THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP FDI

Ngày đăng: 13/04/2022

FDI (Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hoặc tổ chức nước này vào nước khác bằng cách thiết lập nhà xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh. Mục đích nhằm đạt được các lợi ích lâu dài và nắm quyền quản lý cơ sở kinh doanh này. Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có quy định khái quát về doanh nghiệp FDI như sau: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Cụ thể, doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Đầu tư 2020 được xem là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bài viết này, LVI Law Firm  sẽ hướng dẫn chi tiết về thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

 

Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI - LVI Law Firm

Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI 

 

1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI đối với nhà đầu tư nước ngoài

Đầu tiên, cần chú ý đến danh sách những ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận hoặc có điều kiện đi kèm quy định tại Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. 

Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể kể đến như: Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; Sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; In, đúc tiền, Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;….

Đối với các ngành nghề có điều kiện, các điều kiện sẽ bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

  • Hình thức đầu tư;

  • Phạm vi hoạt động đầu tư;

  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Bên cạnh đó, khi thành lập doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến các điều kiện về thành lập doanh nghiệp nói chung như địa chỉ công ty, tên công ty hay lựa chọn loại hình công ty phù hợp.

2. Trình tự thực hiện

Bước 1: Đăng ký tài khoản và kê khai thông tin, đăng tải văn bản điện tử đã được ký số về dự án đầu tư nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư hoặc nộp bộ hồ sơ giấy lên Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành. 

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

  • Đề xuất dự án đầu tư;

  • Bản sao hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân hoặc bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

  • Hợp đồng thuê địa điểm nơi nhà đầu tư dự định đặt trụ sở chính;

  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, bao gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.

Bước 2: Theo dõi hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

  • Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc bị từ chối, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do. 
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bước 3: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp FDI

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp FDI bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

  • Điều lệ công ty;

  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, Người đại diện theo pháp luật, các thành viên góp vốn (đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc các cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);

  • Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

  • Danh sách thành viên công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập và Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với Công ty cổ phần;

  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (được cấp ở Bước 2);

  • Văn bản cử cá nhân làm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức (nếu có);

Bước 4: Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Đối với hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

---------------------------------

Dịch vụ pháp lý Quý khách hàng có thể quan tâm

Bài viết trên LVI Law Firm đã chia sẻ một số thông tin về Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI. Quý khách hàng muốn được tư vấn hoặc hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp FDI vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp một cách nhanh nhất. Trân trọng  !

Bài viết cùng danh mục

0947202189