Ngày đăng: 19/04/2022
Không khó để nhận ra ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang kéo theo sự phát triển của một loạt các lĩnh vực, ngành nghề khác. Và thương mại điện tử là một trong số đó, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh covid-19 hoành hành vừa qua. Vậy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là gì? Làm sao để các cá nhân, tổ chức có thể cùng bước vào lĩnh vực này?
Điều kiện kinh doanh thương mại điện tử
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 14/VBHN-BCT Về thương mại điện tử thì hoạt động thương mại điện tử được định nghĩa là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP Về thương mại điện tử và Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thì chủ thể cần đáp ứng các điều kiện gồm:
Thứ nhất, chủ thể kinh doanh thương mại điện tử phải là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật;
Thứ hai, đã thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định pháp luật. Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử trước khi chính thức bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến người dùng. Các thông tin thông báo bao gồm:
Tên miền của website thương mại điện tử;
Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;
Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;
Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;
Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.
Theo Khoản 16 Điều 3 Nghị định số 14/VBHN-BCT Về thương mại điện tử, dịch vụ thương mại điện tử được định nghĩa là hoạt động thương mại điện tử mà theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phổ biến hiện nay có thể kể đến như shopee, tiki, lazada,…
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và khoản 19 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP để thiết lập website thương mại điện tử thì chủ thể cần đáp ứng các điều kiện gồm:
► Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;
► Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
Ngoài các điều kiện riêng cho từng hoạt động thì pháp luật còn có điều kiện chung về thương mại điện tử. Theo đó, các chủ thể muốn kinh doanh trên website thương mại điện tử không được buôn bán các loại hàng hóa bị hạn chế sau:
Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ;
Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác;
Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến;
Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
---------------------------------
Bài viết trên là những thông tin về điều kiện kinh doanh thương mại điện tử. Mọi thắc mắc liên quan đến thủ tục này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với LVI Law Firm để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất. Trân trọng !