GỌI TỔNG ĐÀI HAY TỐ GIÁC KHI GẶP BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Ngày đăng: 14/12/2023

Để hoàn thiện quy định pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình Nghị định số 76/2023/ND – CP (có hiệu lực từ ngày 01/11/2023) hướng dẫn và quy định chi tiết hơn nhiều nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, tiêu biểu là quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình.

Theo Báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thể hiện, trong giai đoạn thi hành luật, các tỉnh thành trên cả nước phát hiện 318.647 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Cũng trong giai đoạn thi hành luật, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 là 19.274 vụ và năm 2020 là 7.831 vụ. Tuy số vụ việc giảm nhưng hậu quả từ việc bạo lực gia đình vẫn đáng báo động, đặc biệt là ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân và gia đình. Theo thống kê của ngành tòa án, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018 TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 1.422.000 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, còn lại hơn 37.400 vụ đang trong quá trình giải quyết

  1. Căn cứ pháp lý

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Trong đó, các hành vi được xem là bạo lực gia đình được quy định cụ thể, chi tiết tại khoản 1 Điều 3 Luật này như sau: (1) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; (2) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; (3) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; (4) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; (5) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; (6) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; (7) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; (8) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; (9) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; (10) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; (11) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; (12) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; (13) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; (14) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; (15) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; (16) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Bên cạnh đó, các hành vi nêu trên mà được thực hiện giữa những người đã ly hôn, người chung sống như vợ chồng; người là cha mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình (khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022).

  1.  Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình
    1. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài

Điều 7 Nghị định 76/2023/ND – CP đã nêu rõ rằng tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài được quy định tại Điều 9 Nghị định này, cụ thể: Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình. Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

    1. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình qua các địa chỉ khác

Các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
  • Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
  • Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Điều 10 Nghị định 76/2023/ND – CP, quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình tại các địa chỉ khác như sau:

Trước tiên, khi tiếp nhận tin báo, tố giác trực tiếp hoặc qua điện thoại thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình. Đối với trường hợp khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tin nhắn, đơn, thư thì người tiếp nhận thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tiếp theo, khi xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ, Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu. Đồng thời, Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo kết quả việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

 

Bài viết cùng danh mục

0947202189