Ngày đăng: 19/04/2022
Phương thức trung gian là hình thức can thiệp của bên thứ ba, với sự chấp thuận của các bên liên quan trong tranh chấp. Đây là một quá trình giải quyết tranh chấp có tính năng động, có cấu trúc và tương tác, khi một bên thứ ba trung lập hỗ trợ các bên tranh chấp trong việc giải quyết mâu thuẫn thông qua việc sử dụng kỹ thuật giao tiếp và đàm phán chuyên ngành. Chức năng của người trung gian là đưa ra giải pháp cho tranh chấp với mong muốn được các bên chấp thuận. Người trung gian sẽ là một cá nhân trung lập, với kiến thức chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp.[2] Người trung gian sẽ nỗ lực giúp các bên hiểu lập trường, quan điểm của nhau, sẽ gặp gỡ riêng với từng bên, lắng nghe quan điểm của mỗi bên, nhấn mạnh các lợi ích chung và nỗ lực giúp các bên tiến tới một giải pháp chung. Đây là một quá trình "lấy trọng tâm làm trung tâm" vì nó tập trung chủ yếu vào các nhu cầu, quyền và lợi ích của các bên. Người trung gian sử dụng rất nhiều kỹ thuật để hướng dẫn quá trình xây dựng và giúp các bên tìm giải pháp tối ưu của mình.
Trung gian, được sử dụng trong luật pháp, là một hình thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR - Alternative Dispute Resolution)[3], một cách để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên hoặc nhiều hơn với những ảnh hưởng cụ thể. Thông thường, bên thứ ba, người trung gian, hỗ trợ các bên thương lượng giải quyết tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể sử dụng phương thức trung gian trong nhiều lĩnh vực tranh chấp, chẳng hạn như thương mại, luật pháp, ngoại giao, nơi làm việc, cộng đồng và các vấn đề gia đình...
Phương thức trung gian có một số đặc điểm nổi bất sau: thứ nhất, Mang tính bí mật; thứ hai, Phương thức trung gian có thể được áp dụng tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nếu các bên đạt được đồng thuận về phương thức giải quyết tranh chấp trong quá trình tranh tụng tại toà án hoặc trọng tài, và nếu cần sự giúp đỡ, họ có thể viện đến sự trợ giúp của người trung gian.
Thông thường, đề xuất phương thức trung gian là vấn đề khó khăn nhất, bởi tại thời điểm đó, mối quan hệ giữa các bên liên quan đã trở nên căng thẳng, do vậy sự can thiệp của bên thứ ba nhằm đưa ra một giải pháp thân thiện là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Tuy nhiên, có thể cần đến một bên thứ ba trung lập nhằm đưa ra những gợi ý với đối phương mà không để lại ấn tượng rằng bên đề xuất phương thức trung gian có vẻ yếu thế. Vấn đề pháp lí ở đây là trong trường hợp một bên từ chối tham gia ADR để giải quyết tranh chấp liên quan, thì cũng không cần phải nêu ra sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, bởi vì ADR không được quy định trong hợp đồng. Có bốn cách khác nhau để đề xuất phương thức trung gian: Các bên liên quan tiếp cận nhau; các luật sư tiếp cận nhau; sự thuyết phục của bên thứ ba; và đặc quyền của một bên được đề xuất phương thức trung gian. Trong trường hợp một tranh chấp đang được giải quyết trước Toà hoặc liên quan đến những cáo buộc lớn hoặc những vấn đề pháp lí phức tạp, các bên có thể có các luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng tham gia vào quá trình trung gian. Trong trường hợp đó, phương thức trung gian trở thành quá trình bị định hướng bởi pháp luật và có thể bị phụ thuộc vào vai trò của các luật sư, và các luật sư rất có thể đưa ra các ý tưởng pháp lí phức tạp, khó hiểu mà các bên liên quan rất khó nắm bắt. Trên thực tế, khi các luật sư được phép làm người đại diện pháp luật, người trung gian thường được yêu cầu nhắc nhở các luật sư về giới hạn quyền hạn của họ, nhằm đảm bảo rằng đây không phải là toà án để áp đặt các thể thức và quy trình như tranh tụng trước toà án.[5] Điều cần thiết là người trung gian phải xác định được vấn đề gì mà người đại diện pháp luật được phép trình bày (cần phải trình bày rõ ràng các luận điểm, nhưng không được phép lạm dụng).
Phương thức trung gian là tiến trình hết sức linh hoạt so với tranh tụng trước toà án, theo đó các bên có thể thay đổi thái độ mà không bị ‘mất mặt’. Một phương thức trung gian thành công thường tạo ra không khí thân thiện, cởi mở, bởi mỗi bên đều là người chiến thắng. Không giống như trường hợp đưa ra toà án, trung gian sẽ hạn chế các nguyên nhân gây thù địch giữa các bên. Đặc điểm này của phương thức trung gian là đặc biệt quan trọng, một khi các bên phải hợp tác hoặc mong muốn tiếp tục hợp tác, như trong các trường hợp liên quan đến quan hệ lao động, kinh doanh hoặc mâu thuẫn gia đình.[7] Phương thức trung gian - một ADR với tiền đề nhằm cung cấp cho các bên liên quan một tiến trình bảo mật, tự nguyện, thích ứng với nhu cầu và lợi ích của các bên và luôn trong tầm kiểm soát của các bên, đã trở thành một giải pháp giải quyết tranh chấp hài hoà, bền vững và hiệu quả.[8] Phương thức trung gian khá độc đáo, bởi nó không ràng buộc, và người trung gian có chức năng thúc đẩy giao tiếp và đàm phán giữa các bên, và không áp đặt phương thức giải quyết tranh chấp đối với các bên.[9]
4. Nhược điểm của phương thức trung gian
Không nên áp dụng phương thức trung gian trong trường hợp tranh chấp chủ yếu xoay quanh vấn đề pháp lí hơn là các sự kiện,[10] hoặc trong trường hợp mà một hoặc cả hai bên sẽ không tham gia với tinh thần xây dựng.[11] Ngoài ra, nếu tranh chấp dựa trên cơ sở hợp đồng thì các bên phải lưu ý đến vấn đề thời hạn. Trong những hợp đồng đơn giản, thời hạn thường là 6 năm kể từ khi vi phạm hợp đồng xảy ra. Nếu bản hợp đồng đã được định sẵn thì thời hạn sẽ là 12 năm. Sẽ là không khôn ngoan nếu bắt đầu phương thức trung gian vào thời điểm mà thời hạn sắp kết thúc. Khi đó, các bên sẽ khó có được sự công bằng trong việc trao đổi quan điểm. Điều này không đến mức quá rõ ràng, tuy nhiên nó cũng thường là yếu tố quan trọng.
Phương thức trung gian được đánh giá là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế có những ưu điểm. Vậy ai có thể sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp này trong hoạt động thương mại quốc tế?
Ví dụ 1: Từ thời thuộc địa, Newland đã là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn cao su thiên nhiên. Những năm gần đây, RichYear Inc., tập đoàn vỏ xe lớn nhất của Richland đã đầu tư những cơ sở sản xuất phụ trợ lớn ở Newland để cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy sản xuất chính lại Richland. Mặc dù tại thời điểm hiện tại quy mô vẫn còn hạn chế nhưng ngành công nghiệp sản xuất vỏ xe của Newland được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Hiện nay Newland vẫn nhập khẩu phần lớn vỏ xe từ Richland và Oldland , hầu hết vỏ xe xuất xứ từ Richland là loại cở xe giá rẻ làm từ cao su nhân tạo và xe xuất xứ từ oldland (Newland trước đây là thuộc địa của Oldland) chủ yếu làm từ cao su thiên nhiên.
Tuyên bố rằng nhằm mục đích hỗ trợ cho ngành sản xuất vỏ xe non trẻ của mình, Newland đánh một khoản thu nhập khẩu đặc biệt là 5$ cho mỗi một vỏ xe nhập khẩu từ Richland . Khoản thu trên không được áp dụng đối với quốc gia khác. Ngoài ra, vỏ xe làm từ cao su nhân tạo phải chịu một khoản VAT là 25% ad valorem trong khi vỏ xe làm từ cao su thiên nhiên chỉ chịu 15% VAT. Từ năm ngoái sau khi phát hiện ra các hành vi tham nhũng của cơ quan hải quan gây thất thoát cho ngân sách tại các cửa khẩu, Newland ra quy định yêu cầu rằng tất cả các vỏ xe phải được nhập khẩu thông qua hai cửa khẩu chính chỉ định duy nhất. Quy định này có một ngoại lệ là không áp dụng với Nearland, một quốc gia có đường biên giới sát với Newland và đang đàm phán để gia nhập WTO.
Richland và Newland xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp này, liệu hai quốc gia này có thể sử dụng phương thức trung gian trong quá trình giải quyết tranh chấp?
Ví dụ 2: Công ty X của nước A bán 500 máy tính cho một hãng Y ở nước B. 40% số máy tính này bị hỏng trong thời gian 6 tháng sử dụng. Người bán đề nghị được thay thế các máy hỏng theo điều kiện bảo hành đã quy định trong Hợp đồng. Vì tỷ lệ hư hỏng cao, người mua muốn hủy Hợp đồng. Hai bên xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp này Công ty X và công ty Y có thể sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp trung gian?
Quan hệ Thương mại quốc tế bao gồm quan hệ giữa các chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động đó cũng như quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Các tranh chấp phát sinh từ đó cũng được phân loại tương ứng và được giải quyết bởi những cơ chế khác nhau. Chủ thể của hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng các phương thức trung gian là các nhà kinh doanh hoặc đại diện ủy quyền, các thương nhân, quốc gia hoặc các tổ chức kinh tế quốc tế... Các chủ thể kinh doanh khi tham gia hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, khi có tranh chấp xảy ra, họ là người đầu tiên có trách nhiệm xử lý, giải quyết.
Quốc gia là chủ thể quan trọng và chủ yếu trong các quan hệ thương mại quốc tế... Quốc gia tham gia với tư cách chủ thể trong hai trường hợp: Một là, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về thương mại. Ví dụ như Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2000, Việt Nam gia nhập WTO năm 2007... Hai là, tham gia các giao dịch thương mại quốc tế với các chủ thể khác (cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài...) với tư cách chủ thể đặc biệt và được hưởng quy chế đặc biệt. Thể hiện ở việc chọn luật áp dụng và quyền miễn trừ tư pháp (Jurisdictional Immunity)[12]. Các vùng lãnh thổ (không có tư cách quốc gia) như Hồng Kông, Ma Cao, hiện nay cũng có vị trí bình đẳng như các chủ thể khác trong quan hệ thương mại quốc tế. Hồng Kông và Ma Cao, cùng với Trung Quốc, đều là các thành viên độc lập của WTO.[13]
Trong hoạt động thương mại của mình, các quốc gia và các thực thể công không thể tránh khỏi những tranh chấp với những quốc gia khác và với các chủ thể khác. Điều này đặt ra câu hỏi về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế mà các chủ thể này có thể áp dụng? Theo quy định của pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp, các quốc gia có thể sử dụng các phương thức phổ biến để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế như: thương lượng, trung gian, hoà giải, trọng tài, tranh tụng trước toà án và sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (DSB).
Trong khuôn khổ WTO, phương thức trung gian là phương thức được quy định chính thức trong hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên. Theo đó, tại Điều 5 Hiệp định DSU[14] quy định: “Môi giới, hòa giải và trung gian là những thủ tục được tiến hành tự nguyện, bí mật và không làm phương hại đến quyền của bất cứ bên nào trong những bước tố tụng tiếp theo. Thủ tục này có thể tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả khi Ban Hội thẩm tiến hành tố tụng nếu các bên tranh chấp đồng ý. Trung gian, hòa giải và môi giới có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào (Điều 5.3 của DSU), nhưng không trước yêu cầu tham vấn và được giữ bí mật. Khi thủ tục môi giới, hòa giải hoặc trung gian được tiến hành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, bên nguyên đơn phải cho phép một thời hạn là 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn trước khi yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tuy nhiên bên nguyên đơn cũng có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm nếu các bên tranh chấp cùng cho rằng môi giới, hòa giải hoặc trung gian không thể giải quyết được tranh chấp”.[15]Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 33, Hiến chương Liên Hợp quốc cũng quy định về phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp trong đó có phương thức trung gian, được đề cập trực tiếp như là những phương thức thường được sử dụng trong hoạt động giải quyết các tranh chấp quốc tế.[16]
Mặc dù được quy định là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại chính thức giữa các quốc gia và các thực thể công. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức trung gian hiếm khi được vận dụng trong các tranh chấp thương mại quốc tế giữa các quốc gia và thực thể công. Thông thường, phương thức này được áp dụng phù hợp hơn trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến môi trường và các vấn đề xung đột chính trị. Trong các tranh chấp thương mại, phương thức này thường được kết hợp với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, nhằm đáp ứng mong muốn của các bên. Điều này có thể được minh họa bởi cơ chế trọng tài - trung gian (mediation-arbitration mechanism).
Thương nhân cũng là một chủ thể phổ biến của các giao dịch kinh doanh quốc tế. Họ tiến hành các hoạt động thương mại như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư FDI... Theo quan điểm của Pháp luật thương mại quốc tế hiện nay, các thương nhân bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp. Khái niệm ‘thương nhân’ được định nghĩa không hoàn toàn giống nhau theo luật quốc gia của các nước. Theo khoản 1 Điều 6 Luật thương mại Việt Nam 2005, ‘Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh’. Theo Điều 1 Luật doanh nghiệp Việt Nam 2015, chủ thể của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp danh, và các doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian gần đây, các công ty đa quốc gia (viết tắt là ‘MNCs’) ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong các giao dịch kinh doanh quốc tế. Các MNCs thể hiện vai trò trung gian dịch chuyển vốn trong quan hệ đầu tư quốc tế[17].
Trong hoạt động thương mại quốc tế của mình, các thương nhân thường xuyên gặp phải những tranh chấp, với đặc trưng là tính pháp lí phức tạp, quá trình giải quyết kéo dài và chi phí rất tốn kém, nếu xảy ra thì thường đem đến những khó khăn to lớn cho các bên tranh chấp. Do đó các thương nhân cần phải cân nhắc về phương thức áp dụng để giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp, tránh tốn kém, giữ được hòa khí nhưng vẫn hiệu quả.
Trong nhiều thế kỷ, cùng với phương thức hòa giải, phương thức trung gian đã được sử dụng như một hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến giữa các thương nhân[18]. Trung gian luôn được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại quốc tế quan trọng và có hiệu quả.
Để trung gian trở thành một phương thức áp dụng hiệu quả giữa các thương nhân. Ở nhiều quốc gia, về mặt lập pháp, trung gian ngày càng được quan tâm thể chế hóa trên cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế. Đây cũng là điều giải thích cho việc ra đời các trung tâm hòa giải/trung gian, chẳng hạn như Trung tâm hòa giải/trung gian Bắc Kinh để giải quyết các tranh chấp thương mại và hàng hải quốc tế…, quy trình trung gian/hòa giải không bắt buộc của Phòng Thương mại quốc tế tại London, Ủy ban quốc gia về thống nhất pháp luật Hoa Kỳ ban hành đạo luật Trung gian/Hòa giải thống nhất năm 2001...
Thực tiễn giải quyết tranh chấp nhiều nước trên thế giới cho thấy việc sử dụng các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế trong đó có phương thức trung gian rất phổ biến. Ví dụ như Philippin, Inđônêsia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canađa… Điều khoản này cũng nhằm khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nghĩa là bằng thương lượng, hòa giải, trung gian trước khi đưa vụ tranh chấp ra trọng tài. Khi đã thương lượng hoặc có trung gian hoà giải thì mối quan hệ giữa các bên sẽ có sự thân thiện. Hình thức của nó cũng linh hoạt và mềm dẻo. Quy trình và thủ tục trung gian cũng rất đơn giản. Trung gian nếu được thực hiện tốt thì sẽ rất nhanh chóng về thời gian và tiết kiệm được chi phí cho các thương nhân.
Có thể thấy các chủ thể trong hoạt động thương mại quốc tế, khi tham gia tranh chấp thương mại quốc tế với nhau đều có thể sử dụng phương thức trung gian. Với những ưu điểm của phương thức này, các thương nhân trong hoạt động giải quyết tranh chấp của mình luôn cân nhắc và lựa chọn. Tuy nhiên, Phương thức trung gian lại không dễ áp dụng đối với giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các quốc gia, bởi tính đặc thù của mối quan hệ này./.
* Lê Đình Quyết[1]
[1] Giảng viên Bộ môn Pháp luật Thương mại đa phương và Đầu tư quốc tế, Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2] Charles Chatterjee và Anna Lefcovitch, Alternative Dispute Resolution: A Practical Guide(2008), tr. 20.
[3] Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tranh tụng trước Toà án.
[4] Hanoi Law University, Textbook International Trade and Business Law, People’s Public Security Publishing House, Hanoi, (2012) (Giáo trình song ngữ Anh-Việt do EU tài trợ trong khuôn khổ dự án EU-Việt Nam MUTRAP III), tr 1001.
[5] Charles Chatterjee và Anna Lefcovitch, Sđd, tr. 70
[6] Hanoi Law University, Textbook International Trade and Business Law, People’s Public Security Publishing House, Hanoi, (2012) (Giáo trình song ngữ Anh-Việt do EU tài trợ trong khuôn khổ dự án EU-Việt Nam MUTRAP III), tr 1002.
[7] Sam Kagel, Kathy Kelly,The Anatomy of Mediation: What Makes It Work(1989), tr. 192
[8] Maureen A. Weston, ‘Checks on Participant Conduct in Compulsory ADR: Reconciling the Tension in the Need for Good- Faith Participation, Autonomy, and Confidentiality’, 76 IND. L.J.591, 592, (2001).
[9] Maureen A. Weston, Sđd, tr. 598.
[10] Nếu một tranh chấp liên quan đến việc giải thích một thuật ngữ trong hợp đồng, một sự vi phạm dẫn đến áp dụng chế tài, và nếu một tranh chấp liên quan đến việc giải thích một văn bản luật, thì không nên sử dụng các phương thức ADR, bởi vì vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết bằng phương thức tranh tụng trước toà án; Xem Charles Chatterjee và Anna Lefcovitch, Sđd, tr. 11
[11] Ví dụ: Một hoặc cả hai bên sẵn sàng nói phóng đại hoặc nói dối người trung gian và không đưa ra cam kết thực tế nào để giải quyết tranh chấp; một trong các bên mong muốn kéo dài quá trình trung gian càng lâu càng tốt.
[12] Xem Hanoi Law University, Textbook International Trade and Business Law, People’s Public Security Publishing House, Hanoi, (2012) (Giáo trình song ngữ Anh-Việt do EU tài trợ trong khuôn khổ dự án EU-Việt Nam MUTRAP III), tr 557.
[13] WTO, http://www.wto.org
[15] Lê Thị Hồng Hải, “Giải quyết tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO”, Khoa Luật, Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật quốc tế; Mã số: 60 38 60 Người hướng dẫn: PGS.TS Hoàng Phước Hiệp, Năm bảo vệ: 2009.
[16] Xem Hiến chương Liên hợp quốc. www.un.org
[17] Xem Hanoi Law University, Textbook International Trade and Business Law, People’s Public Security Publishing House, Hanoi, (2012) (Giáo trình song ngữ Anh-Việt do EU tài trợ trong khuôn khổ dự án EU-Việt Nam MUTRAP III).
[18] Wall và A Lynn, “Trung gian hòa giải: điểm lại hiện trạng” (1993), 37, Nguyệt san gải quyết xung đột, 160-169