; ...”

 

[7] Xem Bộ luật dân sự Nhật Bản 1889.

[8] Unidroit (2005), Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, NXB Tư pháp, Hà Nội.

[9] Sophie Schinller (2002), Les Limites de la liberté contractuelle en droit des sociétés, LGDJ, page 17.

[10] Boiris Starck, Henri Roland (1993), Obligations, (2. Contract), éditon Litec.

Bài viết cùng danh mục

0947202189