TỔNG QUAN VỀ MÃ HS (HS CODE)

Ngày đăng: 27/04/2022

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tính thuế xuất nhập khẩu của hàng hoá, mã HS còn liên quan tới các giấy tờ như: tờ khai hải quan, vận đơn đường biển, chứng nhận xuất xứ, hóa đơn,... Vậy mã HS là gì ? Bài viết dưới đây LVI Law Firm sẽ chia sẻ một cách tổng quan về mã HS để Quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn. 

 

Tổng quan về mã HS code - LVI Law Firm

Tổng quan về mã HS ( HS code )

 

1. Mã HS là gì?

Mã HS (HS Code) là mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới WCO (World Customs Organization) phát hành. Dựa vào mã số này, cơ quan hải quan sẽ áp thuế xuất nhập khẩu tương ứng cho doanh nghiệp, đồng thời có thể thống kê được thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.

Hiện tại hệ thống này đang phân loại trên 98% hàng hóa trong thương mại quốc tế và phiên bản mới nhất có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Trước đó, hệ thống này đã trải qua 6 lần sửa đổi vào các năm: 1992, 1996, 2002, 2006, 2012, 2017. Cho đến nay, có hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như các tổ chức quốc tế như Phòng Thống kê Liên hợp quốc và Tổ chức thương mại thế giới sử dụng Danh mục HS. 

2. Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý của bảng mã này dựa trên Công ước HS hay còn gọi là Công ước quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, được tổ chức hải quan thế giới thông qua tại Brussel (Bỉ) vào năm 1983, có hiệu lực ngày 01/01/1988. Tính đến năm 2012 đã có 148 quốc gia tham gia Công ước này, trong đó có Việt Nam.

3. Cấu trúc của mã HS

  • Phần: Trong bộ mã HS có tổng cộng 21 hoặc 22 Phần, mỗi phần đều có chú giải phần
  • Chương: Gồm có 97 chương. Trong đó chương 98 và 99 dành riêng cho mỗi quốc gia, mỗi chương đều có chú giải chương. 2 ký tự đầu tiên mô tả tổng quát về hàng hóa
  • Nhóm: Bao gồm 2 ký tự, phân chia sản phẩm theo từng nhóm chung
  • Phân nhóm: được chia ra nhóm chung hơn từ nhóm, gồm có 2 ký tự.
  • Phân nhóm phụ: 2 ký tự. Phân nhóm phụ do mỗi quốc gia quy định.

Lưu ý: Trong đó, Phần, Chương, Nhóm, Phân nhóm gồm 6 chữ số đầu tiên mang tính quốc tế, riêng Phân nhóm phụ là tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

4. Ý nghĩa của việc áp mã HS

Vai trò phổ biến nhất của việc phân loại đúng mã HS là xác định đúng các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu, từ đó đưa ra cách áp dụng các loại thuế và số tiền thuế phải thu từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, góp phần thực thi luật pháp trong nước và các hiệp ước quốc tế; hỗ trợ cho việc phân tích các chiến lược vi mô, vĩ mô và đàm phán thương mại quốc tế. 

Đối với góc độ quản lý nhà nước:

  • Tránh thất thu thuế
  • Kiểm soát cửa khẩu, kiểm soát hạn ngạch các hàng nhập khẩu

  • Rút ngắn thời gian thông quan, giảm lượng công việc cho cán bộ hải quan, tiết kiệm chi phí

  • Rút ngắn thời gian giải phóng hàng, tránh hiện tượng ùn ứ hàng tại cảng, tại sân bay... 

Đối với doanh nghiệp, phân loại đúng mã HS giúp doanh nghiệp xác định đúng % thuế suất theo quy định của nhà nước, từ đó nộp đủ các loại thuế cần nộp, tránh trường hợp doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều lần hay phải làm thủ tục hoàn thuế, gây mất nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, với việc xác định mã HS đúng, doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích từ các FTA đúng theo quy định. Nếu xác định mã HS đúng từ trước khi hàng về, doanh nghiệp tìm hiểu được các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho việc nhập khẩu, từ đó có thời gian chuẩn bị kĩ lưỡng, đầy đủ.

Ngược lại, nếu áp mã HS sai, doanh nghiệp không tránh khỏi việc trì trệ trong khâu giao hàng, công tác giám định gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị xử phạt gây tốn kém chi phí, cũng có nhiều trường hợp vì áp sai mã HS mà doanh nghiệp đã nộp số tiền thuế nhiều hơn số tiền lẽ ra phải nộp và kể cả khi đã được thông quan thì việc áp sai mã HS sẽ gây rắc rối cho quá trình kiểm tra sau thông quan của doanh nghiệp.

Ví dụ, khi một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nếu áp sai mã HS code, lúc hàng về đến kho/cảng, mở tờ khai và nộp thuế xong thì hải quan cho biết là bị sai mã HS code, cần áp mã HS khác, cần kiểm tra chất lượng, công bố hợp quy và nộp thêm thuế. Vì không có sự chuẩn bị trước để chuẩn bị giấy tờ nên doanh nghiệp sẽ mất thời gian làm các thủ tục hơn, phải nộp thuế nhiều lần và chờ vào thuế, phát sinh lưu kho bãi và gây chậm tiến độ giao hàng.

Những lợi ích của việc phân loại mã HS đúng đều dẫn tới việc tiết kiệm chi phí, thời gian, tránh phát sinh phí xử lí hải quan, phí lưu kho lưu bãi và đảm bảo lấy hàng nhanh để tránh ảnh hưởng tiến độ giao hàng và các dự án,... 

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp Quý khách hàng hiểu hơn về mã HS. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về các dịch vụ xuất nhập khẩu, hải quan; Logistics, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất. Trân trọng !

Bài viết cùng danh mục

0947202189