PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Ngày đăng: 19/04/2022

         Trong quá trình hội nhập, để hạn chế tối đa các tranh chấp, Việt Nam đang tập trung xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất, vững chắc điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế. Cùng với việc gia nhập và ký kết các điều ước quốc tế, thì một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam cũng đã được ban hành như: Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thương mại Việt Nam, Luật đầu tư, Luật trọng tài thương mại... Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì thực tế cho thấy các quy định pháp luật của Việt Nam vẫn còn bộc lộ những nhược điểm, gây khó khăn nhất định cho các chủ thể khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế còn khá sơ sài. Xuất phát từ những bất cập này, trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đi sâu phân tích và tìm hiểu các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam trong quá trình hội nhập, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

 

Tổng quan về pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam trong quá trình hội nhập

 

1. Tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam trong quá trình hội nhập

       

Toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, đang diễn ra nhanh chóng và tạo ra cơ hội lớn cũng như thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, sau hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới,[1] vì vậy đã thu được những thành quả to lớn. Từ một nền kinh tế yếu kém chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng với việc đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, cũng như thu hút các nguồn vốn ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kéo theo sự phát triển giao lưu buôn bán, hợp tác đầu tư quốc tế. Lĩnh vực thương mại quốc tế đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

        Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, thương mại quốc tế cũng cho thấy những mặt trái của nó. Việc Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế cũng đồng thời với việc các tranh chấp thương mại quốc tế xảy ra nhiều hơn. Các mối quan hệ càng nhiều, càng phức tạp thì khả năng xảy ra tranh chấp càng lớn, bất chấp một khung pháp lý có hoàn chỉnh đến đâu. Đặc biệt trong thương mại quốc tế, lĩnh vực mà các bên tham gia có những đặc điểm về tập quán kinh doanh, ngôn ngữ và cả các đặc điểm văn hóa rất khác nhau, thì nguy cơ tranh chấp lại càng lớn, cả về mặt quy mô và khả năng xảy ra tranh chấp. Chỉ cần một sự sai lệch nhỏ trong cách hiểu, xuất phát từ bất đồng ngôn ngữ là đã có thể dẫn đến tranh chấp. Nếu như trước đây số vụ tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam chỉ được tính trên đầu ngón tay, thì đến nay, kể từ khi gia nhập WTO, các tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam đã tăng vượt bậc. Chỉ tính riêng trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã tham gia 6 vụ tranh chấp, trong đó có 2 vụ là nguyên đơn, và các vụ còn lại tham gia với tư cách bên thứ 3 có lợi ích liên quan,[2] Ngoài ra, có khá nhiều các vụ tranh chấp khác giữa các thương nhân với nhau, cũng như thương nhân nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam. Ví dụ: Vụ Luật sư Liberati (Ý) kiện Việt Nam Airlines, vụ tàu Cần Giờ bị bắt giữ ở Tanzania, ...

        Có thể thấy, thương mại quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập đang phát triển khá nhanh, nhưng cũng kéo theo nhiều tranh chấp. Điều này tạo ra nhu cầu điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế bằng pháp luật một cách linh hoạt trong quá trình hội nhập.

 

2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

 

        Từ khi thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế (năm 1986) đến nay, Việt Nam đã thành lập các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, đồng thời ban hành một loạt văn bản pháp luật quy định về vấn đề này. Tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Hội đồng trọng tài hàng hải và Hội đồng trọng tài ngoại thương trước đây. Tiếp theo, các trung tâm trọng tài kinh tế, được thành lập theo Nghị định số 116/CP ngày 5/9/1994 của Chính phủ, cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Các quy định về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế trong giai đoạn này còn được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật khác, như: Luật hàng không dân dụng 1991, Bộ luật hàng hải 1990, Bộ luật dân sự 1995, trong đó quy định các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là: tranh tụng trước tòa án, trọng tài, thương lượng và hòa giải. Ngoài việc xây dựng các văn bản pháp luật trong nước, Việt Nam còn ký kết hàng loạt các hiệp định tương trợ tư pháp, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước khác (BITs), trong đó cũng có quy định về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Đặc biệt, tháng 7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York). Từ năm 1995 đến nay, với việc Việt Nam tham gia ASEAN (1995), APEC (1998), ký kết BTA Việt Nam-Hoa Kỳ (2000), sau đó là gia nhập WTO (2007), Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới một loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, để phù hợp với các cam kết quốc tế, như: Bộ luật tố tụng dân sự 2004, Bộ luật dân sự 2005, Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 và đã được thay thế bằng Luật trọng tài thương mại 2010, Luật thương mại 2005, Luật đầu tư 2005 và các văn bản dưới luật có liên quan. Đồng thời, Việt Nam cũng ký kết một loạt các BTAs, BITs với các nước trên thế giới.

        Nếu dựa theo tiêu chí chủ thể tham gia tranh chấp thương mại quốc tế, thì tranh chấp thương mại quốc tế được chia làm ba loại: thứ nhất, tranh chấp giữa chính phủ (Nhà nước) với chính phủ, như tranh chấp giữa các thành viên của WTO;[3] thứ hai, tranh chấp giữa chính phủ với doanh nghiệp, chủ yếu xảy ra giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư;[4] thứ ba, tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là tranh chấp xảy ra phổ biến và chiếm đa số trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế trên thế giới và cũng như ở Việt Nam. Với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tham gia các điều ước quốc tế như đã trình bày ở trên, pháp luật Việt Nam đã bao gồm hầu hết các quy định về nội dung và hình thức để giải quyết từng loại tranh chấp thương mại quốc tế kể trên.

 

3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

 

        Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc mở rộng quan hệ đối ngoại, nhằm đưa sự nghiệp phát triển đất nước hoà vào trào lưu phát triển chung của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (12/1946), đã long trọng tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Đồng thời, Người khẳng định: “Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.[5] Tiếp nối tư tưởng đó, Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.[6] Trong quá trình hội nhập, tranh chấp thương mại quốc tế xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Chính vì lý do đó, Đảng cũng đã vạch ra tư tưởng chỉ đạo về vấn đề này như sau: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.[7] Đây là một chủ trương rất quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài. Triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước ta đang không ngừng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

 

Nội dung của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

 

1. Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa thương nhân với thương nhân

       

Tranh chấp thương mại quốc tế giữa thương nhân với thương nhân là tranh chấp xảy ra phổ biến và chiếm đa số trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân là một vấn đề thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới. Khi các thương nhân tham gia vào thương mại quốc tế thì khả năng xảy ra tranh chấp là rất cao, do đó, khi phải đối mặt với các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động thương mại quốc tế, các thương nhân luôn mong muốn làm thế nào để giải quyết các tranh chấp đó một cách nhanh chóng, suôn sẻ, đạt được hiệu quả cao, và giải quyết một cách thỏa đáng bằng các phương thức nhất định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Ở Việt Nam, ngay từ khi mở cửa và thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, đồng thời tham gia giao thương với các nước trên thế giới, thì các tranh chấp thương mại giữa các thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài đã xuất hiện. Chính vì lý do đó, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định về cơ chế và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế từ khá sớm, như: Pháp lệnh về giải quyết các vụ án kinh tế ban hành ngày 16/3/1994, Bộ luật dân sự 1995, gia nhập Công ước New York, ... Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật và tham gia các điều ước quốc tế quy định về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân tập trung vào 4 phương thức giải quyết tranh chấp, đó là: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tranh tụng trước tòa án...

        Theo quy định của Luật thương mại Việt Nam 2005 (Điều 317), thì tranh chấp thương mại trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Các bên tranh chấp có thể thỏa thuận chọn một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân làm trung gian hòa giải. Trong trường hợp thương lượng hoặc hòa giải không đạt kết quả thì tranh chấp thương mại được giải quyết tại tổ chức trọng tài hoặc tranh tụng trước tòa án, theo các thủ tục tố tụng của trọng tài hay tòa án mà các bên lựa chọn. Theo Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005, đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, nếu các bên không thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia không có quy định, thì tranh chấp được giải quyết tại tòa án Việt Nam.

        Thứ nhất, pháp luật Việt Nam khuyến khích các bên tham gia tranh chấp lựa chọn phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp. Trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như các BITs, các BTAs,... cũng có những quy định về áp dụng phương thức thương lượng, hòa giải như là các biện pháp ưu tiên trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các thương nhân.

        Biện pháp thương lượng là biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí đối với mỗi bên. Việc thương lượng còn thể hiện sự thiện chí của các bên trong việc giải quyết tranh chấp, các bên vẫn giữ được mối quan hệ tốt với nhau trong các thương vụ sau này, cũng như giữ được uy tín và bảo vệ được bí mật kinh doanh.

        Thứ hai, các bên tranh chấp có thể áp dụng phương thức hòa giải. Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập. Đây là một phương thức giải quyết quan trọng, do đó, cũng giống như thương lượng, hòa giải là một phương thức được khuyến khích sử dụng để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù phương thức hòa giải đã được sử dụng, nhưng chưa thực sự trở thành phương thức giải quyết tranh chấp độc lập và đang được thực hiện một cách mò mẫm. Pháp luật cũng chưa quy định rõ, chưa có cơ chế pháp lý cho hoạt động hòa giải thương mại quốc tế. Đồng thời, ở Việt Nam cũng chưa có các tổ chức hòa giải thương mại đúng nghĩa theo thực tiễn thương mại quốc tế. Pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng đã có một số quy định liên quan đến hòa giải tranh chấp kinh doanh-thương mại, tuy nhiên mới chỉ được ghi nhận trong pháp luật thực định ở những nguyên tắc cơ bản, và chưa có một văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt quy định cụ thể phương thức này. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự”. Điều 11 Luật thương mại 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại. Điều 12 Luật đầu tư 2005 quy định: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc tòa án theo quy định của pháp luật”. Tại Điều 9 Luật trọng tài thương mại 2010 cũng quy định về thương lượng, hoà giải trong tố tụng trọng tài: “Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”. Việc quy định thương lượng, hòa giải trong tố tụng trọng tài nhằm tăng cường vai trò của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR), khuyến khích các thương nhân sử dụng chúng; tăng cường vai trò hỗ trợ của Nhà nước (Tòa án). Điều này cho thấy chủ trương của Nhà nước ta là khuyến khích các bên thương nhân giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bằng các biện pháp thương lượng, hòa giải trước khi đưa vụ tranh chấp ra trọng tài, tòa án.

        Thứ ba, khác với hòa giải và trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp mang tính thỏa thuận tự nguyện hoặc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dựa trên cơ sở quyền lực do các bên tranh chấp giao cho trọng tài, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tại tòa án gắn liền với quyền lực Nhà nước.

        Theo quy định pháp luật hiện hành, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài của tòa án được quy định tại các Điều 29, 30, 33, 34, 35, 36 và 37 (Chương III) và các Điều 410, 411 và 413 (Chương XXXV)  của Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Theo đó, không phải tất cả các tòa án đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, mà thẩm quyền này được phân cấp chủ yếu cho tòa kinh tế thuộc tòa án cấp tỉnh trở lên. Các nguyên tắc, thủ tục tố tụng khi giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam thì tuân theo pháp luật Việt Nam. Bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể khởi kiện tại tòa án nước mình, tòa án của bên vi phạm hoặc thậm chí tại tòa án của một nước thứ ba, tùy thuộc vào việc tòa án của các nước này có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp cụ thể đó hay không. Tuy nhiên, quyết định của tòa án nước khác muốn được thi hành tại Việt Nam thì phải được Việt Nam công nhận. Bởi vậy, để thuận tiện, cần lựa chọn khởi kiện ở nơi mà bản án cần được thi hành. Tòa án sẽ xem xét việc đáp ứng các điều kiện công nhận bản án/quyết định của tòa án nước ngoài, nhưng không xem xét lại sự kiện.

        Thứ tư, theo quy định của pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010). Bên cạnh phương thức tranh tụng trước Tòa án, phương thức trọng tài đặc biệt được ưa chuộng. Tuy nhiên, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nếu được các bên thỏa thuận. Thỏa thuận trọng tài có thể được ghi nhận trong hợp đồng, hoặc trong một văn bản riêng biệt - ký kết trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Trong thỏa thuận phải chỉ định một trung tâm trọng tài cụ thể hoặc một hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài có nhiều ưu điểm, như được các bên tín nhiệm, thủ tục đơn giản, có thể thỏa thuận nơi tiến hành xét xử, nhất là giữ được bí mật và uy tín của các bên do phiên xét xử không công khai. Thủ tục tố tụng trọng tài tuân theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của từng trung tâm trọng tài.  Phán quyết trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành, trừ trường hợp bị tòa án hủy theo thủ tục hủy phán quyết trọng tài, trong đó tòa án không xem xét lại sự kiện, mà chỉ xem xét việc tuân thủ các điều kiện và thủ tục tố tụng. Phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc nước ngoài, nếu muốn được thi hành tại Việt Nam, thì phải được Việt Nam công nhận. Trong thủ tục công nhận này, tòa án cũng không xem xét lại sự kiện.

 

2. Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với thương nhân

 

        Tranh chấp thương mại quốc tế giữa quốc gia với thương nhân có thể là tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, hoặc tranh chấp giữa nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa nước ngoài với Chính phủ trong hoạt động mua sắm công, … Nhìn chung, các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư diễn ra phổ biến nhất. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia một loạt các FTAs, thì tranh chấp thương mại quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với thương nhân có xu hướng mở rộng cả về quy mô và số lượng.

        Hiện nay, các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam được giải quyết theo nhiều phương thức, cơ chế khác nhau, được quy định cụ thể trong Luật đầu tư 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các hiệp định đầu tư đa phương và BITs mà Việt Nam đã ký kết. Thậm chí, các phương thức và cơ chế giải quyết tranh chấp còn được quy định trong các hợp đồng được ký kết giữa nhà đầu tư với các cơ quan nhà nước Việt Nam. Nhìn chung, cũng giống như việc giải quyết tranh chấp giữa thương nhân với thương nhân, tranh chấp thương mại quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam cũng có thể được giải quyết thông qua 4 phương thức: thương lượng, hòa giải, tranh tụng trước tòa án và trọng tài.

        Khoản 4 Điều 12 Luật đầu tư 2005 quy định: “Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua trọng tài hoặc toà án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng được ký giữa đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Như vậy, theo quy định này, tranh chấp thương mại quốc tế giữa nhà đầu tư với Chính phủ Việt Nam sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc tòa án Việt Nam, nếu không có thỏa thuận khác, và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết điều chỉnh. Tuy nhiên, trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương có liên quan đến đầu tư (BITs, BTAs) mà Việt Nam tham gia,[8] đặc biệt là các BITs, phương thức hòa giải, thương lượng luôn được ưu tiên, hoặc được coi là bắt buộc. Điều 8 BIT Việt Nam-Trung Quốc, Điều 8 BIT Việt Nam-Cộng hòa Pháp, Điều 11 BIT Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức, ... đều quy định các bên phải nỗ lực hết sức để tiến hành hòa giải, thương lượng trong một khoảng thời gian nhất định, trước khi sử dụng các phương thức trọng tài hoặc tranh tụng trước tòa án.

        Nhiều BITs của Việt Nam có điều khoản cho phép giải quyết tranh chấp đầu tư bằng trọng tài theo cơ chế phụ trợ của ICSID.[9] Đến thời điểm tháng 1/2013, Việt Nam chưa phải là thành viên Công ước ICSID. Nếu tham gia Công ước ICSID, Chính phủ Việt Nam có thể bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng có thể khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư.

 

3. Pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các quốc gia khác

 

        Tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng tranh chấp về thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng chỉ mới phát triển trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Loại tranh chấp này được giải quyết theo một cơ chế đặc thù, bởi lẽ, khi xảy ra tranh chấp, các quốc gia sẽ giải quyết theo cơ chế thỏa thuận chứ không đưa ra giải quyết trước một cơ quan tài phán thuộc quốc gia nào. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO, ASEAN, APEC. ... đồng thời ký kết các hiệp định song phương và đa phương, trong đó có các quy định thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia với nhau. Việc gia nhập WTO đã tạo ra một cơ hội pháp lý để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Trong khuôn khổ WTO, tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thành viên với nhau có thể phát sinh do chính sách thương mại của một thành viên WTO vi phạm luật của tổ chức này và làm tổn hại đến lợi ích thương mại của thành viên khác. Tranh chấp giữa các thành viên cũng có thể phát sinh do việc một thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu trái với các quy định của Hiệp định tự vệ (ASG), hoặc từ việc giải quyết vụ kiện chống bán phá giá trái với quy định của WTO, ... Để giải quyết các tranh chấp trên, WTO cũng đã hình thành Hiệp định về giải quyết tranh chấp (DSU), theo đó, khi xảy ra tranh chấp, các quốc gia sẽ tuân thủ quy định của DSU. Hậu quả tồi tệ nhất là bị bên khiếu nại áp dụng quyền trả đũa bằng cách rút lại nhượng bộ thương mại tương đương. Như vậy, các thành viên WTO, trong đó có Việt Nam, bị ràng buộc bởi các luật lệ của tổ chức này trong hoạch định chính sách thương mại cũng như trong giải quyết các vụ kiện thương mại quốc tế. Trên thực tế, theo thống kê của WTO, Việt Nam đã 6 lần tham gia giải quyết tranh chấp thương mại với các thành viên khác. Trong đó có 2 vụ Việt Nam là nguyên đơn, và các vụ còn lại Việt Nam tham gia với vai trò là bên thứ ba có lợi ích liên quan. Thực tế cho thấy DSU đã tạo một khung pháp lý vững chắc cho Việt Nam và các thành viên khác của WTO để giải quyết tranh chấp phát sinh.

 

Một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

 

1. Hạn chế của pháp luật Việt Nam trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

 

        Với việc tham gia các điều ước quốc tế cùng với những quy định của pháp luật hiện hành, về cơ bản, Việt Nam đã xây dựng được một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Tuy nhiên, pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể:

  • Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế theo pháp luật trong nước chưa linh hoạt, thiếu tính chủ động, thể hiện ở sự phối hợp chậm trễ giữa các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, khiến cho việc giải quyết tranh chấp bị kéo dài.
  • Các cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức. Pháp luật thiếu những quy định cụ thể về việc: kinh phí sẽ do bộ, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc ủy thác tư pháp. Đây là một hạn chế lớn đối với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam, nhất là đối với các vụ việc đòi hỏi việc giải quyết phải nhanh chóng, để tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Một số quy định chưa hợp lý, mâu thuẫn với pháp luật và thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia tố tụng. Ví dụ: Công ty A - Việt Nam tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với Chi nhánh của Công ty B - Công ty xuyên quốc gia của Hàn Quốc. Vụ việc được đưa ra giải quyết tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo quy định của pháp luật Việt Nam. chỉ người đứng đầu pháp nhân hoặc người được ủy quyền mới là chủ thể tham gia tố tụng tại Tòa án, vì vậy Tòa án triệu tập Tổng Giám đốc công ty B tham gia tố tụng. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan mà vị Tổng Giám đốc này chưa bố trí được thời gian tham dự. Điều này gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ việc, vì thực tế, theo pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới, thì Giám đốc Chi nhánh được quyền thay mặt pháp nhân hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, không nhất thiết phải là Tổng Giám đốc. Điều này gây trở ngại trong thủ tục tố tụng. Tới nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
  • Các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng và hòa giải vẫn chưa được xây dựng một cách đầy đủ.
  • Quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với thương nhân nước ngoài vẫn còn thiếu đồng bộ.

 

2. Kiến nghị, giải pháp

 

        Để pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam được hoàn thiện hơn, khắc phục tối đa được các hạn chế, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị và giải pháp sau đây:

        Thứ nhất, đối với hòa giải, để các quy định pháp luật về hòa giải có thể đi vào cuộc sống, cần phải tăng cường nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của hòa giải, với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR).[10] Để làm được việc này, thì Nhà nước cần có một chính sách pháp luật cụ thể và nhất quán về chính sách khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp của họ bằng con đường hòa giải. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Anh, Hồng Kông, Canada, Ấn Độ.

        Luật trọng tài thương mại 2010 của Việt Nam cũng đã phản ánh khá rõ xu hướng khuyến khích sử dụng phương thức hòa giải, theo đó: “Trong quá trình sử dụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”.[11] Tuy nhiên, ngoài quy định này, chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra chủ trương mang tính khuyến khích hoặc định hướng sử dụng các ADRs nói chung, hòa giải nói riêng, thay vì đưa vụ kiện ra tòa án. Chính vì lý do đó, Việt Nam cần phải ban hành Luật trung gian và hòa giải thương mại. Đây sẽ là một bước đi tiếp theo mang tính logic và tính hệ thống của hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta.

        Thứ hai, cần nghiên cứu, xây dựng, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các cán bộ, chuyên gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ của các trọng tài viên thương mại và các thẩm phán của tòa án Việt Nam.

        Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam, quy định cụ thể trách nhiệm chịu chi phí trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đối với từng cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, ban hành mới và sửa đổi các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với các thông lệ và điều ước quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Việt Nam.

        Thứ tư, cần xem xét kỹ lưỡng và chuẩn bị một cách tốt nhất để có thể tham gia vào Công ước ICSID trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài. Với việc hội nhập ngày càng sâu, rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, các tranh chấp này phát sinh càng nhiều. Chính vì lẽ đó, việc Việt Nam gia nhập Công ước ICSID là cần thiết.

        Tóm lại, ở Việt Nam, một khuôn khổ pháp luật đã được xây dựng nhằm điều chỉnh các tranh chấp thương mại quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam, cùng với các doanh nghiệp và cá nhân, khó có thể tránh khỏi những tranh chấp trong việc giao lưu thương mại quốc tế. Với các quy định cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng phương thức trọng tài, tranh tụng trước tòa án, thương lượng và hòa giải, Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định khi tham gia vào thương mại quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bài viết đã phân tích các phương thức giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và đưa ra một số giải pháp và kiến nghị, hy vọng có thể góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế./.

 

      Lê Đình Quyết

                                                                          Trường Đại học Luật Hà Nội


[1] Vào giữa những năm 90, Việt Nam bắt đầu quá trình gia nhập WTO, đàm phán hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), gia nhập ASEAN và APEC. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với Hoa Kỳ năm 2001 (BTA), chính thức gia nhập WTO vào tháng 1/2007. Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam cũng tham gia các FTAs “ASEAN cộng 1” với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

[3] Ví dụ: Tranh chấp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ WTO - Vụ United States - Anti-dumping Measures on Certain Shrimp from Vietnam, WT/DS404/R, ngày 11/7/2011.

[4] Ví dụ: Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài (nguyên đơn) và Chính phủ Việt Nam (bị đơn) trong các vụ Trịnh Vĩnh Bình (Hà Lan), McKenzie/South Folk (Hoa Kỳ) và DialAsie (Pháp).

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 470.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết của Bộ chính trị số 07/NQ-TƯ về hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 2-4.

[7] Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

[8] Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 50 BITs với các quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cũng ký kết nhiều BTAs, trong đó có những cam kết liên quan đến đầu tư. Ở cấp độ đa phương, là thành viên của ASEAN, Việt Nam cam kết và tuân theo Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư ASEAN 1978, Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN 1988, Thỏa thuận đầu tư toàn diện ASEAN 2009. Là thành viên của WTO, Việt Nam cũng chịu sự ràng buộc của Hiệp định TRIMs.

[9] Xem BIT Việt Nam-Trung Quốc, BIT Việt Nam-CHLB Đức.

[10] Xem Quy tắc ADR của Phòng thương mại quốc tế (ICC).

[11] Điều 9 Luật trọng tài thương mại 2010. 

Bài viết cùng danh mục

0947202189