Ngày đăng: 10/10/2024
Trong hoạt động kinh doanh, tranh chấp thương mại là điều khó tránh khỏi do các bên có thể có sự khác biệt về quyền lợi, nghĩa vụ hoặc vi phạm hợp đồng. Việc lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả có thể giúp các bên tránh được sự tốn kém về thời gian và chi phí, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác.
1. Thế nào là tranh chấp thương mại ?
Có thể hiểu tranh chấp là những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm giữa các chủ thể với nhau. Hơn nữa theo quy định Luật thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động mua bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời khác.
Vậy tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và lợi ích phát sinh trong hoạt động thương mại, giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa các thương nhân với một bên không phải là thương nhân.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Căn cứ Điều 317 Luật Thương mại 2005, quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp trong thương mại:
a. Thương lượng các bên:
Thương lượng là phương pháp giải quyết tranh chấp đơn giản nhất, khi các bên tự đối thoại với nhau để đạt được sự đồng thuận mà không cần đến bên thứ ba can thiệp. Đây là phương pháp giúp tiết kiệm chi phí và duy trì quan hệ kinh doanh giữa các bên.
Ưu điểm: Tự do kiểm soát quá trình và kết quả. Tiết kiệm thời gian, chi phí. Dễ dàng giữ bí mật thông tin.
Nhược điểm: Phụ thuộc vào thiện chí của các bên. Không có tính cưỡng chế, kết quả không ràng buộc pháp lý.
b. Hòa giải
Hòa giải là phương pháp trong đó một bên trung gian (người hòa giải) sẽ hỗ trợ các bên tranh chấp thương lượng và tìm ra giải pháp. Người hòa giải không có quyền ra quyết định mà chỉ đóng vai trò thúc đẩy giao tiếp và hỗ trợ quá trình đàm phán.
Ưu điểm: Người hòa giải có thể giúp các bên hiểu rõ lập trường của nhau. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào sự đồng ý của cả hai bên. Bảo mật thông tin tốt hơn so với phương pháp tố tụng.
Nhược điểm: Không có tính bắt buộc nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Có thể mất nhiều thời gian nếu các bên không hợp tác.
c. Trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại là phương pháp trong đó tranh chấp được đưa ra trước một hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên. Quyết định của trọng tài có tính ràng buộc và cưỡng chế, giống như phán quyết của tòa án. Phương pháp này thường được sử dụng trong các hợp đồng có điều khoản trọng tài.
Nguyên tắc khi hòa giải Trọng tài:
- Thỏa thuận của các bên đều được trọng tài viên tôn trọng nếu không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng trọng tài có trách nhiệm đảm bảo các bên tranh chấp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, khi giải quyết tranh chấp qua Trọng tài sẽ không được công khai.
- Phán quyết của trọng tài sẽ là phán quyết chung thẩm.
d. Tòa án
Giải quyết tranh chấp qua tòa án là phương pháp truyền thống và phổ biến nhất. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và phán quyết của tòa án có giá trị pháp lý cao nhất. Phương pháp này thường được sử dụng khi các bên không thể tự giải quyết hoặc khi cần có sự cưỡng chế từ cơ quan nhà nước.
Ưu điểm: Quyết định của tòa án có tính cưỡng chế cao. Bảo vệ quyền lợi pháp lý của các bên thông qua cơ quan nhà nước.
Nhược điểm: Thủ tục tòa án phức tạp, kéo dài. Chi phí tố tụng cao. Thông tin tranh chấp có thể công khai.
e. Các phương thức thay thế khác
Ngoài các phương pháp trên, còn một số phương pháp thay thế khác như đàm phán đối thoại, sử dụng tổ chức trung gian hoặc thỏa thuận bên thứ ba giúp giải quyết tranh chấp.
=> Việc lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào tính chất của tranh chấp, mong muốn của các bên về thời gian, chi phí và tính bí mật. Phương pháp như thương lượng và hòa giải có thể phù hợp với các tranh chấp nhỏ, trong khi trọng tài và tòa án thường được sử dụng cho các tranh chấp lớn và phức tạp hơn. Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, do đó, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của mình.