RÀ SOÁT PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

Ngày đăng: 04/10/2024

 

Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, hay còn được biết tới là Mergers and Acquisitions (M&A) là hoạt động giành quyền kiểm soát một phần hoặc toàn bộ công ty mục tiêu thông qua việc nhà đầu tư sẽ sở hữu một phần hoặc toàn bộ công ty mục tiêu. Tuy nhiên, để có thể tạo nên những “thương vụ bạc tỉ", trước khi đi tới các bước đàm phán căng thẳng, các bên không thể nào có thể bỏ qua bước “rà soát pháp lý". Đây là một bước quan trọng trước khi các bên tiến tới đàm phán và giao kết những hợp đồng giá trị.

 

 

1. Rà soát pháp lý

Rà soát pháp lý (Legal Due Diligence - LDD) là quá trình mà Bên Mua (thường là Luật sư của Bên Mua) thu thập, rà soát và đánh giá các thông tin về công ty mục tiêu. Mục đích của việc này nhằm giúp luật sư có thể kịp thời đưa ra các vấn đề pháp lý có thể ảnh hưởng tới giao dịch M&A.

Rà soát pháp lý sẽ giúp cho Bên Mua xác định được rõ hơn một vài thông tin cần thiết về công ty mục tiêu:

- Bên Mua đang theo đuổi công ty mục tiêu trong tình trạng pháp lý ra sao: đang hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, đang làm thủ tục phá sản,...

- Giúp Bên Mua trả lời câu hỏi tiếp theo: Liệu có nên tiếp tục tiến hành theo đuổi công ty mục tiêu không?

- Tiếp theo, Bên Mua sẽ cần phải cân nhắc thêm một số điều kiện mà bên bán đưa ra: các hợp đồng, khoản vay, giấy phép con và các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, quyết định của quản lý công ty, quyền sở hữu trí tuệ,...

- Cuối cùng, một vấn đề sẽ được bên mua ra sức đàm phán nhằm đem lại giá trị tối đa cho mình: Giá mua sẽ ra sao?

 

 

2. Các vấn đề quan trọng thường được soát xét và trong quá trình rà soát pháp lý và mục đích của chúng

2.1. Thành lập và cơ cấu tổ chức quản lý

- Xác nhận việc thành lập và hoạt động của công ty có hợp pháp hay không?

- Mô hình quản lý công ty mục tiêu là gì, vai trò và quyền hạn của từng cơ quan quản lý và nhân sự điều hành như thế nào?

 

 

2.2. Ngành nghề kinh doanh

- Luật sư xác định ngành nghề chính của của công ty mục tiêu và doanh thu từ ngành nghề này đối với tổng số doanh thu của công ty mục tiêu.

- Điều kiện kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài từ pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế.

- Xác định các điều kiện, hợp đồng quan trọng với ngành nghề trên.

- Xác định ngành nghề có yêu cầu giấy phép con hay không.

 

 

2.3. Vốn góp và cơ cấu sở hữu

Luật sư sẽ rà soát những thông tin như số vốn đăng ký, thực góp, các loại tài sản trong cơ cấu vốn điều lệ và tỷ lệ sở hữu giữa các cổ đông nhằm đánh giá cơ cấu sở hữu của công ty mục tiêu.

 

 

2.4. Điều lệ

- Nắm được cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của từng bộ phận, cổ đông, nguyên tắc phân chia lợi nhuận và các mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ của công ty mục tiêu.

- Đánh giá quyền mà Bên Mua sẽ có khi đạt được số cổ phần nhất định trong công ty, các quy định về hạn chế chuyển nhượng hay định đoạt cổ phần.

 

 

2.5. Giấy phép con và điều kiện kinh doanh chuyên ngành

Luật sư phía Bên Mua sẽ rà soát liệu Bên Bán liệu có đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không, đặc biệt với các lĩnh vực Nhà nước quản lý chặt chẽ như ngành bảo hiểm, dược phẩm, ngân hàng,...

 

 

2.6. Hợp đồng quan trọng

Nhằm xác nhận liệu các hợp đồng đã ký kết của công ty mục tiêu có trái với các quy định của pháp luật và điều kiện của ngành nghề kinh doanh của công ty không? Bên cạnh đó, Luật sư cũng tìm ra được những ràng buộc, rủi ro từ các hợp đồng trên liệu có gây ra bất lợi cho Bên Mua hay không.

 

 

2.7. Quyết định của quản lý công ty

Nhằm xem xét nghị quyết đã được ban hành của hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông có phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ công ty hay không.

 

 

2.8. Các khoản vay

Luật sư sẽ xem xét các khoản vay để xác định các tài sản nào đang được cầm cố, thế chấp hay đảm bảo cho khoản vay nào, quyền và nghĩa vụ các bên trong khoản vay, khả năng bị xử lý tài sản bảo đảm,... và sẽ là căn cứ để xác định giá trị mua.

 

 

2.9. Tài sản

Luật sư sẽ rà soát một vài tài sản có giá trị cao, cực kỳ cần thiết cho hoạt động của công ty, các tài sản thuê, mượn, cầm cố, thế chấp hay mua trả chậm, trả dần,...

 

 

2.10. Quyền sở hữu trí tuệ

- Xác nhận liệu các tài sản SHTT có phải đăng ký không? Nếu có thì đã đăng ký hay chưa? Tài sản có thuộc quyền sở hữu hay sử dụng hợp pháp không?

- Tài sản đó là của công ty hay bên thứ ba cấp phép? Nếu của công ty, công ty có đang cho phép bên nào sử dụng hay có tồn động về nghĩa vụ không?

 

 

2.11. Lao động

Luật sư sẽ kiểm tra liệu các hợp đồng, nội quy lao động trái với quy định pháp luật không? Liệu thực tế công ty có thực hiện đúng các chế độ đãi ngộ đối với người lao động hay không (tiền lương tối thiểu, ngoài giờ, bảo hiểm bắt buộc,...)

 

 

 

Bài viết cùng danh mục

0947202189