HƯỚNG DẪN LÀM THỦ TỤC LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

Ngày đăng: 14/10/2024

Ly hôn là lựa chọn cuối cùng và không ai mong muốn trong quan hệ hôn nhân. Thế nhưng, ly hôn vẫn là một thực tế rất phổ biến đang diễn ra trong năm 2024, tỷ lệ ly hôn chiếm tới 63% "nghĩa là cứ 100 cặp đôi kết hôn thì có 63 cặp ly hôn". Để đi đến quyết định ly hôn, có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục ly hôn mà các cặp đôi cần nắm rõ. Nếu không đồng thuận một trong các vấn đề liên quan (quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, cấp dưỡng, tài sản) thì thực hiện theo thủ tục đơn phương ly hôn, đây là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng hoặc người thân thích khác (khi đáp ứng được các điều kiện Luật định) theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về căn cứ giải quyết ly hôn trong các trường hợp sau:

- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền hoặc nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

 

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

 

- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 

 

Trình tự và thủ tục đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) tại Việt Nam bao gồm các bước chính sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ

- Đơn xin ly hôn đơn phương: Theo mẫu do Tòa án cung cấp.

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).

- CMND/CCCD/Hộ chiếu (bản sao công chứng) của vợ và chồng.

- Giấy khai sinh của con (nếu có con chung).

- Giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có yêu cầu chia tài sản).

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú, tạm trú của bị đơn (người bị ly hôn).

 

 

2. Nộp đơn và hồ sơ ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền

Nộp hồ sơ tại Tòa án Nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc( Khoản 1 Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Nếu tranh chấp về tài sản lớn hoặc bên bị đơn ở nước ngoài, thẩm quyền thuộc về Tòa án Nhân dân cấp tỉnh/thành phố(Căn cứ Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự).

 

 

3. Nộp án phí

Sau khi kiểm tra và thấy hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

 

 

4. Tòa án thụ lý và giải quyết

Thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

- Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.

- Nếu hòa giải không thành: Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.

 

 

5. Thời gian giải quyết vụ án đơn phương ly hôn

Thời hạn xét xử trung bình của một vụ án ly hôn là từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Thời hạn mở phiên tòa thông thường từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

 

 

Bài viết cùng danh mục

0947202189