CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG PHÁP LUẬT VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI CỦA HOA KỲ

Ngày đăng: 19/04/2022

        Tóm tắt: Bài viết phân tích khung pháp luật Hoa Kỳ về hoạt động nhượng quyền thương mại dưới góc độ quy định của cả pháp luật Liên bang và tiểu bang. Theo đó, bài viết đi sâu phân tích pháp luật riêng về nhượng quyền và pháp luật chung điều chỉnh hoạt động nhượng quyền, bao gồm pháp luật sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, bản quyền), pháp luật về cạnh tranh (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát giá bán, thỏa thuận độc quyền). Trên cơ sở những kinh nghiệm tiếp thu được từ pháp luật của Hoa Kỳ về nhượng quyền thương mại, bài viết đề xuất một số khuyến nghị giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Khái niệm nhượng quyền thương mại

        Nhượng quyền thương mại (Franchise) có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ là “Franc” nghĩa là “free” tự do. Theo từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary, từ “franchise” là “một sự cấp phép chính thức để bán hàng hoá hay dịch vụ của một công ty tại một khu vực nhất định, đổi lại một khoản tiền hoặc chia sẻ lợi nhuận[1].

        Ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhượng quyền thương mại, khái niệm này cũng đã được giải thích trong pháp luật các quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương mại có phát triển như thế nào thì về bản chất, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận nhượng quyền thương mại không phải là việc kinh doanh” cụ thể nào đó mà là một phương thức kinh doanh.

        Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Comission – FTC)  ban hành Quy tắc nhượng quyền FTC để điều chỉnh việc chào hàng và bán quyền thương mại tại Hoa Kỳ. Theo quy định của Quy tắc nhượng quyền, Nhượng quyền thương mại có nghĩa là bất kỳ mối quan hệ hoặc thỏa thuận thương mại tiếp diễn, dù nó có thể được gọi là gì, trong đó các điều khoản trong chào hàng hoặc hợp đồng nêu rõ, hoặc người nhượng quyền hứa hẹn hoặc đại diện, bằng miệng hoặc bằng văn bản, rằng:

(1) Bên nhận quyền sẽ có quyền điều hành một công việc kinh doanh được xác định hoặc liên kết với nhãn hiệu của bên nhượng quyền, hoặc cung cấp, bán hoặc phân phối hàng hóa, dịch vụ hoặc hàng hóa được xác định hoặc liên kết với nhãn hiệu của bên nhượng quyền;

(2) Bên nhượng quyền sẽ kiểm soát hoặc có thẩm quyền kiểm soát mức độ đáng kể đối với phương thức hoạt động của bên nhận quyền, hoặc hỗ trợ đáng kể trong phương thức hoạt động của bên nhận quyền; và

(3) Như một điều kiện để có được hoặc bắt đầu hoạt động của nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền thực hiện một khoản thanh toán bắt buộc hoặc cam kết thực hiện một khoản thanh toán bắt buộc cho bên nhượng quyền hoặc chi nhánh của nó.

        Việt Nam là một nước tiếp cận với hoạt động nhượng quyền thương mại muộn, do đó, trên cơ sở thực tế của hoạt động này ở Việt Nam, Luật thương mại 2005 đã định nghĩa về nhượng quyền: “nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ...[2] theo cách thức và phương pháp kinh doanh mà Bên nhượng quyền quy định.

        Về bản chất, hoạt động nhượng quyền thương mại có một số đặc điểm[3]

       Về mặt chủ thể, hoạt động này bao gồm Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền. Trong đó Bên nhượng quyền là bên đang sở hữu hoặc đang kiểm soát một hệ thống và phương thức kinh doanh gắn liền với các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động kinh doanh. Phương thức kinh doanh ở đây được hiểu bao gồm tất cả các yếu tố giúp cho việc kinh doanh như quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh, chính sách quảng cáo, chính sách khách hàng, đào tạo, chế độ kế toán, kiểm toán. Các đối tượng sở hữu trí tuệ gắn với hoạt động kinh doanh bao gồm các yếu tố tạo nên thương hiệu riêng của bên nhượng quyền, gồm nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh. Bên nhận quyền là một doanh nghiệp độc lập về mặt tài chính, pháp lý và đầu tư, đồng thời chấp nhận rủi ro đối với nguồn vốn bỏ ra khi thực hiện việc tham gia vào hệ thống nhượng quyền của Bên nhượng quyền. Điều này nghĩa là các bên của hợp đồng nhượng quyền thương mại là các thương nhân có quyền kinh doanh độc lập. Sự độc lập này th hiện ở chỗ: Bên nhận quyền khai thác hệ thống nhượng quyền thương mại vì lợi ích của chính mình, và Bên nhận quyền được tự do thực hiện các hoạt động khác, ngoài hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đặc điểm độc lập này là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt giữa quan hệ nhượng quyền thương mại với quan hệ chi nhánh, đại lý.

        Về tính đồng bộ, nhượng quyền thương mại là sự phát triển đồng bộ một thương hiệu tạo ra sự thống nhất hình ảnh các cửa hàng. Hệ thống nhượng quyền như một chuỗi mà mỗi cửa hàng, cơ sở là một mắt xích. Sự thay đổi của một mắt xích tất yếu làm ảnh hưởng tới cả hệ thống.

        Về mặt nội dung, nội dung của thoả thuận nhượng quyền thương mại có thể “rộng hoặc hẹp” khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại hình nhượng quyền và sự thoả thuận của các bên. Theo cách hiểu nhượng quyền thương mại là nhượng quyền phương thức kinh doanh thì quyền thương mại không chỉ dừng ở việc sử dụng tên thương mại, kiểu dáng thiết kế của hàng hoá mà còn mở rộng không ngừng bao gồm nhiều quyền năng khác trong hoạt động kinh doanh.

        Về tính gắn kết của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhượng quyền thương mại luôn tồn tại mối quan hệ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền. Bởi nhượng quyền thương mại về bản chất là sự nhân rộng một mô hình kinh doanh đã thành công, Bên nhận quyền được Bên nhượng quyền chia sẻ các công thức kinh doanh, các bí quyết kinh doanh, phương thức kinh doanh của Bên nhượng quyền nhằm tạo ra sự đồng bộ ở tất cả các cửa hàng nhượng quyền so với cửa hàng chính của Bên nhượng quyền. Vì thế Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền phải tạo ra một mối quan hệ liên tục, thông suốt trong toàn bộ thời gian của hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Lịch sử hình thành pháp luật nhượng quyền Thương mại Hoa Kỳ

        Nhượng quyền thương mại tại Hoa Kỳ khởi nguồn vào giữa những năm 1800 với các kỹ thuật phân phối sản phẩm được áp dụng bởi Isaac Singer[4], người sáng lập Công ty Singer Sewing. Singer, được nhiều người coi là cha đẻ của nhượng quyền thương mại thời hiện đại, là một trong những người đầu tiên phát triển các hợp đồng nhượng quyền thương mại với mục đích phân phối máy may của mình trên một khu vực địa lý rộng rãi. Singer ký hợp đồng với những người bán hàng địa phương, cấp cho họ quyền bán máy của mình trong một khu vực xác định để đổi lấy phí cấp phép.[5]

        Với sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng cũng như sự gia tăng di chuyển của người dân vào đầu những năm 1900, nhiều cơ sở bán lẻ và nhà hàng ở Hoa Kỳ đã áp dụng khái niệm cấp phép của Singer và bắt đầu chính thức phát triển nhượng quyền thương mại, điển hình như: Kentucky Fried Chicken năm 1952, Burger King năm 1954, McDonald's năm 1955, và Pizza Hut vào năm 1958[6]. Kể từ đó, mô hình nhượng quyền thương mại ở Hoa Kỳ không chỉ trở nên phổ biến hơn mà còn đặt ra những vấn đề mới trong mối quan hệ giữa các bên tham gia vào hoạt động này như vấn đề chống độc quyền, cạnh tranh, hợp đồng, và ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.

        Sự phát triển bùng nổ của nhượng quyền thương mại tại Hoa Kỳ, thực sự bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950 và 1960. Trải qua một số biến động do phát sinh các tranh chấp trong quá trình nhượng quyền nên ở Hoa Kỳ đã đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng một hệ thống các quy định về nhượng quyền, từ đó dẫn đến những phát triển quan trọng về luật pháp và quy định trong ngành nhượng quyền thương mại tại nước này. Hoạt động nhượng quyền thương mại đã có sự tăng trưởng rất ấn tượng và ổn định trong suốt những năm 1950 đến năm 1970. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, hệ thống nhượng quyền và các phương thức được các bên áp dụng bắt đầu bộc lộ một số điểm yếu và sai sót. Một số vụ kiện lớn nhỏ, bao gồm cả các vụ kiện tập thể, đã diễn ra nhằm chống lại bên nhượng quyền và hầu hết các vụ tranh chấp này phát sinh dựa trên các lý do cụ thể như: quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc tiết lộ thông tin; vấn đề dễ dàng tham gia vào hoạt động nhượng quyền; các điều khoản quan hệ nhượng quyền không xác định liên quan đến việc chấm dứt, hủy bỏ và gia hạn hợp đồng; hoặc đơn giản là các thông lệ định tính phổ biến được bên nhượng quyền áp dụng… Đứng trước thực trạng này, các nhà lập pháp liên bang tỏ ra lưỡng lự trong việc xây dựng các quy định về nhượng quyền, thì một số nhà lập pháp tiểu bang đã hành động tích cực trước nhu cầu cấp thiết về quy định nhượng quyền. Năm 1971, California trở thành một trong những tiểu bang đầu tiên ban hành Luật tiết lộ nhượng quyền thương mại và một số tiểu bang khác cũng tuân theo luật này[7]. Cuối cùng, vào năm 1979, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã ban hành quy định nhượng quyền liên bang có tiêu đề Yêu cầu tiết lộ và Các điều cấm liên quan đến nhượng quyền thương mại” thường được gọi là “Quy tắc nhượng quyền FTC” để điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại và bảo vệ lợi ích của các bên trong hoạt động nhượng quyền ở Hoa Kỳ.

Pháp luật về nhượng quyền thương mại Hoa Kỳ

1. Pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại của Hoa Kỳ

1.1. Pháp luật Liên bang về nhượng quyền thương mại

        Hiện nay, pháp luật về nhượng quyền thương mại Hoa Kỳ điều chỉnh hai lĩnh vực trong hoạt động nhượng quyền thương mại: Một là, các quy định yêu cầu công khai thông tin ở cấp Liên bang, các quy định về đăng ký, thông báo và yêu cầu công khai thông tin bổ sung ở cấp tiểu bang đối với bên nhượng quyền và bên nhận quyền; hai là, các luật liên quan được một số tiểu bang thông qua nhằm điều chỉnh mối quan hệ đang diễn ra giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Để có thể đưa ra lời mời nhượng quyền tới bên nhận quyền tiềm năng, bên nhượng quyền thường phải tuân thủ pháp luật của cả Liên bang và tiểu bang, cũng như các quy định khác của pháp luật chuyên ngành.[8]

        Uỷ ban Thương mại Liên bang quy định việc nhượng quyền ở cấp liên bang theo Quy tắc nhượng quyền FTC được ban hành vào năm 1979. Quy tắc nhượng quyền FTC điều chỉnh các dịch vụ nhượng quyền thương mại ở mỗi tiểu bang, Đặc khu Columbia và tất cả các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ. Theo Quy tắc nhượng quyền FTC, một thỏa thuận kinh doanh hoặc cấp phép sẽ được quy định là nhượng quyền thương mại nếu đáp ứng đủ ba yếu tố: (1) Nhãn hiệu: bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền sử dụng nhãn hiệu của bên nhượng quyền; (2) Quyền kiểm soát: bên nhượng quyền sử dụng hoặc có thẩm quyền kiểm soát hoặc hỗ trợ ở mức độ đáng kể đối với phương thức hoạt động của bên nhận quyền; và (3) Lợi ích vật chất: bên nhận quyền trả cho bên nhượng quyền một khoản phí ít nhất là 615 USD hoặc hơn. Ngay cả khi các bên trong hợp đồng gọi đó là thỏa thuận cấp phép, thỏa thuận phân phối hoặc tuyên bố rõ ràng rằng đó không phải là thỏa thuận nhượng quyền thương mại, nếu ba yếu tố này tồn tại thì pháp luật nhượng quyền của Hoa Kỳ vẫn sẽ được áp dụng.

(a) Đăng ký nhượng quyền

        Quy tắc nhượng quyền FTC không yêu cầu các bên nhượng quyền phải đăng ký FDD với cơ quan hành chính liên bang hoặc cơ quan chính phủ. Quy tắc chỉ áp dụng yêu cầu bên nhượng quyền giới thiệu trước khi nhượng quyền. Tuy cơ chế đăng ký nhượng quyền ở Hoa Kỳ áp dụng tương đối sớm theo quy định của pháp luật bang California, nhưng không nhiều bang ủng hộ cơ chế này. Hiện tại ở Hoa Kỳ có 14 bang đưa ra quy định: (i) đăng ký bảng giới thiệu nhượng quyền; hoặc đệ trình một thông báo về ý định với cơ quan có thẩm quyền thích hợp trước khi nhượng quyền.[9] Quy tắc nhượng quyền FTC tương đồng với pháp luật về nhượng quyền hiện nay tại Việt Nam, thủ tục đăng ký không được coi là nghĩa vụ bắt buộc của các nhà nhượng quyền. Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương lần lượt xóa bỏ nghĩa vụ đăng ký nhượng quyền thương mại đối với các nhà nhượng quyền trong nước và nước ngoài.[10]

(b) Bản giới thiệu nhượng quyền

        Quy tắc nhượng quyền FTC yêu cầu bên nhượng quyền phải công khai hai mươi ba đầu mục thông tin cho bên nhận quyền theo Quyết định cung cấp nhượng quyền đồng bộ (UFOC) tại buổi gặp mặt trực tiếp đầu tiên hoặc ít nhất mười ngày trước khi hai bên ký kết hợp đồng nhượng quyền.[11] Trong đó, các mục thông tin bắt buộc bao gồm thông tin và quy trình của hoạt động nhượng quyền, lịch sử kiện tụng của bên nhượng quyền, tình hình tài chính của bên nhượng quyền, và thông tin các bên đã và đang nhận quyền. Ngoài ra, Quy tắc nhượng quyền FTC nghiêm cấm một số hành vi thương mại không công bằng và lừa đảo. 

        Quy tắc nhượng quyền FTC quy định bên nhượng quyền công khai thông tin của hai mươi ba đầu mục cụ thể, dưới hình thức một tài liệu có tên “Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại” (FDD). Tài liệu này được Hội đồng thương mại Mỹ yêu cầu phải đệ trình trong vòng mười bốn ngày trước khi ký kết hợp đồng hay thanh toán bất cứ khoản tiền nào. Ngoài ra, bên nhượng quyền phải cung cấp bản sao của hợp đồng ít nhất bảy ngày trước khi ký kết. Hơn nữa, bên nhượng quyền cũng được quy định phải đưa ra các công bố bổ sung để cập nhật thông tin công bố trong vòng 120 ngày sau khi kết thúc năm tài chính của mình và phải cập nhật hàng quý bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong bản giới thiệu nhượng quyền.

  Bản giới thiệu nhượng quyền phải bao gồm những thông tin sau[12]:

  • Bối cảnh người tiền nhiệm, các chi nhánh của bên nhượng quyền; kinh nghiệm kinh doanh; lịch sử kiện tụng và phá sản (Mục 1 – 4)
  • Phí phải trả cho bên nhượng quyền và ước tính đầu tư ban đầu (Mục 5 - 7)
  • Hạn chế về nguồn sản phẩm, dịch vụ và lãnh thổ; nghĩa vụ của bên nhượng quyền; sự hỗ trợ đào tạo, quảng cáo của bên nhượng quyền; tình hình tài chính (Mục 9 – 12)
  • Sở hữu trí tuệ: nhãn hiệu, bản quyền và bằng sáng chế (Mục 13 – 14)
  • Nghĩa vụ của bên nhận quyền, hạn chế quyền trong buôn bán; điều khoản liên quan đến gia hạn, chấm dứt, chuyển giao và giải quyết tranh chấp; công khai số liệu (Mục 15 – 18)
  • Báo cáo hiệu suất tài chính (Mục 19)
  • Thông tin bên nhận nhượng quyền (Mục 20)
  • Báo cáo tài chính (Mục 21)
  • Hợp đồng (Mục 22)
  • Biên lai (Mục 23)

        Trong số những mục được công bố, gây tranh cãi đáng chú ý nhất là Mục 19 - Báo cáo hiệu suất tài chính.[13] Báo cáo hiệu suất tài chính thường được bên nhượng quyền làm để lập doanh số bán hàng hoặc đề án doanh thu đối với hoạt động nhượng quyền thương mại. Bên nhượng quyền không bắt buộc phải trình bày đầu mục này trong Bản giới thiệu nhượng quyền. Một khi lựa chọn không trình bày, bên nhượng quyền sẽ bị nghiêm cấm công bố đầu mục này ở bất kỳ dạng thức nào khác, có thể là đàm phán, tài liệu tiếp thị hoặc thậm chí là các cuộc thảo luận bán hàng.[14] Hơn thế nữa, nếu không có báo cáo nào được công bố tại Mục 19 của Bản giới thiệu nhượng quyền, thì bên nhượng quyền sẽ thậm chí bị cấm thảo luận về doanh số bán hàng hoặc doanh thu thực tế. Mặt khác, bên nhượng quyền bắt buộc phải đưa ra yêu cầu hiệu suất tài chính trên “cơ sở hợp lý” và phải xác thực các yêu cầu trên bằng văn bản chứng minh nếu lựa chọn trình bày Báo cáo hiệu suất tài chính. Quy định tại Mục 19 khá phức tạp, tuy nhiên việc quy định này nhằm đảm bảo bên nhượng quyền không chuyển tiếp bất kỳ thông tin gây hiểu lầm nào, bao gồm các thông tin xuyên tạc, nói quá hoặc những lời hứa giả nhằm cố gắng mô tả những triển vọng không có thật của nhượng quyền thương mại đối với các bên nhận quyền.

        Mọi bên nhượng quyền tại Hoa Kỳ đều phải tuân thủ Quy tắc nhượng quyền FTC và đưa ra các bản giới thiệu nhượng quyền cho bên nhận quyền tiềm năng trước khi hoàn thành phi vụ nhượng quyền. Việc không tuân thủ công khai thông tin theo Quy tắc nhượng quyền FTC sửa đổi có thể dẫn tới khoản tiền phạt dân sự 16.000$ cho mỗi vi phạm.

(c) Nghĩa vụ báo cáo

        Quy tắc nhượng quyền FTC quy định về nghĩa vụ đối với bên nhượng quyền phải cập nhật tất cả thông tin trong bảng giới thiệu nhượng quyền phải vào thời điểm kết thúc năm tài chính gần đây nhất của bên nhượng quyền. Sau khi kết thúc năm tài chính, trong vòng 120 ngày, bên nhượng quyền phải chuẩn bị bảng giới thiệu nhượng quyền sửa đổi, sau đó bên nhượng quyền chỉ có thể phân phối tài liệu đã sửa đổi. Bên nhượng quyền phải, trong một thời gian hợp lý sau khi kết thúc mỗi quý của năm tài chính, chuẩn bị các bản sửa đổi đính kèm với bảng giới thiệu nhượng quyền để phản ánh bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với các thông tin được bao gồm hoặc bắt buộc phải đưa vào bảng giới thiệu nhượng quyền. Khi cung cấp bảng giới thiệu nhượng quyền, bên nhượng quyền phải thông báo cho người nhận quyền tiềm năng về bất kỳ thay đổi quan trọng nào mà mình đã biết hoặc lẽ ra phải biết xảy ra trong thông tin có trong bất kỳ bản trình bày hoạt động tài chính nào.[15] Việc cập nhật bảng giới thiệu nhượng quyền giúp cho bên nhận quyền tiềm năng hoặc bên nhận quyền nắm rõ được hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền để ra quyết định chính xác, hợp lý.

1.2. Pháp luật tiểu bang về nhượng quyền thương mại

        Trong khi pháp luật Liên bang của Hoa Kỳ (Quy tắc nhượng quyền FTC sửa đổi) đề ra các yêu cầu về nghĩa vụ của bên nhượng quyền về việc cung cấp Bảng giới thiệu nhượng quyền cho các bên nhận quyền, pháp luật Liên bang lại không điều chỉnh mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền sau khi giao kết hợp đồng nhượng quyền. Một số tiểu bang đã thông qua luật nhượng quyền thương mại dựa trên các quy tắc nhượng quyền của Liên bang. Các luật nhượng quyền của tiểu bang có thể điều chỉnh việc chào bán và nhượng quyền, áp đặt các yêu cầu FDD bổ sung, cấm các điều khoản thỏa thuận nhượng quyền nhất định, áp đặt nghĩa vụ đăng ký của tiểu bang hoặc điều chỉnh mối quan hệ nhượng quyền đang diễn ra.[16] 

(a) Yêu cầu đăng ký nhượng quyền

        Các tiểu bang yêu cầu đăng ký thường quy định một quá trình xem xét và phê duyệt trước đơn đề nghị đăng ký nhượng quyền, đồng thời yêu cầu mẫu đơn đăng ký theo định dạng Bản giới thiệu nhượng quyền của Quy tắc nhượng quyền FTC như đã nêu ở Mục 3.1.1 trong bài viết. Một số tiểu bang đã quy định tiết lộ thêm thông tin, ngoài những đầu mục được quy định tại Quy tắc nhượng quyền FTC sửa đổi. Các giám định viên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành đánh giá sự tin cậy của lá đơn đăng ký nhượng quyền và tư vấn cho bên nhượng quyền nếu cần sửa đổi đơn đăng ký. Các tiểu bang yêu cầu đăng ký để được đề nghị nhượng quyền bao gồm: California, Hawaii, Illinois, Indiana, Maryland, Michigan, Minnesota, New York, North Dakota, Rhode Island, South Dakota, Virginia và Washington và Wiscosin.[17] Ở hầu hết các bang này, bên nhượng quyền bị cấm bán hoặc chào bán nhượng quyền thương mại cho đến khi đơn đăng ký được chấp thuận hoặc bên nhượng quyền đã được miễn trừ. Bên nhượng quyền cũng phải nộp lệ phí trước bạ tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhượng quyền.[18]

(b) Yêu cầu nộp Bảng giới thiệu nhượng quyền

        Mặt khác, một số tiểu bang còn đưa ra quy định về một quy trình ít tốn thời gian và đơn giản hơn. Các tiểu bang này thường yêu cầu bên nhượng quyền hoàn thành và nộp mẫu đơn thông báo nhượng quyền của tiểu bang tương ứng, tuy nhiên, họ không yêu cầu nộp Bản giới thiệu nhượng quyền được chuẩn bị theo Quy tắc nhượng quyền FTC sửa đổi. Tiểu bang tuân theo cách tiếp cận này bao gồm Connecticut, Florida, Kentucky, Nebraska, Texas và Utah.[19] Trong khi việc nộp đơn thường là nộp đơn một lần, một số tiểu bang như Florida và Utah yêu cầu nộp đơn hàng năm. Cho đến khi các mẫu đơn thông báo nhượng quyền được đệ trình đúng thủ tục, bên nhượng quyền ở các tiểu bang này bị cấm bán hoặc chào bán mọi hoạt động nhượng quyền thương mại.

        Để xác định các quy định về tiết lộ thông tin mà bên nhượng quyền phải tuân thủ, bên nhượng quyền cần phải tìm hiểu luật của các tiểu bang có thẩm quyền đối với việc đề nghị nhượng quyền thương mại. Liệu hoạt động đề nghị nhượng quyền thương mại có kích hoạt các quy định nhượng quyền của một tiểu bang cụ thể hay không phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Đề nghị bán có nguồn gốc từ tiểu bang;
  • Đề nghị bán được chuyển đến chính quyền tiểu bang;
  • Việc chấp nhận đề nghị được thực hiện tại tiểu bang;
  • Bên nhượng quyền cư trú trong tiểu bang;
  • Bên nhận quyền cư trú tại tiểu bang;
  • Nhượng quyền thương mại được đề xuất sẽ được đặt hoặc hoạt động tại tiểu bang, hoặc lãnh thổ bán hàng được cấp cho bên nhận quyền sẽ thuộc về tiểu bang.

(c) Yêu cầu về hành xử thiện chí và công bằng

        Nhiều bang tại Hoa Kỳ, nhưng không phải tất cả, đã tự động áp dụng các quy tắc trong thông luật về yêu cầu hành xử thiện chí và công bằng trong mọi hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng nhượng quyền. Ngay cả khi bên nhượng quyền có thể ở vào vị thế mạnh hơn và lập luận dựa trên điều khoản quy định rõ ràng về quyền hành xử tuỳ ý tuyệt đối mà hành động đó gây tác động xấu tới bên nhận quyền, bên nhân quyền vẫn có thể viện tới yêu cầu hành xử thiện chí và công bằng để tự bảo vệ mình. Trong phán quyết Michael D.Bryman, et al. V.El Pollo Coco, Inc., ban hội thẩm đã ra phán quyết phạt 8,8 triệu USD đối với bên nhượng quyền vì không hành xử thiện chí khi bên nhượng quyền đã mở một số cửa hàng canh tranh gần vị trí của bên nhận quyền, mặc dù các điều khoản trong hợp đồng cho bên nhượng quyền quyền đó. Toà án nhận định rằng điều khoản trong hợp đồng vô lý và vô hiệu, đồng thời bên nhượng quyền còn vi phạm Luật cạnh tranh không công bằng.[20] Bài học rút ra ở đây đó là các điều khoản trong hợp đồng không phải lá chắn tuyệt đối để bảo về quyền của bên nhượng quyền nếu các quyền lợi này đi ngược lại với nguyên tắc thiện chí và hành xử công bằng. Án lệ El Pollo Loco cũng là một trường hợp ngoại lệ cho nguyên tắc tự do hợp đồng.

(d) Gia hạn hợp đồng nhượng quyền

        Thông thường, các bang sẽ ghi nhận quyền tự do của các bên trong việc giao kết hợp đồng nhượng quyền cũng như đề ra những điều khoản nội dung trong hợp đồng này. Việc gia hạn hợp đồng nhượng quyền cũng dựa trên sự thoả thuận từ hai phía. Tuy nhiên, năng lực thoả thuận của bên nhượng quyền thường chiếm ưu thế hơn, do vậy quyền tự do trong hợp đồng không được xem như tuyệt đối. Một số bang ban hành luật về mối quan hệ nhượng quyền đã hạn chế khả năng của bên nhượng quyền trong việc từ chối gia hạn hợp đồng nhượng quyền. Các cơ sở để từ chối nhượng quyền thường khác biệt giữa các bang, nhưng thường rơi vào các trường hợp sau: (i) “nguyên nhân hợp lý” hoặc “nguyên nhân chính đáng” (ví dụ California, Connecticut, Hawaii, Illinois, Indiana, Michigan, Minnesota, Nebraska, New Jersey, Rhode Island và Washington); (ii) dành cho bên nhận quyền khoảng thời gian ít nhất 90 ngày (ví dụ Delaware, Missisippi và Missouri) và, hoặc trong một số trường hợp 6 tháng (ví dụ tại Connecticut trong trường hợp việc không tiếp tục gia hạn dựa trên quyết định không tiếp tục cho bên nhận quyền thuê tài sản) trước khi thông báo ý định của bên nhượng quyền không tiếp tục gia hạn hợp đồng nhượng quyền; (iii) mua lại tài sản của bên nhận quyền (ví dụ như Arkansas, California, Connecticut, Hawaii, Maryland, Rhode Island, Washington và Wisconsin); và (iv) miễn trừ bất kỳ hạn chế cạnh tranh nào sau thời hạn nhượng quyền (ví dụ California).

        Trong khi mục tiêu của pháp luật về mối quan hệ nhượng quyền nhằm bảo vệ bên nhận quyền trước việc chấm dứt hợp đồng hoặc không gia hạn hợp đồng một cách phân biệt đối xử, tác động trái chiếu đó là có thể tạo nên một mối quan hệ nhượng quyền kéo dài mãi, đi ngược lại với ý định của bên nhượng quyền. Tuy nhiên bên nhận quyền có thể lựa chọn không tiếp tục gia hạn.

(e) Các vấn đề trước và sau khi chấm dứt nhượng quyền trong pháp luật Hoa Kỳ[21]

        Việc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể được thực hiện theo thỏa thuận chung hoặc do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu theo trường hợp thứ hai, điều này có thể gây ra tranh chấp giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.

Các hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa các bên trong nhiều trường hợp không giải quyết được tất cả các vấn đề tranh chấp. Do đó, các bên trong nhượng quyền cần tìm hiểu kĩ lưỡng các quy định pháp luật tiểu bang có thể áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Hiện tại, có mười chín tiểu bang tại Hoa Kỳ đã ban hành quy định giải quyết việc chấm dứt nhượng quyền thương mại.[22] Để xác định luật tiểu bang nào được áp dụng, bên nhượng quyền phải xác định dựa trên các điều khoản lựa chọn luật điều chỉnh trong hợp đồng nhượng quyền. Trường hợp không có điều khoản xác định luật điều chỉnh, các bên sẽ xác định chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc dựa vào luật của các tiểu bang, nếu có, hoặc tuân theo luật của tiểu bang nơi đặt trụ sở nhượng quyền.

        Trước khi chấm dứt quan hệ nhượng quyền thương mại, bên chấm dứt phải tuân thủ các thủ tục bắt buộc. Bên chấm dứt sẽ phải tuân thủ mọi thủ tục tại các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền và/hoặc các quy định pháp luật tiểu bang. Một số tiểu bang yêu cầu bên nhượng quyền phải có lý do chính đáng trước khi chấm dứt, gửi thông báo thanh toán nợ của hoạt động nhượng quyền, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả và gửi thông báo chấm dứt. Bên chấm dứt phải xem xét và tuân thủ các nghĩa vụ hiện hành để không phải chịu các hình phạt của hợp đồng.

        Một trong những vấn đề phổ biến sau khi chấm dứt hợp đồng là các giao ước không cạnh tranh của bên nhận quyền với bên nhượng quyền. Các giao ước không cạnh tranh bảo vệ lợi ích kinh doanh hợp pháp của bên nhượng quyền trong việc duy trì thiện chí và ngăn chặn cạnh tranh. Các giao ước này có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hậu chấm dứt và hầu như được các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền. Bằng cách quy định các điều khoản không cạnh tranh, bên nhượng quyền có thể bảo vệ nhãn hiệu, bí mật thương mại, thiện chí, thị phần; bảo vệ chính mình và các bên nhận quyền khác khỏi hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các Tòa án Hoa Kỳ thường cân nhắc tính chính đáng, hợp lý khi đánh giá các giao ước không cạnh tranh này. Tính hợp lý liên quan đến khoảng thời gian hoặc phạm vi của thoả thuận hạn chế cạnh tranh được xác định trên cơ sở các trường hợp điển hình

2. Pháp luật chung về nhượng quyền thương mại tại Hoa Kỳ

        Nhượng quyền thương mại tác động đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật, đặc biệt liên quan đến sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thuế quan. Để làm rõ nội dung pháp luật nhượng quyền thương mại của Hoa Kỳ, bài nghiên cứu sẽ xem xét mối quan hệ tương quan giữa nhượng quyền thương mại với các lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thuế quan.

2.1. Pháp luật về sở hữu trí tuệ

(a) Nhãn hiệu

        Nhãn hiệu có thể là một từ, biểu tượng, tên, thiết bị hoặc sự kết hợp các dấu hiệu trên mà thương nhân sử dụng để xác định và phân biệt sản phẩm của mình với các sản phẩm được bán bởi các thương nhân khác trên thị trường. Dấu hiệu thể hiện nét đặc trưng của sản phẩm hay còn được coi là nhãn hiệu của sản phẩm không hề bị hạn chế - nó có thể là cụm từ, màu sắc hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác, miễn là xác định được nguồn gốc sản phẩm và phân biệt rõ ràng với các thương hiệu khác.[23] Ví dụ, cụm từ "Just Do It" là một khẩu hiệu thường được liên kết với Nike và phân biệt nó với các đối thủ cạnh tranh khác như Reebok hoặc Puma. Bảo hộ nhãn hiệu nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và xã hội - nó thúc đẩy cạnh tranh và duy trì chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp thương hiệu sử dụng các tính năng thiết kế đặc biệt trong giao diện hoặc hình ảnh của sản phẩm, ví dụ, việc sử dụng màu sắc trong bao bì sản phẩm hoặc thiết kế của cửa hàng, để phân biệt với các thương hiệu còn lại, các tính năng này thường thuộc định nghĩa về bộ nhận diện thương hiệu. Bộ nhận diện thương hiệu thường là một tài sản quan trọng trong kinh doanh nhượng quyền thương mại, đặc biệt là trong nhượng quyền nhà hàng, nơi thương hiệu được liên kết với việc bày trí nội thất và ngoại thất cùng hình thức của nhà hàng, kiểu dáng thiết kế thực đơn và bao bì của các sản phẩm đồ ăn.

        Pháp luật về nhãn hiệu được quy định cả ở cấp tiểu bang và liên bang. Ở cấp liên bang, đạo luật nổi bật nhất điều chỉnh về nhãn hiệu là Đạo luật Lanham. Nếu bên nhượng quyền muốn có được đăng ký liên bang về nhãn hiệu, họ phải nộp đơn đăng ký cho Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Để đủ điều kiện đăng ký, người đăng ký phải chứng minh rằng nhãn hiệu này đặc biệt và được sử dụng hoặc dự định sử dụng trong thương mại. Ngoài ra, Đạo luật Lanham đặt ra các hạn chế theo luật định và từ chối đăng ký các nhãn hiệu có thể là trái đạo đức xã hội, tai tiếng, lừa đảo hoặc liên kết sai sự thật về mối liên hệ với những người còn sống hoặc đã chết, các tổ chức, tín ngưỡng hoặc biểu tượng quốc gia, hoặc đưa họ vào sự khinh miệt hoặc bất mãn. Ngoài ra, các nhãn hiệu, chỉ đơn thuần là mô tả các sản phẩm thay vì nói chúng là gì, thì sẽ không đủ điều kiện để đăng ký cho đến khi đạt được tính phân biệt trong quá trình sử dụng.

        Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, quyền đối với nhãn hiệu có thể thiết lập qua quá trình sử dụng, miễn là chủ sở hữu là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu trong thương mại.[24] Nhãn hiệu chưa đăng ký có thể đủ điều kiện để được bảo hộ theo luật chung của tiểu bang. Tuy nhiên, sự bảo vệ này được giới hạn ở khu vực địa lý cụ thể mà nhãn hiệu lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong thương mại.[25] Mặt khác, việc đăng ký nhãn hiệu với USPTO cho phép chủ sở hữu quyền sử dụng nhãn hiệu trên toàn quốc, ngoại trừ trong khu vực địa lý cụ thể nơi nhãn hiệu đã được sử dụng bởi một thực thể khác. Ngoài ra, việc đăng ký nhãn hiệu mang tính thông báo một cách xây dựng trên toàn quốc về quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu và cũng khiến chủ sở hữu nhãn hiệu đủ điều kiện nộp đơn kiện trong trường hợp vi phạm tại tòa án liên bang và yêu cầu bồi thường thiệt hại và các biện pháp khắc phục khác theo Đạo luật Lanham.

        Bởi vì nhãn hiệu thường là tài sản quan trọng nhất của một đơn vị nhượng quyền thương mại, nên điều bắt buộc là bên nhượng quyền cũng như bên nhận quyền phải đảm bảo các quyền đối với nhãn hiệu vẫn còn nguyên vẹn. Đôi khi, quyền đối với nhãn hiệu có thể bị mất do ngừng sử dụng trong một thời gian dài (ba năm trở lên), do từ bỏ, cấp phép không đúng cách hoặc mất tính phân biệt ban đầu của nhãn hiệu. Để tránh mất nhãn hiệu, điều đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại là bên nhượng quyền phải được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu, sau đó cho bên nhận quyền được phép sử dụng nhãn hiệu.

(b) Quyền tác giả

        Trong mô hình nhượng quyền thương mại, bản quyền đối với các tác phẩm trong các hoạt động và hướng dẫn đào tạo, tài liệu quảng cáo chương trình, bảng thực đơn, hệ thống kinh doanh độc quyền hoặc tiếng chuông quảng cáo âm nhạc cần được bảo hộ. Quyền tác giả chỉ bảo vệ hình thức thể hiện ý tưởng, không phải ý tưởng. Do đó, ví dụ về quyền trong bản quyền của việc hướng dẫn đào tạo thủ công của bên nhượng quyền sẽ chỉ bảo vệ sự trùng lặp về mặt thể hiện của các hệ thống đào tạo này chứ không phải bảo vệ các hệ thống. Để ngăn các đối thủ cạnh tranh sao chép hệ thống của mình, bên nhượng quyền sẽ phải bảo vệ nó như một bí mật thương mại.

        Trong nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền cấp giấy phép sử dụng quyền tác giả cho bên nhận quyền như một phần của mô hình kinh doanh.[26] Bên nhận quyền nhận cấp phép sử dụng quyền tác giả có thể được quyền sao chép tác phẩm, tạo tác phẩm phái sinh hoặc thực hiện tác phẩm. Giấy phép này có thể là độc quyền hoặc không độc quyền, tuy nhiên giấy phép độc quyền sử dụng bản quyền phải bằng văn bản và có chữ ký của chủ sở hữu.

        Quyền tác giả được xác lập ngay cả khi tác giả chưa đăng ký hoặc ngay cả khi giấy chứng nhận quyền tác giả chưa được cơ quan thẩm quyền cấp. Về cơ bản, quyền tác giả là quyền tự động cho mọi tác phẩm là đối tượng thuộc quyền tác giả, miễn đảm bảo tính nguyên gốc và thể hiện dưới hình thức hữu hình. Mọi tác phẩm có bản quyền đều được bảo hộ trong thời hạn suốt cuộc đời tác giả cộng thêm bảy mươi năm sau khi tác giả qua đời.

        Mặc dù việc đăng ký quyền tác giả là tùy chọn, bên nhượng quyền và bên nhận quyền vẫn có thể chọn đăng ký quyền tác giả với Văn phòng Bản quyền.  Đăng ký thiết lập hồ sơ công khai về khiếu nại bản quyền. Hơn thế nữa, đăng ký là bắt buộc trước khi chủ sở hữu có thể nộp đơn kiện vi phạm. Cùng với đó, việc đăng ký quyền tác giả cũng sẽ cho phép chủ sở hữu yêu cầu các biện pháp khắc phục bổ sung như bồi thường thiệt hại theo luật định và phí luật sư trong trường hợp khởi kiện vi phạm.

2.2. Pháp luật cạnh tranh

(a) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

        Trong một giao dịch nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền chủ yếu bán cho bên nhượng quyền quyền phân phối sản phẩm của mình bằng cách sử dụng nhãn hiệu và mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền. Bên nhận quyền tin tưởng vào sức mạnh cạnh tranh của nhãn hiệu bên nhượng quyền, và do đó chọn đầu tư nguồn lực của mình vào việc điều hành doanh nghiệp nhượng quyền thương mại. Người tiêu dùng có thể mua sản phẩm từ doanh nghiệp nhượng quyền này với chất lượng tương xứng được cung cấp dưới nhãn hiệu của bên nhượng quyền. Do vậy, duy trì hình ảnh thương hiệu ban đầu của nhãn hiệu là điều bắt buộc. Để duy trì hình ảnh thương hiệu của mình và tiếp tục nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bên nhượng quyền đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng. Nỗ lực kiểm soát chất lượng trên được gọi là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, trong đó bên nhượng quyền bắt buộc bên nhận quyền mua một số nguyên vật liệu nhất định cần thiết trong hoạt động của nhượng quyền thương mại từ bên nhượng quyền hoặc nhà cung cấp được chỉ định.[27] Mặc dù bên nhượng quyền có thể viện lý do rằng việc kiểm soát này là cần thiết để duy trì tính nhất quán về chất lượng của sản phẩm cuối cùng được đưa ra thị trường, nhưng bên nhượng quyền vẫn có thể có những động cơ ngầm thông qua thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này. Lợi ích của việc có sẵn thị trường và có cơ hội định giá cho các sản phẩm đồng nghĩa với việc bên nhận quyền có nghĩa vụ phải trả giá cao hơn. Ngoài ra, bên nhượng quyền có thể kiếm được tiền hoàn lại từ các nhà cung cấp được chỉ định vì đã yêu cầu bên nhận quyền của mình mua vật tư từ họ. Trong cả hai kịch bản, bên nhượng quyền đặt ra những hạn chế về thương mại và cạnh tranh. Nó đặt ra những hạn chế đối với quyền lựa chọn của bên nhận quyền và cũng cản trở việc gia nhập thị trường cho các nhà cung cấp mới, do đó ngăn chặn sự cạnh tranh.

        Mặc dù các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại tại Hoa Kỳ là không bất hợp pháp, nhưng các tòa án liên bang đã xét thấy việc thỏa thuận này là bất hợp pháp trong một số trường hợp. Các quy định cấm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại Mục 1 của Đạo luật Sherman và Mục 3 của Đạo luật Clayton. Điều khoản trong đạo luật Sherman tập trung vào điều chỉnh bất kỳ hành động nào mang tính kiềm chế thương mại”, còn điều khoản của Đạo luật Clayton cấm mọi hành vi làm giảm đáng kể sức mạnh cạnh tranh. Để khẳng định một thoả thuận hạn chế cạnh tranh là bất hợp pháp, bên nhận quyền sẽ phải chứng minh rằng (1) các sản phẩm bị hạn chế cạnh tranh là hai sản phẩm riêng biệt và bên nhượng quyền đã ràng buộc việc bán hai sản phẩm này; (2) bên nhượng quyền có sức mạnh kinh tế đáng kể trong thị trường liên quan để bên nhượng quyền có quyền buộc bên nhận quyền mua sản phẩm bị hạn chế cạnh tranh; và (3) sự thỏa thuận này có ảnh hưởng đáng kể đến thị phần thương mại trong thị trường liên quan của sản phẩm bị hạn chế cạnh tranh.

        Theo án lệ Siegel[28], các thỏa thuận trong đó người bán đưa ra hai mặt hàng riêng biệt để bán nhưng sẽ không bán mặt hàng đầu tiên (hoặc mặt hàng buộc) trừ khi người mua đồng ý mua mặt hàng thứ hai (hoặc mặt hàng ràng buộc), đã được Tòa án tối cao Hoa Kỳ xét xử nghiêm khắc. Tòa án đã kết luận một thỏa thuận ràng buộc bất hợp pháp, trong đó một số mặt hàng thứ yếu, không có bất kỳ thiết kế đặc biệt nào cũng như không phải là mặt hàng duy nhất bổ trợ cho thương hiệu nhượng quyền thương mại được đính kèm với giấy phép đăng ký nhãn hiệu.

        Ngược lại, chính sách của bên nhượng quyền Baskin-Robbins yêu cầu bên nhận quyền phải mua kem được bán từ chính bên nhượng quyền lại không bị xem là một thỏa thuận ràng buộc bất hợp pháp vì tòa án xét thấy chất lượng của kem và hình ảnh thương hiệu của nhãn hiệu Baskin-Robbins có sự tương quan chặt chẽ trong tâm trí người tiêu dùng.

        Tuy nhiên, ở dạng thức phân phối, hàng hóa có thể được sản xuất bởi bên nhượng quyền hoặc bởi bên nhận quyền theo công thức hoặc thông số kỹ thuật bí mật của bên nhượng quyền, như trường hợp của các thương hiệu như Coca-Cola. Theo dạng thức này, điều không thể phủ nhận là bên nhượng quyền phải yêu cầu bên nhận quyền phân phối sản phẩm chính xác để duy trì thiện chí và giá trị của nhãn hiệu đính kèm.

        Đối với việc chứng minh sức mạnh thị trường của bên nhượng quyền, việc căn cứ vào tính độc đáo của một nhãn hiệu đặc biệt là không đủ bằng chứng. Nhưng, các tòa án đã cho rằng sức mạnh thị trường có thể được xác định theo lý thuyết khóa Kodak.[29] Khi mua một sản phẩm, bên nhận quyền bị áp đặt phải mua kèm một sản phẩm khác. Đôi khi, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền, theo thỏa thuận nhượng quyền thương mại, được tự do mua từ danh sách các nhà cung cấp được phê duyệt. Sau đó, bên nhượng quyền thay đổi chính sách của mình và chỉ định một nhà cung cấp cụ thể cho bên nhận quyền mua các vật tư cần thiết. Một tình huống tương tự phát sinh đối với Burda v. Wendy's Int'l, Inc. In Burda, Wendy's International[30] - nhà nhượng quyền đồ ăn nhanh, ban đầu có một danh sách các nhà cung cấp được phê duyệt mà bên nhận quyền có thể yêu cầu đấu thầu mua các sản phẩm thực phẩm. Sau hợp đồng, Wendy đã thay đổi chính sách mua hàng và buộc bên nhận quyền, với nguy cơ sẽ phải chấm dứt hợp đồng, phải mua hàng từ nhà cung cấp được chỉ định hoặc bị tính phụ phí. Khác với thỏa thuận nhượng quyền thương mại tại Burda với thỏa thuận trong Queen City Pizza, Inc. v. Domino's Pizza, Inc.,[31] nơi bên nhượng quyền đã thông báo cho bên nhận quyền về các thỏa thuận mua độc quyền tiềm năng trước khi bị khóa hợp đồng, tòa án Burda nhận thấy rằng thỏa thuận nhượng quyền thương mại không đưa ra thông báo về các thỏa thuận mua độc quyền trước khi ký hợp đồng, mà thay vào đó lừa dối bên nhận quyền do đó vi phạm hợp đồng nhượng quyền; hành vi này cũng cấu thành một thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

(b) Kiểm soát giá bán lại

        Một vấn đề đặt ra là bên nhượng quyền có thể kiểm soát giá bán lại của sản phẩm do bên nhận quyền bán không? Theo Quyết định của Tòa án Tối cao trong vụ Leegin, việc bên nhượng quyền áp đặt giá bán lại cho các sản phẩm của riêng họ là bất hợp pháp.[32] Tuy nhiên, Tòa án Tối cao trong vụ Leegin cho rằng hành vi ấn định giá bán dọc không phải là bất hợp pháp và cần phải được phân tích nguyên tắc lập luận hợp lý, tức là quy định về kiểm soát giá bán dọc không nên hạn chế thương mại một cách vô lý cũng như gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Có hai kiểu ấn định giá doanh nghiệp có thể áp dụng: đó là ấn định giá theo chiều ngang và ấn định giá theo chiều dọc. Ấn định giá bán dọc xảy ra trong chuỗi quá trình cung ứng sản xuất và phân phối sản phẩm giữa nhà cung cấp (nguyên vật liệu), nhà sản xuất, nhà phân phối và bán lẻ. Các nhà sản xuất có thể thông đồng để thống nhất sẽ không giao dịch với các nhà bán lẻ cung cấp sản phẩm của họ với giá thấp hơn mức giá họ ấn định. Hành vi này được gọi là ấn định giá bán lại tối thiểu. Tại Hoa Kỳ, hành vi trên là bất hợp pháp. Do đó, trong bối cảnh nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền sẽ phải chứng minh rằng việc kiểm soát giá bán không cản trở đáng kể khả năng cạnh tranh của bên nhận quyền.

        Hơn nữa, việc kiểm soát giá bán dọc có thể yêu cầu phân tích thêm ở góc độ bên nhượng quyền tham gia vào phân phối kép, tức là, nơi bên nhượng quyền có các cửa hàng thuộc sở hữu của công ty và cạnh tranh với bên nhận quyền. Trong các tình huống như vậy, bất kỳ thỏa thuận giá bán lại nào giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều có thể được coi là thỏa thuận theo chiều ngang giữa các đối thủ cạnh tranh để ấn định giá bán trên thị trường. Tương tự hành vi ấn định giá bán lại tối thiểu theo chiều dọc, tại Hoa Kỳ, điều này là bất hợp pháp.[33]

(c) Thỏa thuận độc quyền

        Các thỏa thuận độc quyền được ký kết nhằm đảm bảo rằng bên nhận quyền không bán sản phẩm của các thương hiệu cạnh tranh khác. Trong nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền luôn đề cao sự cam kết gắn bó của bên nhận quyền đối với nhãn hiệu của mình, tuy nhiên để thực hiện mong muốn này, bên nhượng quyền có thể đưa ra những yêu cầu vượt xa những gì cần thiết, dẫn đến kìm hãm sự cạnh tranh. Các giao dịch độc quyền bị cấm được quy định tại Mục 1 của Đạo luật Sherman và Mục 3 của Đạo luật Clayton, trong đó có hành vi bên nhượng quyền áp đặt bên nhận quyền hạn chế giao dịch độc quyền với các doanh nghiệp có thị phần hoặc sức mạnh thị trường đáng kể để cản trở các doanh nghiệp khác gia nhập hoặc tồn tại trên thị trường, và do đó cản trở quyền tiếp cận của người tiêu dùng với các sản phẩm cạnh tranh khác. Câu hỏi cần đặt ra chính là liệu điều khoản độc quyền trong thỏa thuận nhượng quyền thương mại trên thực tế có làm mất đi sự cạnh tranh trên thị trường hay không, đây vẫn là một vấn đề còn tranh cãi trong pháp luật Hoa Kỳ.

2.3. Pháp luật thuế và nhượng quyền thương mại

        Bên nhượng quyền nói chung sẽ chịu trách nhiệm về thuế thu nhập liên bang Hoa Kỳ đối với thu nhập kiếm được tại Hoa Kỳ và thuế khấu lưu và thuế trả lương cho nhân viên. Bên nhượng quyền cũng sẽ chịu trách nhiệm về thuế thu nhập của tiểu bang nơi họ tiến hành hoạt động kinh doanh. Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế năm 2017 (Đạo luật Thuế) đã giảm đáng kể thuế suất doanh nghiệp, từ mức thuế suất dao động từ 15% đến 35%, xuống mức hiện tại là 21%.[34] 

        Đặc biệt, pháp luật một số tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn áp thuế đối với bên nhượng quyền khi hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền thông qua duy nhất người nhận quyền tại bang đó. Mặc dù sự hiện diện của các bên nhận quyền ở một tiểu bang thường không phải là căn cứ xác thực để cho rằng bên nhượng quyền đang kinh doanh ở một tiểu bang, nhưng một số tiểu bang vẫn quy định bên nhượng quyền phải chịu thuế của tiểu bang, ngay cả khi có liên hệ kinh doanh tương đối nhỏ với tiểu bang đó. Hoạt động này của tiểu bang chỉ dẫn đến việc phân bổ lại doanh thu thuế giữa các tiểu bang khác nhau, nhưng các bên nhượng quyền có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc nếu họ không báo cáo và thanh toán các nghĩa vụ thuế của tiểu bang một cách hợp lý.

        Pháp luật thuế của Hoa Kỳ cũng đề cập đến các vấn đề liên quan tới thời điểm ghi nhận thuế và nghĩa vụ thuế liên quan đến quỹ quảng cáo trong nhượng quyền thương mại. Bên nhượng quyền sẽ phải đóng thuế suất thu nhập tại thời điểm nhận được phí nhượng quyền. Ngoài ra, tiền bản quyền (các khoản thanh toán ngẫu nhiên) mà bên nhượng quyền nhận được trong thời hạn nhượng quyền sẽ phải chịu thuế tại thời điểm nhận được các khoản thu đó. Đối với phí quảng cáo mà bên nhượng quyền thu từ bên nhận quyền để đưa vào quỹ quảng cáo, các tòa án Hoa Kỳ thường kết luận những khoản phí đó không phải là thu nhập đối với bên nhượng quyền, trong phạm vi doanh thu phí này chỉ có thể được sử dụng cho mục đích quảng cáo. Do đó, các khoản phí này không phải chịu thuế suất.

Bài học kinh nghiệm cho  Việt Nam 

        Việc tự động áp dụng các quy tắc trong thông luật về yêu cầu hành xử thiện chí và công bằng trong hợp đồng nhượng quyền giúp bảo vệ tốt hơn cho bên nhận quyền. Bên nhượng quyền thường ở vào vị thế mạnh hơn trong giao kết hợp đồng nhượng quyền và khi vận hành hệ thống nhượng quyền. Do vậy bên nhượng quyền có thể lập luận dựa trên điều khoản quy định rõ ràng về quyền hành xử tuỳ ý tuyệt đối mà hành động đó gây tác động xấu tới bên nhận quyền, bên nhân quyền vẫn có thể viện tới yêu cầu hành xử thiện chí và công bằng để tự bảo vệ mình. Phán quyết El Pollo Coco, Inc. thực sự hợp lý để bảo vệ bên yếu thế hơn trong quan hệ nhượng quyền; từ đó, có thể giúp giảm thiểu các thoả thuận không công bằng, thiếu thiện chí.

        Hiện nay Việt Nam đã không yêu cầu các bên nhượng quyền phải làm thủ tục đăng ký nhượng quyền, nên bên nhượng quyền sẽ không cập nhật những báo cáo thay đổi trong Bảng giới thiệu nhượng quyền với cơ quan đăng ký. Vì vậy, thiết nghĩ Việt Nam có thể học tập Quy tắc nhượng quyền FTC về việc quy định nghĩa vụ cập nhật về những thay đổi trong Bảng giới thiệu nhượng quyền. Việc cập nhật bảng giới thiệu nhượng quyền giúp cho bên nhận quyền tiềm năng hoặc bên nhận quyền nắm rõ được hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền để ra quyết định chính xác, hợp lý.

        Việc không gia hạn nhượng quyền phải trên cơ sở nguyên nhân hợp lý và chính đáng, bên nhượng quyền nên cho bên nhận quyền một khoảng thời gian để chuẩn bị trước khi chấm dứt hợp đồng nhượng quyền. Việt Nam có thể tham khảo các trường hợp không gia hạn hợp đồng nhượng quyền, bên nhượng quyền cần chỉ rõ “nguyên nhân hợp lý” hoặc “nguyên nhân chính đáng” (ví dụ California, Connecticut, Hawaii, Illinois, Indiana, Michigan, Minnesota, Nebraska, New Jersey, Rhode Island và Washington); và dành cho bên nhận quyền khoảng thời gian ít nhất 90 ngày (ví dụ Delaware, Missisippi và Missouri) và, hoặc trong một số trường hợp 6 tháng (ví dụ tại Connecticut trong trường hợp việc không tiếp tục gia hạn dựa trên quyết định không tiếp tục cho bên nhận quyền thuê tài sản) trước khi thông báo ý định của bên nhượng quyền không tiếp tục gia hạn hợp đồng nhượng quyền.

 

ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ

ThS. Lê Đình Quyết*

Bùi Khánh Thuỳ**


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. California Franchise Investment Law, Cal. Corp. Code 31000 (1971).
  2. David John Cole Et Al, Encyclopedia of modern everyday inventions 13 (2003).
  3. Đào Thị Vân Hằng, Franchising thực trạng và giải pháp ứng dụng tại Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế, 2007.
  4. Disclosure Requirements and Prohibitions Concerning Franchising (2007), 72 Fed.Reg. 15444.
  5. Eastman Kodak Co.v. Image Techinical Services, Inc US.Supreme Court (June 8,1992) at 477-78.
  6. Franchise Registration and Disclosure Guidelines 58 (2011).
  7. FTC Franchise Rules.
  8. Howard Yale Lederman, Franchising and the Franchise Law – An Introduction, 2013.
  9. Honey V. Gandhi, Franchising in the United States, Volume 20/Number 1, 2014.
  10. Ian Cockburn, Franchising & Licensing – What are they and how can you benefit from them? (2014).
  11. Joel R. Buckberg, David J. Kaufman, Franchise Sales and disclosure laws, 2009.
  12. Leegin Creative Leather Products, Inc. v. PSKS, Inc., 551 U.S. 877 (2007).
  13. Luật Thương mại Việt Nam 2005.
  14. Michael D.Bryman, et al. V.El Pollo Coco, Inc., MC026045 (Cal. Super.Ct., L.A.Cty., Aug.1,2018).
  15. Nguyễn Thị Tình (2017), “Pháp luật về hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam – Từ tư duy pháp lý của EU và Hoa Kỳ đến kinh nghiệm lập pháp của Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, TP. Hà Nội.
  16. Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
  17. Oxford (2004), từ điển Advanced Learner’s Dictionary, pp. 469.
  18. Queen City Pizza, Inc. v. Domino’s Pizza, Inc., 124 F.3d 430 (3d Cir. 1997).
  19. Robert T. Joseph, Lee N. Abrams, Antitrust Law, Fundamentals of Franchising, 258 (Rupert M. Barkoff& Andrew C. Selden, eds., 3d ed. 2008).
  20. Robert Burda, et al v. Wendy’s International, Inc, et al, Defendant,United States District Courrt (2009).
  21. Steven Feirman, Daniel Deane, Keri A. McWilliams, Kendal Tyre, Nathan Warecki and Brad Steinbrecher, The Franchise Law Review: USA, Nixon Peabody LLP, 04 March 2021.
  22. William A. Finkelstein, Christopher P. Bussert, Trademark Law Fundamentals and Related Franchising Issues, in Fundamentals of Franchising 1, 4 (Rupert M. Barkoff & Andrew C. Selden eds.,2004).

* Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế , Trường Đại học Luật Hà Nội.

** Sinh viên K43, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[1] Oxford (2004), từ điển Advanced Learner’s Dictionary, pp. 469

[2] Điều 285 Luật Thương mại Việt Nam 2005.

[3] Đào Thị Vân Hằng, Franchising thực trạng và giải pháp ứng dụng tại Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế, 2007.

[4] Xem thêm tại: https://www.britannica.com/biography/Isaac-Singer, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[5] Honey V. Gandhi, Franchising in the United States, Volume 20/Number 1, 2014

[6] David John Cole Et Al, Encyclopedia of modern everyday inventions 13 (2003).

[7] California Franchise Investment Law, Cal. Corp. Code 31000 (1971).

[8] Howard Yale Lederman (2013), Franchising and the Franchise Law – An Introduction, trang 37, http://ww.michbar.org/journal/pdf/pdf4article2150.pdf.

[9] https://iclg.com/practice-areas/franchise-laws-and-regulations/usa, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[10] Xem Điều 9 Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=5&mode=detail&document_id=192585

[11] Howard Yale Lederman (2013), Franchising and the Franchise Law – An Introduction, Michigan Bar Journal, p. 36, http://www.michbar.org/file/barjournal/article/documents/pdf4article2150.pdf, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[12] Honey V. Gandhi, Franchising in the United States, 20 Law & Bus. Rev. Am. 3 (2014)
https://scholar.smu.edu/lbra/vol20/iss1/2, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[13] Disclosure Requirements and Prohibitions Concerning Franchising (2007), 72 Fed.Reg. 15444, https://www.federalregister.gov/documents/2019/03/13/2019-04466/disclosure-requirements-and-prohibitions-concerning-franchising, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[14] Franchise Registration and Disclosure Guidelines 58 (2011), http://www.nasaa.org/wp-content/uploads/2011/08/6-2008UFOC.pdf, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[15] Mục 436.7, Quy tắc nhượng quyền FTC.

[16] Joel R. Buckberg, David J. Kaufman, Franchise Sales and disclosure laws (2009).

[17] https://www.franchisedirect.com/information/statesthatrequirefddregistrationorfiling/, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[18] Tham khảo https://www.janetmartinlaw.com/practice-areas/registration-states/, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[19] https://www.franchisedirect.com/information/statesthatrequirefddregistrationorfiling/, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[20] Michael D.Bryman, et al. V.El Pollo Coco, Inc., MC026045 (Cal. Super.Ct., L.A.Cty., Aug.1,2018).

[21] Honey V. Gandhi, Franchising in the United States, 20 Law & Bus. Rev. Am. 3 (2014)
https://scholar.smu.edu/lbra/vol20/iss1/2, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021

[22] Như trên.

[23] William A. Finkelstein, Christopher P. Bussert, Trademark Law Fundamentals and Related Franchising Issues, in Fundamentals of Franchising 1, 4 (Rupert M. Barkoff & Andrew C. Selden eds.,2004).

[24] https://www.bitlaw.com/trademark/common.html, truy cập lần cuối ngày 23/6/2021.

[25] Như trên.

[26] Ian Cockburn, Franchising & Licensing – What are they and how can you benefit from them? (2014).

[27] Robert T. Joseph, Lee N. Abrams, Antitrust Law, Fundamentals of Franchising, 258 (Rupert M. Barkoff& Andrew C. Selden, eds., 3d ed. 2008).

[28] Siegel v Chicken Delight, Inc., 448 F.2d 43 (9th Cir. 1971), cert. denied 405 U.S. 955 (1972).

[29] Eastman Kodak Co.v. Image Techinical Services, Inc US.Supreme Court (June 8,1992) at 477-78.

[30] Robert Burda, et al v. Wendy’s International, Inc, et al, Defendant,United States District Courrt (2009).

[31] Như trên; Queen City Pizza, Inc. v. Domino’s Pizza, Inc., 124 F.3d 430 (3d Cir. 1997).

[32] Leegin Creative Leather Products, Inc. v. PSKS, Inc., 551 U.S. 877 (2007).

[33] Như trên.

Bài viết cùng danh mục

0947202189