Ngày đăng: 19/04/2022
Điều 2 (8) của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký ngày 14 - 7 - 1967 quy định: "Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các cuộc biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; các khám phá khoa học; các kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và các tên thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền khác nảy sinh từ kết quả của hoạt động trí tuệ thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghiệp". Từ khái niệm trên, sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm: sở hữu công nghiệp bảo hộ các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định; và quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và những sáng tạo trong lĩnh vực quyền kế cận hay được gọi là quyền liên quan.
Trong nền kinh tế tri thức, khái niệm sở hữu trí tuệ được mở rộng không chỉ là sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, mà theo nghĩa rộng, còn là những đăng ký, thương hiệu, quảng cáo, các dịch vụ tài chính, cố vấn cho các xí nghiệp, thị trường tài chính, y tế (kiến thức y học), giáo dục và khoa học, công nghệ; các thư viện, ngân hàng dữ liệu điện tử, các sản phẩm nghe nhìn và các trò chơi video; công nghệ sinh học, các thư viện và ngân hàng dữ liệu truyền thông, công nghiệp dược phẩm.
Ở Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Song, ý tưởng về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 (Điều 10, 12, 13). Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và bảo đảm quyền tư hữu tài sản cùng quyền lợi của trí thức. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, được sửa đổi năm 2009. Đặc biệt, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới thì thực tiễn đặt ra những vấn đề bức bách đòi hỏi phải giải quyết trước áp lực trong và ngoài nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo có giá trị của công dân. Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Bơn (Bern) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Rô-ma (I-ta-li-a) năm 1961.Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ)[2].
Trên thực tế, giá trị của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và tiềm năng của nó để tạo ra các cơ hội cho lợi ích trong tương lai thường không được các doanh nghiệp Việt Nam[3] đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ pháp lý và nhu cầu về sản phẩm và/ hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tồn tại trên thị trường, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành tài sản kinh doanh có giá trị. Quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra thu nhập cho các doanh nghiệp thông qua hoạt động li-xăng, bán hoặc thương mại hóa các sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể nâng cao giá trị và trị giá doanh nghiệp trong mắt của nhà đầu tư và các tổ chức tài chính.
Trong trường hợp bán, sáp nhập hoặc mua lại, tài sản trí tuệ có thể làm tăng đáng kể giá trị doanh nghiệp và đôi khi, đó chính là tài sản đầu tiên và thực sự có giá trị. Do đó, chiến lược sử dụng tài sản trí tuệ có thể nâng cao căn bản tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp phải chắc chắn rằng họ sẵn sàng đối mặt với thách thức và áp dụng các biện pháp khai thác tài sản trí tuệ và bảo hộ chúng bất cứ ở đâu. Giống như tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ phải đạt được và duy trì, được tính toán, định giá, giám sát chặt chẽ và quản lý cẩn thận nhằm có được nhiều giá trị nhất. Tuy nhiên, trước khi việc này được thực hiện, trước tiên các doanh nghiệp phải nhận thức được giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và bắt đầu nhìn nhận chúng như một tài sản kinh doanh có giá trị[4].
Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia thành 2 loại: tài sản hữu hình - bao gồm nhà xưởng, máy móc, tài sản tài chính và cơ sở hạ tầng, và tài sản vô hình - được tính từ nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật đến các ý tưởng, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác có được từ năng lực đổi mới và sáng tạo của công ty. Theo truyền thống, tài sản hữu hình là tài sản chính của công ty và có ý nghĩa quyết định khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tình hình đã thay đổi đáng kể. Thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự tăng trưởng của nền công nghiệp dich vụ đã khiến chó các công ty nhận ra rằng tài sản vô hình trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình của mình. Các nhà xưởng và nhà máy lớn dần dần đang được thay thế bởi các phần mềm và các ý tưởng đổi mới mạnh như là phần thu nhập chính của một phần lớn và đang gia tăng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Trong một số lĩnh vực mà công nghệ sản xuất truyền thống vẫn ngự trị, sự đổi mới không ngừng và sáng tạo vô tận đang trở thành chìa khóa cho khả năng cạnh tranh tốt hơn trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt, bất kể đó là thị trường nội địa hay thị trường quốc tế. Do đó, tài sản vô hình đóng vai trò trung tâm và các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra cách thức sử dụng tốt nhất các tài sản vô hình của mình.
Một biện pháp quan trọng để sử dụng các tài sản vô hình là bảo hộ pháp lý các tài sản vô hình, nếu chúng đủ điều kiện để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đạt được và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, quyền sở hữu trí tuệ có thể đạt được theo các dạng sau đây của tài sản vô hình:
Nhìn từ thực tiễn doanh nghiệp có thể thấy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một sự đầu tư. Đầu tư để đạt được các quyền là đặc biệt quan trọng để nâng cao giá trị thị trường của các doanh nghiệp. Việc đầu tư vào trang thiết bị, tài sản, phát triển sản phẩm, tiếp thị và nghiên cứu có thể cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của công ty thông qua mở rộng giá trị tài sản và tăng năng suất trong tương lai. Việc đạt được quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mang lại các kết quả tương tự. Thị trường sẽ đánh giá các doanh nghiệp dựa trên tài sản hiện có, hoạt động kinh doanh hiện tại và lợi nhuận kỳ vọng tương lai. Sự kỳ vọng vào lợi nhuận tương lai có thể bị tác động đáng kể bởi việc đạt được các sáng chế chủ chốt. Có một số ví dụ quan trọng về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã chứng kiến thị phần của họ tăng trưởng qua từng ngày như là hệ quả của việc đạt được các sáng chế quan trọng từ trong các công nghệ chủ chốt. Tương tự, một nhãn hiệu tốt với uy tín tốt đối với người tiêu dùng cũng có thể nâng cao giá trị hiện tại của công ty và có thể đóng góp quyết định cho sản phẩm và dịch vụ của công ty trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng. Do đó, việc đầu tư phát triển một tài sản trí tuệ tốt sẽ quan trọng hơn một hành động phòng thủ chống lại các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Đó là cách để làm tăng giá trị thị trường và cải thiện lợi nhuận của của các doanh nghiệp trong tương lai.
Nhìn chung, bảo hộ pháp lý quyền sở hữu trí tuệ sẽ biến các tài sản vô hình thành các tài sản độc quyền, cho dù chỉ trong một thời gian nhất định. Các quyền này cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam đạt được quyền sở hữu đối với tài sản vô hình và khai thác tối đa các tài sản này.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 31/12/2016, cục sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 104.275 đơn các loại, trong đó[5]:
Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý 80.787 đơn các loại, trong đó có 38.872 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,9% so với năm 2015), trong số đó:
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp văn bằng bảo hộ cho 25.893 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 2,2% so với năm 2015), bao gồm: 1.423 bằng độc quyền sáng chế, 138 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 1.454 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 18.040 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia và 4.822 đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid; 7 giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; 9 giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, do sức cạnh tranh của hoạt động thương mại quốc tế và khả năng nhận thức tốt về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ý thức đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trong nước đã tăng lên đáng kể. Đây là một dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đã biết cách khai thác có hiệu quả giá trị của quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang có.
Các số liệu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Doanh nghiệp Việt Nam (Theo thống kê của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2016)[6]:
Bên cạnh sự nhận thức đúng đắn của đa số doanh nghiệp của Việt Nam, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp trong nước chưa có ý thức đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Nhiều nhãn hiệu do không nộp đơn đăng ký bảo hộ, cho nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. Hoặc một số nhãn hiệu đã được bảo hộ, nhưng lại sử dụng tương tự cách thức trình bày của nhãn hiệu được bảo hộ của người khác cũng tạo ra các tranh chấp giữa các chủ thể quyền.
Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang được tạo điều kiện và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp.
Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ, để được quyền bán gà rán KFC, mỗi cửa hàng phải trả cho Công ty KFC 85.000 USD/năm. Hiện, KFC có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn cầu, số tiền mà thương hiệu mang lại rất lớn. Một ví dụ khác, Công ty Cổ phần Diana Unicharm hiện có tổng giá trị 185 triệu USD, trong đó tài sản hữu hình chỉ chiếm 20 triệu USD, số còn lại là tài sản vô hình.[7]
Tại những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật, ..., vấn đề SHTT rất được các doanh nghiệp quan tâm, mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiêp lại không để ý nhiều về vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công (1, 2 năm), hoặc khi xảy ra tranh chấp, xuất hiện hàng nhái trên thị trường, họ mới quay lại tìm hiểu thì có khi đã bị mất bản quyền. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ thực trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm thực thi quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi. Đặc biệt, trình tự dân sự phải được áp dụng triệt để và phổ biến nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến loại tài sản vô hình này, mà việc đầu tiên là chấn chỉnh lại toàn bộ các quy phạm về chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu. Đồng thời, tham gia và thực hiện tích cực các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang tham gia.
Thứ hai, nâng cao ý thức coi trọng sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ chứa trong mỗi doanh nghiệp quyết định rất lớn đến tính cạnh tranh và là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trên thị trường, nó quyết định sự sống còn của doanh nghiệp nên phải làm cho doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, hết sức quan tâm đến việc xây dựng và trước hết phải tự mình bảo vệ lấy quyền đó. Doanh nghiệp phải xây dựng và xác lập quyền SHTT từ đó mới có quyền quản lý tài sản trí tuệ, mới có quyền được độc quyền khai thác tài sản trí tuệ đó. Khi có một sản phẩm hay dịch vụ mới doanh nghiệp cần cân nhắc hình thức bảo hộ thích hợp cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Trên cơ sở đó phải tiến hành thủ tục đăng ký quyền SHTT. Điều này đặc biệt quan trọng vì pháp lý qui định về sở hữu trí tuệ qui định quyền đối với sáng chế, phát minh, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, giải pháp hữu ích không đương nhiên thuộc về người đầu tiên tạo ra hoặc sử dụng chúng, mà được xác lập trên cơ sở ai là người đầu tiên nộp đơn đăng ký với cơ quan có trách nhiệm của nhà nước. Trong thời đại hội nhập hiện nay doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển lâu dài, mở rộng nên cần sớm nghĩ đến việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình tại thị trường của các nước đang hoạt động kinh doanh và tại các thị trường có tiềm năng. Sớm đăng ký quyền SHTT của mình ở các nước đó để tiết kiệm thời gian công sức, tránh được chi phí không cần thiết do thiếu hiểu biết về pháp luật, về SHTT doanh nghiệp nên tranh thủ dịch vụ tư vấn của tổ chức chuyên làm tư vấn và đại điện pháp lý trong lĩnh vực thuộc luật SHTT. Doanh nghiệp cần có một bộ phận thường xuyên hoạt động về bảo hộ quyền SHTT, bộ phận này sẽ thường xuyên tham khảo, tra cứu các cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp có định hướng kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, đó là vấn đề về tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đối tác mới thích hợp, về nguồn cung cấp mới. Qua khảo sát của bộ phận này cũng sẽ có khả năng phát hiện kịp thời những vi phạm tiềm tàng đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đồng thời tránh được những vi phạm về quyền SHTT của người khác, kịp thời phát hiện các đối thủ tiềm năng và giám sát hoạt động của các đối thủ cạnh tranh. Khi một tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp bị vi phạm doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của tổ chức có chức năng tư vấn pháp luật về SHTT để tìm biện pháp có lợi nhất và phù hợp nhất với nhu cầu thực tế, không nên hấp tấp vội vàng đưa đơn kiện ra toà án.
Thứ ba, Nâng cao năng lực của các cán bộ và cơ quan nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tình trạng phổ biến ở Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng như vậy, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức đầy đủ về sở hữu trí tuệ, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này. Do đó, cần mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về sở hữu trí tuệ, đồng thời củng cố và nâng cao vai trò của các hội về sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Cần mở rộng đội ngũ những người tham gia hoạt động này, bằng cách nhanh chóng tổ chức các hình thức bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ luật sư và những người khác. Tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống. Mở rộng diện những người dùng tin, tạo sự gần gũi, hấp dẫn đối với toàn xã hội. Thành lập các trung tâm bảo vệ bản quyền cho các loại hình nghệ thuật. Các hội sở hữu trí tuệ cần phối kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và thông tin, hướng dẫn nhận thức bằng những vụ việc cụ thể trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp - chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Thứ năm, xây dựng mối quan hệ có tính chất cân bằng cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng. Tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các loại sản phẩm/hàng hóa có nhu cầu sử dụng lớn hoặc liên quan đến nhiều người, Cần khuyến khích mở các cuộc thương lượng giữa những người có nhu cầu khai thác với các chủ sở hữu nhằm giảm giá hàng hóa, tăng lượng hàng cung cấp cho xã hội. Đối với những sản phẩm/hàng hoá có nhu cầu sử dụng lớn hoặc có liên quan đến lợi ích công cộng (như thuốc chữa bệnh) ngoài các biện pháp trên cần lưu ý đến công cụ giấy phép, cũng như Nhà nước cần tập trung đầu tư và nhập khẩu nguồn sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thay thế các sản phẩm giá quá cao do bị khống chế bởi chủ sở hữu./
* ThS. Lê Đình Quyết[1]
[1] Giảng viên Bộ môn Pháp luật Thương mại Đa phương và Đầu tư quốc tế - Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế - Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2] Trần Thanh Lâm, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức.
[3] Các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại hiện nay chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
[4] Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ, “Sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp”. http://www.wipo.int/sme
[5] Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ, “Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2016”
[6] Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ, “Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2016”
[7] UNTAD/WTO, “Những điều chưa biết về sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn dành cho daonh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ”.