Tổng quan pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp

Ngày đăng: 21/11/2023

Bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường,... (khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

 

  1. Cơ sở pháp lý

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Nghị định số 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

  1. Chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước đối với doanh nghiệp bao gồm:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…

 

  1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp bao gồm: 

  • Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
  • Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
  • Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí…

 

  1. Chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017Điều 4 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp nếu có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có thể bị áp dụng các chế tài gồm:

- Bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP bằng các biện pháp cảnh cáo; phạt tiền hoặc các biện pháp bổ sung gồm tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường,...; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật,...

- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường nếu mức độ vi phạm nặng hơn theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm cả mức phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng, và có thể và bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn nhất định hoặc vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

Trên đây là nội dung cơ bản các quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp.

                                       

 

Bài viết cùng danh mục

0947202189