CÁC CAM KẾT VỀ BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ GIỮA VIỆT NAM VÀ EU TRONG KHUÔN KHỔ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO EVFTA VỀ SẢN PHẨM THUỶ SẢN VÀ SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ THUỶ SẢN - MỘT SỐ PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN

Ngày đăng: 19/04/2022

        Tạo sự khác biệt cho sản phẩm dựa trên nguồn gốc địa lý không phải là một trào lưu mới phát triển mà đã có một lịch sử khá dài, đặc biệt là tại các quốc gia Nam Âu. Tên gọi “Parmigiano Reggiano” là một ví dụ nổi tiếng về Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (Protected Designations of Origin, PDO) theo Quy định Hội đồng EC số 510/2006, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 13[2]. Nhưng điểm mới trong những năm gần đây là số lượng sản phẩm có dán nhãn Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ngày càng gia tăng ở châu Âu cũng như trên toàn cầu, ước tính hiện nay trên toàn thế giới có hơn 10.000 Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ Đô la Mỹ[3].   

        Thực tế phát triển trong những năm gần đây đã chứng minh mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với CDĐL. Nếu như trong quá khứ CDĐL là công cụ tạo khác biệt cho sản phẩm được áp dụng chủ yếu ở thị trường châu Âu và cho người sản xuất ở châu Âu, thì gần đây ngày càng nhiều nước đang phát triển phát hiện ra giá trị của công cụ thị trường này và nỗ lực áp dụng cho sản phẩm của họ. Chính vì vậy Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và EU (EVFTA) bảo hộ về chỉ dẫn địa lý đã được đưa ra và là một phần quan trọng trong chương về sở hữu trí tuệ (chương XII).

Khái niệm và một số quan điểm pháp lý về chỉ dẫn địa lý

        Trong Hiệp Định EVFTA chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 6, chương XII, tuy nhiên nội dung của Điều này lại không đưa ra cách hiểu cụ thể về CDĐL. Vậy Chỉ dẫn địa lý là gì? Tại sao cần bảo hộ về chỉ dẫn địa lý?

        TRIPs được coi như hiệp định đa phương đầu tiên đưa ra một định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ CDĐL, theo đó, CDĐL là “ những chỉ dẫn cho biết một sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên, hoặc một vùng, một địa phương trong lãnh thổ đó mà chất lượng, danh tiếng hoặc những tính chất khác của sản phẩm hàng hóa chủ yếu do nguồn gốc địa lý” (TRIPs Điều 22.1). Hơn nữa, TRIPs còn yêu cầu từng thành viên ký kết thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu để bảo hộ CDĐL thông qua pháp luật của quốc gia. Các nước phát triển đã thực thi những yêu cầu của TRIPs vào năm 1996, các nước đang phát triển và đang chuyển đổi thực thi vào năm 2000, còn những nước chưa phát triển hạn cuối phải thực thi là năm 2006[4].

        Tuy nhiên, khi xem xét các khái niệm có liên quan thì TRIPs không phải hiệp định đa phương đầu tiên có quy định tới các vấn đề về chỉ dẫn địa lý. Các hiệp định đa phương khác về sở hữu trí tuệ như Công ước Paris bảo hộ sở hữu công nghiệp từ năm 1883, Hiệp định Madrid về đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu từ năm 1891 và Hiệp định Lisbon bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ từ năm 1958 mặc dù không xử lý thật rõ ràng đối với thuật ngữ CDĐL nhưng lại rõ ràng đối với thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” (Indication of source) hoặc “tên gọi xuất xứ” (TGXX, Appelation of origin, APO).

        Trong 3 khái niệm được nêu trong các văn bản pháp lý, “Chỉ dẫn nguồn gốc” là khái niệm rộng nhất. “Chỉ dẫn nguồn gốc” chỉ yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc xuất phát tại một vùng địa lý nào đó. Như vậy khái niệm này không ám chỉ có mối liên hệ nào giữa vùng địa lý với chất lượng hoặc danh tiếng của sản phẩm, khái niệm chỉ nhằm cho biết thông tin duy nhất về nguồn gốc xuất xứ
của sản phẩm. Điểm này giúp phân biệt định nghĩa của khái niệm “chỉ dẫn nguồn gốc” với hai khái niệm còn lại. Một sản phẩm được dán nhãn CDĐL hoặc TGXX phải có những đặc trưng chất lượng chủ yếu do nguồn gốc địa lý của sản phẩm đó tạo nên. Vì trên một vài phương diện khái niệm TGXX thậm chí còn hẹp hơn cả khái niệm CDĐL nên có thể kết luận rằng tất cả TGXX đều là CDĐL và tất cả CDĐL đều là Chỉ dẫn nguồn gốc. Nhưng không phải tất cả chỉ dẫn nguồn gốc đều là CDĐL tương ứng với TGXX (WIPO 2002). Ở châu Âu, TGXX được bảo hộ (PDOs) và CDĐL được bảo hộ (PGIs) được phân định rất rõ ràng theo quy định của EC Regulation số 510/2006. Những yêu cầu đối với một sản phẩm để trở thành một PDO cao hơn là để trở thành một PGI, vì với PDO tất cả các công đoạn sản xuất phải được tiến hành trong vùng địa lý đã xác định. Trong khi đó đối với PGI thì ít nhất một công đoạn sản xuất phải nằm bên trong vùng đã xác định.

        Không phải chỉ có một định nghĩa duy nhất về CDĐL và không phải chỉ có một cách để bảo hộ CDĐL. Hơn nữa, với nhiều quốc gia khác nhau, có nhiều hệ thống quy định khác nhau về bảo hộ CDĐL[5]. CDĐL có thể được bảo hộ thông qua những phương tiện bảo hộ đặc biệt như PDO/PGI, bảo hộ nhãn hiệu (như ở Mỹ) hoặc thông qua những bộ luật khác đã hiện hữu như luật về hạn chế cạnh tranh không lành mạnh hoặc luật bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đa số các nước phát triển đã có hệ thống luật quy định rất chặt chẽ, các nước đang phát triển thì ngược lại, thường chỉ mới bắt đầu thiết lập hệ thống các quy định để bảo hộ tài sản trí tuệ nói chung và CDĐL nói riêng[6].

Các quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EVFTA

        Chương XII EVFTA tập trung tất cả các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định này. Đây là Chương lớn của EVFTA, với nhiều cam kết tập trung vào 03 nhóm (i) các vấn đề chung; (ii) các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể; (iii) các biện pháp thực thi quyền SHTT.

        Trong nhóm các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể, CDĐL là đối tượng SHTT mà EU đặc biệt quan tâm, do khối này có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng CDĐL. Chính vì vậy, đàm phán nội dung về CDĐL là một trong những phần chiếm nhiều thời gian nhất. Kết quả đạt được, ngoài lời văn về các tiêu chí chung đối với hệ thống đăng ký CDĐL, là hai danh sách CDĐL của hai Bên: 171 CDĐL của EU sẽ được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam sẽ được bảo hộ tại EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, theo Hiệp định, các CDĐL này sẽ được hưởng mức bảo hộ cao, vốn chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của SHTT (Hiệp định TRIPS) của WTO.

        Trong EVFTA, cam kết về CDĐL được quy định khá đặc thù. CDĐL được quy định trong Điều 6 của chương XII về SHTT trong Hiệp định EVFTA. Theo đó, nội dung của Điều khoản này quy định tập trung vào một số nội dung cụ thể:

        Thứ nhất, về đối tượng bảo hộ, trong EVFTA đối tượng bảo hộ được quy định tại Điều 6.1:

“1. Điều này áp dụng cho việc công nhận và bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm được xuất xứ từ các vùng lãnh thổ của các Bên. 2. Chỉ dẫn địa lý của một Bên được bảo vệ bởi Bên kia chỉ phải thực hiện quy định tại Điều này nếu chúng được bảo vệ như chỉ dẫn địa lý thuộc hệ thống như đã nêu trong Điều 6.2 trong lãnh thổ của Bên xuất xứ.”

        Các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 04 nhóm sản phẩm: Rượu vang; Đồ uống có cồn; Nông sản; Thực phẩm. Trên thực tế thì 04 nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý. Việt Nam hiện cam kết bảo hộ 171 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU. Riêng đối với các mặt hàng thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản được Việt Nam đặc biệt quan tâm khi đưa 05 chỉ dẫn địa lý đó là nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long và trai Quảng Ninh  vào bảng cam kết.

       Thứ hai, về cơ chế bảo hộ. Điều 6.2 chương XII, Hiệp định EVFTA quy định:

“1. Mỗi Bên sẽ duy trì hệ thống của mình đối với việc đăng ký và bảo vệ chỉ dẫn địa lý, trong đó phải có ít nhất các yếu tố sau:

(a)  đăng ký niêm yết chỉ dẫn địa lý được bảo vệ tại lãnh thổ của Bên đó;

(b) quá trình hành chính xác định chỉ dẫn địa lý được thêm vào, hoặc duy trì, trên sổ đăng ký nêu tại điểm 1 (a) xác định một mặt hàng có xuất xứ trong một lãnh thổ, vùng, địa phương của một Bên, trong đó chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của mặt hàng đó chủ yếu là do xuất xứ địa lý của nó;

(c) thủ tục phản đối cho phép các lợi ích hợp pháp của bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhên được xem xét;

(d) thủ tục đính chính và chấm dứt các mục trên sổ đăng ký nêu tại điểm 1 (a) xem xét đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba và người nắm giữ quyền của các chỉ dẫn địa lý được đăng ký đang được đề cập.”

        Có thể thấy, tuy không đề cập trực tiếp nhưng EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu thông qua cam kết về quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, hiện cả EU và Việt Nam hiện đều bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo một cơ chế riêng, độc lập với các đối tượng SHTT khác trong khi Hoa Kỳ và một số nước khác lại bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một loại của nhãn hiệu, theo cơ chế bảo hộ chung của nhãn hiệu. Vì vậy cam kết về vấn đề này thực chất là để ràng buộc Việt Nam trong các cam kết, đàm phán sau này liên quan tới chỉ dẫn địa lý với các đối tác khác.

        Thứ ba, về mối quan hệ với nhãn hiệu, Điều.6.7 của EVFTA quy định mối quan hệ giữa nhãn hiệu hàng hóa và bảo hộ CDĐL chỉ đơn giản bằng cách chỉ ra rằng chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa nộp hồ sơ hoặc đăng ký trước khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP  đối với một CDĐL cụ thể thì có thể tiếp tục sử dụng nhãn hiện đó. Điều này có nghĩa là EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với CDĐL nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm EVFTA có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Điều này khác biệt so với cách tiếp cận của Hoa Kỳ, theo quan điểm của Hoa Kỳ thì CDĐL được hiểu như là một nhãn hiệu. Hàng hóa sản xuất ra có CDĐL không nhất thiết phải được sản xuất gắn với một vùng miền hoặc khu vực nào cụ thể. Đây là lý do tại sao nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc có thể được đăng ký và bảo hộ tại Hoa Kỳ trong khi nước mắm này không được sản xuất tại Phú Quốc.

        Thứ tư, về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Chương 12 EVFTA có 02 Phụ lục GI-I và GI-II trong đó liệt kê 171 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ) mà hai Bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… theo quy trình thông thường. Theo cam kết tại EVFTA thì Danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về SHTT (trong đó có chỉ dẫn địa lý) của EVFTA. EVFTA thậm chí còn có các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm được liệt kê này (ví dụ chủ thể quyền phải được phép ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ nước xuất xứ được liệt kê, ngăn cản việc sử dụng các thiết kế hoặc trình bày theo bất kỳ cách nào khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó…)

        Thứ năm, về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo EVFTA, Việt Nam và EU phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là 04 nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh (rượu, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm) bảo đảm các yêu cầu:

  • Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình
  • Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phảm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó;
  • Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe;
  • Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền.

        Thứ sáu, về việc thực thi. Theo quy định của EVFTA, việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 6.8 chương XII.

“Điều 6.8 – Thực thi bảo vệ

1. Mỗi Bên quy định về thực thi bằng biện pháp hành chính thích hợp, trong phạm vi được quy định bởi pháp luật nước mình, để ngăn cấm một người sản xuất, pha chế, đóng gói, dán nhãn, bán hoặc nhập khẩu hoặc quảng cáo một mặt hàng thực phẩm một cách sai trái, gây nhầm lẫn hoặc có khả năng để tạo ra một ấn tượng sai lầm về nguồn gốc của nó

2. Mỗi Bên sẽ ít nhất là thực thi bảo hộ quy định tại Điều 6.5. và 6.7 theo yêu cầu của bên liên quan.”

        Theo đó, EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của thực phẩm. EVFTA đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại. Bên cạnh đó, trong cam kết không có quy định chi tiết mức phạt hay chế tài nào đối với các hành vi vi phạm, mà EVFTA vẫn để các bên tự thực thi xử phạt bằng các biện pháp hành chính thích hợp đối với các hành vi xâm phạm, gây nhầm lẫn sai lệch về nguồn gốc của sản phẩm.

        Nhìn chung, trái ngược với hầu hết các lĩnh vực khác trong sở hữu trí tuệ, vấn đề CDĐL được EVFTA xử lý một cách rất khác. Điều này tương ứng với một phương thức tiếp cận và quan điểm đa dạng đối với CDĐL của châu Âu, nơi khởi xướng chủ yếu của CDĐL, trái ngược với Mỹ, Canada và Australia, các quốc gia có truyền thống ủng hộ hạn chế hơn đối với sự bảo hộ mạnh mẽ cho CDĐL.

        Mặt khác, phạm vi và mức độ chi tiết của Điều 6/ EVFTA có thể đòi hỏi Việt Nam thực hiện một số sửa đổi về pháp luật và thể chế. Lấy ví dụ như Điều 6(3) và 6(4) đưa ra một danh mục các CDĐL nằm trong Phụ lục GI-I, Phần A và B, mà các Bên phải công nhận và bảo hộ. Danh mục này có thể được điều chỉnh kịp thời bằng cách bổ sung CDĐL (theo thủ tục không phản đối) hoặc loại bỏ CDĐL (do chúng không còn được bảo hộ tại quốc gia xuất xứ). Nội dung Điều 6.5(1) và (4) dựa trên Điều 22 và 23 của Hiệp định TRIPS và do vậy đã được lồng ghép trong Luật của Việt Nam (xem Điều 79 và 80 Luật sở hữu trí tuệ). Tuy nhiên, đoạn (2) và (3) tạo ra một hệ thống mới điều chỉnh việc sử dụng các GI và các tên đồng âm. Trong Luật Việt Nam chưa có một hệ thống như vậy và nó cần phải được thiết lập. Những cân nhắc tương tự đối với nội dung của Điều 6.5(5).

        Điều 6.5(a) quy định một số ngoại lệ mới có liên quan tới những CDĐL cụ thể của EU được liệt kê trong Phụ lục GI-I. Đặc biệt, những đối tượng sử dụng trung thực của Việt Nam đã dùng những dấu hiệu giống hệt với các CDĐL kể trên có thể tiếp tục sử dụng chúng tại Việt Nam với một số điều kiện nhất định. Cũng trong trường hợp này, hệ thống sẽ cần phải được tạo lập. Ngoài ra, tên người tương ứng với các GI có thể được sử dụng trong kinh doanh trừ khi chúng gây hiểu nhầm cho công chúng.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA đối với sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản

1. Thực trạng, thách thức và nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ về CDĐL cho các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam  

        Việt Nam là nước nông nghiệp có thiên nhiên ưu đãi, do đó các đặc sản của địa phương chủ yếu là nông sản, trong đó có nhiều đặc sản quý đã được bảo hộ CDĐL như: Bưởi năm roi, Hoa Đà Lại, nước mắm Phú Quốc.... Tuy nhiên, đối với mặt hàng thủy sản và chế biến thủy sản việc bảo hộ sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế so với các sản phẩm nông sản khác. Cho đến nay, chỉ có một số sản phẩm thủy sản được bảo hộ như: Ốc hương Khánh Hòa, tu hài, sá sùng Vân Đồn, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Nha Trang, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long, chả cá Thát Lát Hậu Giang, tôm khô Vĩnh Kim… Các sản phẩm được chế biến từ các loài nuôi chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm... vẫn chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ về CDĐL. Đây là 1 trong những điểm hạn chế lớn về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam[7].

        Các hộ sản xuất thủy sản nhỏ lẻ chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của bảo hộ sở hữu trí tuệ, do đó chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu thủy sản lớn mới chỉ tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu của sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi các hàng rào kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc, sự đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nạn hàng giả ngày càng nhiều do tư thương hám lợi trà trộn hàng kém chất lượng làm giảm giá trị và uy tín của các sản phẩm... 

        Có thể thấy, thủy sản Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc thù như: Cá tra, tôm sú, cá ngừ, ốc hương, sò điệp..., với công nghiệp chế biến hiện đại phục vụ cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, đòi hỏi của người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng cao, đặc biệt là yêu cầu về bảo đảm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay, gần 90% sản phẩm nông sản Việt Nam chưa được bảo hộ, bao gồm cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu dưới dạng nhãn hiệu của nước ngoài. Một số thương hiệu Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài. Điển hình như vụ nước mắm Phú Quốc phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được. Do đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm thủy sản là rất cần thiết và cấp bách.

2. Vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA đối với sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản

        Đối với Việt Nam, việc 39 CDĐL được bảo hộ tại một thị trường xuất khẩu quan trọng với 28 quốc gia thành viên mà không phải tốn chi phí đăng ký có nhiều ý nghĩa. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các CDĐL dùng cho sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thủy sản và sản phẩm chế biến từ thủy sản khác. Trong Phụ lục GI - I phần B, EU đã cam kết bảo hộ CDĐL đương nhiên đối với 05 mặt hàng thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản của Việt nam đó là nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long và trai Quảng Ninh. Bên cạnh đó, việc quy định về nguyên tắc, thủ tục đăng ký bảo hộ CDĐL địa lý đơn giản hơn theo quy định của Điều 6 chương XII Hiệp định EVFTA cũng đã tạo một cơ hội bảo hộ lớn về CDĐL đối với các mặt hàng thủy sản và chế biến thủy sản tại thị trường châu Âu.

        Đối với EU, Việt Nam cam kết bảo hộ 171 CDĐL, tuy nhiên lại tập trung chủ yếu vào các sản phẩm rượu vang, đồ uống có cồn và các thực phẩm[8] do đó việc bảo hộ CDĐL đối với sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của EU tại thị trường Việt Nam không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, việc cấp CDĐL cho các sản phẩm từ EU không có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam hay phân khúc thị trường của các doanh nghiệp Việt. Bởi thương hiệu hàng hóa được cam kết trong Hiệp định EVFTA của EU vốn đã nổi tiếng ở thị trường Việt Nam, và bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể sản xuất những mặt hàng tương tự với mục đích tiêu dùng và chất lượng tương tự. Vì vậy, khi nghiên cứu về các cam kết về bảo hộ CDĐL giữa Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EVFTA về sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, tác giả sẽ đánh giá chủ yếu từ góc độ lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được.

2.1. Chỉ dẫn địa lý - Thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường EU

        Hầu hết các CDĐL mà EU sẽ bảo hộ cho Việt Nam là các sản phẩm nông sản, chủ yếu là sản phẩm nông sản nhiệt đới. Trong khi đó, châu Âu chủ yếu sản xuất các sản phẩm ôn đới nên tiềm lực xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đối với các sản phẩm này là có thể thấy rõ. Việc được công nhận bảo hộ CDĐL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những mặt hàng xuất khẩu này. Lợi ích xuất khẩu đạt được đó là sự thông quan dễ dàng, bởi lẽ Hải quan ở các nước châu Âu thường “thông thoáng” hơn với các sản phẩm mang CDĐL, bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng châu Âu muốn sử dụng các sản phẩm uy tín và chất lượng tốt nên các sản phẩm nông sản gắn với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng được chấp nhận trên thị trường.

        Một số mặt hàng thủy sản như Chả mực Hạ Long, Trai Quảng Ninh, mắm tôm Hậu Lộc... đều thuộc danh sách 39 sản phẩm được EU bảo hộ CDĐL khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Nếu biết cách tổ chức chuỗi sản xuất bền vững với chất lượng ổn định và đồng đều, đây sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU. Có thể thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là công cụ hiệu quả đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ tên tuổi, lợi ích kinh tế của quốc gia, lợi ích thương mại của cộng đồng và doanh nghiệp và nâng cao giá trị cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

2.2. CDĐL tạo ra giá trị tăng và làm tăng sức mạnh cạnh tranh cho hàng thuỷ sản và các sản phẩm chế biến từ thuỷ sản trên thị trường EU

        Thực tế đã chứng minh rằng hàng nông sản nói chung và hàng thủy sản nói riêng, khi bán ra thị trường, sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ sẽ được bán với giá cao hơn hẳn giá trị của những sản phẩm không có thương hiệu. Đặc biệt ở châu Âu, người tiêu dùng có thu nhập cao chiếm đa số, họ không chỉ sẵn sàng trả tiền cho giá trị sản phẩm mà còn sẵn sàng trả tiền cho sự hài lòng của mình khi mua được sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ.

        Bảo hộ CDĐL được coi như là giấy chứng nhận đảm bảo cho chất lượng của mặt hàng thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản, điều này đồng nghĩa với uy tín của doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này sẽ được nâng cao tại thị trường của EU. Thủy sản và các mặt hàng chế biến từ thủy sản được bảo hộ về CDĐL sẵn sàng tạo được lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả của sản phẩm mà họ tiêu dùng, khuyến khích tâm lý tiêu dùng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc, đặc biệt ở tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao. Vì vậy trên thị trường, dù có nhiều sản phẩm cùng loại, cùng công dụng, nhưng sản phẩm có bảo hộ CDĐL vẫn dễ dàng được người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận. Từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản, đáp ứng được nhu cầu, tâm lý tiêu dùng hàng chất lượng, có danh tiếng, có thương hiệu nổi tiếng và nguồn gốc xuất xứ.

2.3. Vai trò của bảo hộ CDĐL với doanh nghiệp sản xuất và chế biến thuỷ sản

        Bảo hộ CDĐL là một quyền về sở hữu trí tuệ, nó là tài sản vô hình, thậm chí vô giá, góp phần quan trọng tăng thu lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai bằng những giá trị tăng thêm của hàng hóa. Bảo hộ CDĐL đối với các mặt hàng thủy sản giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo ra và củng cố lòng trung thành của khách hàng truyền thống, giúp doanh nghiệp duy trì lượng khách hàng, đồng thời thu hút thêm các khách hàng mới, các khách hàng tiềm năng trên thị trường EU. Thực tế cho thấy người tiêu dùng thường bị lôi kéo, chinh phục bởi những hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng, được ưa chuộng và ổn định.

        Bảo hộ CDĐL còn giúp các doanh nghiệp giảm các khoản chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, maketing. Thực chất việc được bảo hộ CDĐL cũng chính là một công cụ maketing, xúc tiến thương mại hữu hiệu của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, Bảo hộ CDĐL giúp các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh, có điều kiện phòng thủ và chống lại các đối thủ khác tại thị trường EU.

Những thách thức đối với hàng thủy sản và hàng chế biến từ thủy sản của Việt Nam và một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của bảo hộ CDĐL tại thị trường EU

1. Thách thức

        Thứ nhất, EU là một thị trường khó tính, chọn lọc với những yêu cầu nghiêm ngặt với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm cao. Do đó, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng, xuất phát từ các rào cản TBT, SPS và yêu cầu của khách hàng. Các cam kết  về bảo hộ CDĐL trong EVFTA ở mức cao hơn Hiệp định TRIPs trong WTO. Đây là một thuận lợi nhưng cũng là một khó khăn cho Việt Nam, với nhiều sản phẩm thủy sản nổi tiếng và đặc thù, Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần khuôn khổ chính sách quản lý tốt và các chủ sở hữu CDĐL cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực marketing, thương mại.

        Sau khi được công nhận, chỉ dẫn địa lý cần được quản lý và kiểm soát chất lượng. Nói cách khác, kiểm soát chất lượng đối với các chỉ dẫn địa lý là một phần của quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đảm bảo cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý phát huy hiệu quả. Đảm bảo quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý là một việc làm cấp thiết. Một thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng làm giả các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ngày càng nhiều. Giá trị truyền thống của sản phẩm sau khi được đăng ký tạo ra hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt nên mức độ làm giả cũng gia tăng, gây ra thiệt hại kinh tế cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm ở địa phương. Trong khi nước mắm Phú Quốc của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng thì vẫn đang tồn tại loại nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và tình hình sản xuất kinh doanh của sản phẩm này. Tình trạng làm giả các sản phẩm nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ là rất nguy hiểm. Sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một sự đảm bảo và là một công cụ quảng bá hữu hiệu. Tuy nhiên, tất cả những công lao tạo dựng đó sẽ bị giảm tác dụng vì hàng giả và hàng giả làm mất niềm tin của khách hàng về những loại sản phẩm đáng tự hào này. Chính thực tế này đặt ra yêu cầu phải thiết lập hệ thống quản lý, kiểm soát các CDĐL nhằm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và khả năng truy xuất sản phẩm.

        Thứ hai, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó, liên quan trực tiếp với lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chúng ta có thể thấy hệ thống quản lý CDĐL của Việt Nam còn nhiều yếu kém, năng lực và vai trò của các tổ chức tập thể còn hạn chế. Mô hình tổ chức quản lý và kiểm soát lỏng lẻo khiến cho nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi.Trong khi EU và Việt Nam đang thiếu các cơ sở pháp lý điều chỉnh bao quát, cần thiết phải đi đến một hệ thống chung về hệ thống đăng ký và quy trình thẩm định. Vấn đề cốt lõi của việc khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý là phải kiểm soát tốt đối với tài sản này. Do đó xây dựng hệ thống quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý hiệu quả đang là yêu cầu quan trọng của công tác quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay.

        Việc nhận thức, cũng như quản lý hiệu quả các tài sản này còn nhiều bất cập: thiếu các hoạt động quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, thiếu hệ thống cơ quan, tổ chức kiểm soát về chỉ dẫn địa lý, nhất là về kiểm soát chất lượng sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Do đó, mong muốn mang lại những giá trị thương mại cao cho các nhà sản xuất, cũng như đem sản phẩm có chất lượng mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đến với người tiêu dùng vẫn còn hạn chế.

        Trước một thị trường khó tính như EU, biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm của EU về hệ thống này là rất đáng nghiên cứu và học tập. Chỉ có như vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa của Việt Nam mới có thể vượt qua “rào cản kỹ thuật” vào các nước phát triển như EU và “vươn tầm” quốc tế.

        Thứ ba, để tận dụng được các quy định về bảo hộ CDĐL trong EVFTA, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng để xây dựng phát triển một nguồn luật chung điều chỉnh các vấn đề về Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các điều chỉnh và thay đổi trong việc bảo hộ CDĐL. Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu một nguồn lực lớn để triển khai các hoạt động đó. Các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Thêm vào đó, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị hoãn hay bỏ dở.

        Thứ tư, nhu cầu sử dụng CDĐL bị tự hạn chế trong quá trình gia nhập thị trường mới: Các CDĐL được bảo hộ ở Việt Nam chưa trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường vì các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng và đặt đúng tầm. Đa số các CDĐL ở Việt Nam còn khá mơ hồ và kém nổi, thậm chí là không ai biết trên thị trường EU rộng lớn. Các hoạt động khai thác chỉ mang tính lý thuyết mà không đi vào thực tiễn đặt ra thêm sức nặng, chèn ép gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam khi muốn tiêu thụ được các sản phẩm nông sản.

        Sử dụng CDĐL mới mang tính khuyến khích. Thực tế, không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng. Trước kia Việt Nam có rất nhiều sản phẩm có danh tiếng nhưng chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ vi phạm làm giả, nhái sản phẩm. Hơn thế nữa, phải có đăng ký chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm mới dễ dàng được phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu cao, tiếp cận được những thị trường khó tính. Chính vì chưa nhận thức đúng đắn được vai trò của CDĐL như vậy mà việc sử dụng CDĐL trên các sản phẩm mới chỉ dừng ở sự khuyến khích gắn liền với sự đánh dấu về nguồn gốc xuất xứ mà không liên quan nhiều đến chất lượng, danh tiếng hay đặc trưng sản phẩm.

        Nhìn chung, những khó khăn trong việc bảo hộ CDĐL ở Việt Nam hiện nay là không có quy định cụ thể về quản lý chỉ dẫn địa lý ở cấp độ Trung ương (cấp quyền, kiểm soát, quy hoạch vùng bảo hộ…), thiếu cơ sở pháp lý trong kiểm soát sử dụng CDĐL (chưa rõ nội dung kiểm soát, kiểm soát như thế nào, ai là người kiểm soát). Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường, việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Do đó, cần phải có tầm nhìn quản lý toàn diện ngay từ khâu soạn thảo đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho đến khâu quản lý kiểm soát hậu đăng ký.

2. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của bảo hộ CDĐL tại thị trường EU[9]

2.1  Kiểm soát chất lượng và đảm bảo sản phẩm từ các chỉ dẫn địa lý

        Để một chỉ dẫn địa lý có thể được phát triển và được tin tưởng cần có sự kiểm chứng về mặt chất lượng. Trên thực tế, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý đối với mặt hàng thủy sản và chế biến từ thủy sản còn bất cập, thiếu hoạt động quảng bá, do đó cần làm tốt hơn hoạt động kiểm soát chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý. Trước một thị trường khó tính, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ Châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.

        Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang chỉ dẫn địa lý. Theo kinh nghiệm của EU, để quản lý hiệu quả một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ và bảo hộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp - quản lý tự động, hiệp hội ngành hàng - kiểm soát trong và cơ quan quản lý địa phương - kiểm soát ngoài. Hơn nữa, cần tổ chức một cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập tại địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan trong việc chứng nhận chất lượng của hệ thống quản lý này.

        Mặt khác, để kiểm soát chất lượng đối với mặt hàng thủy sản và chế biến từ thủy sản Việt Nam cần xây dựng hệ thống các văn bản làm cơ sở pháp lý và các phương tiện phục vụ công tác kiểm soát chất lượng. Xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản pháp quy, quy định cũng là một nội dung không thể thiếu để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát. Các văn bản điều chỉnh hệ thống kiểm soát chất lượng các chỉ dẫn địa lý gồm có: Các quy chế, điều lệ của Cơ quan Quản lý chỉ dẫn địa lý, Cơ quan Kiểm soát chất lượng và của Tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Các điều kiện và thủ tục trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu; Các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình sản xuất áp dụng thống nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý…

        Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, kiểm soát chất lượng và tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh cần phối hợp xây dựng, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là hệ thống tem, nhãn, bao bì nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

2.2. Nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý

        Để nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với hàng thủy sản và chế biến từ thủy sản, tác giả xin đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

        Thứ nhất, Cần xây dựng hệ thống pháp lý cấp độ quốc gia hình thành các quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, nhà nước vẫn giữ vai trò lớn trong việc kiểm soát CDĐL. Cơ chế kiểm soát CDĐL còn lỏng lẻo và thiếu kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, Nhà nước cần ban hành các quy định chặt chẽ về hệ thống kiểm soát, từ trung ương đến các địa phương. Đặc trưng của hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý không chỉ ở bước sản xuất và chất lượng sản phẩm, mà còn bao gồm hoạt động quản lý kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, khâu kiểm soát ngoại vi rất quan trọng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần huy động sức mạnh của các tổ chức tập thể và cá nhân liên quan. Mỗi chỉ dẫn địa lý cần có tổ chức tập thể đứng ra, quản lý và phát triển CDĐL.

        Tiếp theo, cơ chế kiểm soát cần bắt đầu từ những bước đầu của sản phẩm có CDĐL: sản xuất, chế biến, đóng gói, thương mại. Khâu kiểm soát sẽ bao gồm từ việc sản xuất đến sau khi sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt trong trường hợp thị trường xuất hiện những sản phẩm nhái, kém chất lượng. Các doanh nghiệp sẽ báo cáo lên hiệp hội, hoặc hiệp hội sẽ thực hiện rà soát định kỳ hoặc bất chợt, sau đó sẽ ra hình thức xử lý, đưa lên cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn. Việc khuyến khích hình thành các hiệp hội tổ chức đại diện cho CDĐL sẽ khiến sự kiểm soát với các sản phẩm mang CDĐL được chặt chẽ hơn, qua cơ chế kiểm soát nội bộ, giảm thiểu gánh nặng cho các cấp ở trên.

        Để một sản phẩm ra thị trường cần có những quy trình chứng nhận, tương ứng với sản phẩm đó: như sản phẩm thủy sản sẽ có quy trình chứng nhận riêng. Bắt đầu từ khâu sản xuất sẽ phải có các tiêu chí chất lượng tương ứng với chất lượng CDĐL, chế biến , tem mác, kiểm tra chất lượng và phân phối ra thị trường. Việc hình thành cơ chế kiểm soát như vậy sẽ giữ vững chất lượng cũng như quản lý các chỉ dẫn địa lý sát sao hơn, phòng tránh những rủi ro khác

        Thứ hai, cần có các biện pháp cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Doanh nghiệp và người dân thường quen sản xuất theo phương thức nhỏ và phương thức sản xuất truyền thống, do vậy chúng ta cần có biện pháp để thúc đẩy người dân sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên thị trường, cụ thể:

  • Xây dựng dấu hiệu nhận diện chung với chỉ dẫn địa lý[10]. Chỉ dẫn địa lý cần có một logo để phân biệt và khẳng định đặc trưng cũng như giá trị. Do vậy, Việt Nam nên thiết lập logo cho những chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt trong bối cảnh đưa chỉ dẫn địa lý vào thị trường khó tính là EU , thì logo chỉ dẫn địa lý Việt Nam càng quan trọng, để mang lại sự chuyên nghiệp và giá trị cao cho sản phẩm. Do vậy, tác giả để xuất các hiệp hội quản lý chỉ dẫn địa lý cần lưu ý đến vấn đề nhận diện chung với chỉ dẫn địa lý. Và việc sử dụng những logo đó trên sản phẩm sẽ phải mang tính bắt buộc.
  • Giới thiệu, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý. Đại đa số người tiêu dùng mua sản phẩm dựa vào cảm quan, kinh nghiệm vốn có, từng thử dùng, hoặc tin tưởng người quen giới thiệu, nhất là với mặt hàng thủy sản và chế biến từ thủy sản. Để một chỉ dẫn địa lý dần quen thuộc với người tiêu dùng, Việt Nam cần có các hình thức định hướng tâm lý khách hàng. Sau khi những sản phẩm mang CDĐL có những dấu hiệu nhận diện, việc xác định rằng những sản phẩm có dấu hiệu như vậy sẽ gắn với chất lượng như thế nào là cần thiết. Những doanh nghiệp cần chủ động mang sản phẩm tới tay khách hàng, tổ chức những chương trình bày bán sản phẩm với mức giá chiết khấu cao hơn so với giá thông thường để kích cầu, để khách hàng có cơ hội dùng thử sản phẩm. Bên cạnh đó có những kế hoạch truyền thông: như video về nguồn gốc xuất xứ, đặc trưng của sản phẩm không thể trộn lẫn gắn với riêng CDĐL ấy...Từ đó, gián tiếp hay trực tiếp, khách hàng có thể phân biệt được chất lượng của một sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và một sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, về phía các cơ quan quản lý hay kiểm soát CDĐL cần có những thông báo đối với CDĐL đã đăng ký, để gây dựng sự tin tưởng đối với người tiêu dùng. \
  • Thúc đẩy hình thành kênh phân phối đối với sản phẩm thủy sản và chế biến từ thủy sản mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường EU. Việc phân phối cần tiến hành có sự thống nhất giữa các khâu: từ sản xuất, trung gian (đại lý, đầu mối), bán buôn bán lẻ rồi tới tay người tiêu dùng. Chúng ta cần tiến tới một kênh phân phối mang tính chuyên nghiệp cao. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang có một quy trình phân phối rất chuyên nghiệp: từ các trang trại sản xuất, có công ty đóng gói và chế biến sản phẩm, sau đó chuyển lên những đại lý độc quyền của công ty và cả những đại lý bán lẻ thông thường. Như vậy, các doanh nghiệp có sản phẩm mang CDĐL cần thúc đẩy một kênh phân phối mang tính chuyên nghiệp, để đưa sản phẩm gần nhất với khách hàng. Việc khách hàng tiếp cận sản phẩm dễ như thế nào cũng tỷ lệ thuận với việc sản phẩm sẽ có mức độ phủ rộng cao và được sử dụng nhiều.
  • Thúc đẩy kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm. Song song với các khâu chuẩn bị như sản xuất, tem mác và phân phối, thì kiểm soát và xử lý vi phạm cần được chú trọng. Kiểm soát thị trường tạo môi trường kinh doanh lành mạnh , đem lại sự an tâm của người tiêu dùng. Khi một CDĐL được tin dùng nhiều trở nên nổi tiếng, thì các nguy cơ có thể xảy ra là in tem giả hoặc sử dụng dấu hiệu CDĐL trái phép, hoặc sử dụng CDĐL có dấu hiệu gần như tương đồng gây nhầm lẫn cho người mua hàng, người sử dụng và thậm chí là cả đại lý bán lẻ.

        Trước đây, kiểm soát thị trường thuộc về quyền hạn và trách nhiệm của hiệp hội, hợp tác xã liên quan và từ mỗi cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý ấy. Tuy nhiên, cách làm này còn có nhiều bất cập. Do đó, thay vì để các cá nhân, doanh nghiệp báo lên về các trường hợp vi phạm thì hiệp hội, hợp tác xã có chỉ dẫn địa lý nên chủ động tiến hành kiểm tra rà soát định kỳ và đột xuất. Khung xử lý vi phạm được công khai và xử lý nghiêm.

        Thứ ba, xây dựng mô hình quản lý phù hợp với đặc trưng điều kiện hàng thủy sản và chế biến từ thủy sản. Mỗi sản phẩm sẽ có đặc trưng riêng: như mặt hàng nông sản, mặt hàng thực phẩm đóng gói... do đó, việc xây dựng mô hình quản lý để phù hợp với từng sản phẩm là rất cần thiết. Quy mô về sản phẩm nên được xác định từ ban đầu, mặt hàng nào có tiềm năng và có thể phát triển ở mức rộng hơn, quy trình chế biến sẽ cần những bước như thế nào. Sau đó là đối tượng tham gia vào hoạt động sản xuất. Đối tượng ở đây có thể là các doanh nghiệp, hoặc các hộ kinh doanh tư nhân. Cụ thể là hiệp hội quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ cho phép doanh nghiệp và cá nhân sản xuất sản phẩm và được sử dụng chỉ dẫn đó, tuy nhiên, cần để ra các điều kiện cụ thể với sản phẩm. Bước tiếp theo là sẽ định hình sản phẩm rõ ràng. Ví dụ một sản phẩm có CDĐL là Mắm tôm Hậu Lộc thì cần đảm bảo các tiêu chí: chất lượng, nguồn gốc, dấu hiệu đặc trưng cho sản phẩm mắm tôm này là gì, quy trình sản xuất một sản phẩm ra sao. Khi có những điều kiện định hình sản phẩm, thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý sản phẩm đó.

        Một  CDĐL cần có một tổ chức tập thể tham gia vào quá trình quản lý CDĐL. Chúng ta cần linh hoạt trong việc sử dụng các tổ chức tập thể, có thể là hiệp hội, hội hoặc là hợp tác xã. Nhưng Nhà nước vẫn có vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát CDĐL, bao gồm khâu kiểm soát các hiệp hội, thị trường cho sản phẩm và khâu phân phối sản phẩm mang CDĐL./.

 

* Lê Đình Quyết[1]


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA);

2. Tăng Văn Bền, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (Bộ Thương Mại 2004), Thương hiệu và bảo hộ thương hiệu của hàng hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phạm Thị Thanh Bình, “Đặc điểm thị trường nhập khẩu thuỷ sản EU”, đăng tải tại: http://www.cpv.org.vn, ngày 01/11/2011.

4. Hùng Cường, “Thuỷ sản Việt Nam: Đã đến lúc cho thương hiệu tập thể”, www.baomoi.com, ngày 20-09-2011;

5. Lê Thị Thu Hà, “Quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam nhìn từ góc độ kinh nghiệm của cộng hoà Pháp”, http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/quan-ly-chi-dan-dia-ly-o-viet-nam-nhin-tu-goc-do-kinh-nghiem-cua-cong-hoa-phap/1399.html.

6. “8 nhóm giải pháp phát triển ngành thủy sản đến năm 2020”, đăng tại: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=0&cn_id=48295

7. Trương Thị Thúy Bình (2014), “Một số giải pháp phát triển thương hiệu cho hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Thương mại, số 7 (2/2014).

8.  Các website:

  - www.vasep.com.vn

  - www.moit.gov.vn

  - www.trungtamwto.vn

  - www.moj.gov.vn

  - www.vnep.org.vn

 

[1] Giảng viên, Bộ môn Pháp luật thương mại đa phương và đầu tư quốc tế, Khoa pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[5] Thevenod-Mottet 2006; WTO 2004

[6] Van Caenegem 2004; Josling 2006

[7] Tăng Văn Bền, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (Bộ Thương Mại 2004), Thương hiệu và bảo hộ thương hiệu của hàng hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

[8] Xem Phụ lục GI – I, chương XII, Hiệp định EVFTA

[9] “8 nhóm giải pháp phát triển ngành thủy sản đến năm 2020”, đăng tại:

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=0&cn_id=48295

[10] Lê Thị Thu Hà, “Quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam nhìn từ góc độ kinh nghiệm của cộng hoà Pháp”, http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/quan-ly-chi-dan-dia-ly-o-viet-nam-nhin-tu-goc-do-kinh-nghiem-cua-cong-hoa-phap/1399.html.

Bài viết cùng danh mục

0947202189