NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2020 VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Ngày đăng: 21/04/2022

        Tóm tắt: Luật Đầu tư năm 2020 ban hành đã tiếp tục ghi nhận những điểm tiến bộ của Luật Đầu tư năm 2014 và hoàn thiện một số nội dung mới về ưu đãi đầu tư. Những điểm mới về ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2020 tập trung vào nguyên tắc ưu đãi đầu tư, hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, ngành, nghề ưu đãi đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Những điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 về ưu đãi đầu tư phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan đến ưu đãi đầu tư, giảm thiểu các ảnh hưởng của thể chế đối với môi trường đầu tư.

 

        Năm 2020 do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19 trên toàn thế giới, hoạt động thương mại hàng hoá giảm 13 - 23%, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 30 - 40% và hành khách hàng không quốc tế giảm 44 - 80%[1]. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực đó, Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019[2]. Tuy nhiên, so với mức giảm chung của toàn cầu, đây vẫn là chỉ số đáng lạc quan, cho thấy những thành công của Việt Nam trong hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.

        Thành công trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2020, tiếp nối sự thành công của hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm vừa qua, đây là kết quả của những chính sách, quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư nhằm đưa Việt Nam trở thành khu vực đầu tư an toàn và hấp dẫn.

        Quy định về ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2014 đã có nhiều điểm tiến bộ, những nội dung này tiếp tục được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2020. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2020 có những điểm mới về ưu đãi đầu tư nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đầu tư năm 2014.

Điểm mới về nguyên tắc ưu đãi đầu tư

        Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung thêm một nguyên tắc ưu đãi đầu tư: “Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.”[3]. Đây là nguyên tắc quan trọng, nhằm giải quyết vấn đề ưu đãi đầu tư tràn lan, nhà đầu tư chỉ được hưởng ưu đãi khi dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả, tránh trường hợp lợi dụng ưu đãi đầu tư để trốn thuế, để chuyển giá như tình trạng đã xảy ra phức tạp tại Việt Nam trong những năm vừa qua[4]. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát việc hưởng ưu đãi đầu tư của nhà đầu tư nhằm đảm bảo nhà đầu tư được hưởng đúng những ưu đãi theo điều kiện hưởng và trong khoảng thời gian theo luật định.

Điểm mới về hình thức ưu đãi đầu tư

        Luật Đầu tư năm 2020 tiếp tục ghi nhận 03 (ba) hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:

        Một là, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường, có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

        Hai là, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

        Ba là, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;[5]

        Và bổ sung thêm một hình thức ưu đãi đầu tư đó là: “Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế”[6].

        Trong quá trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu hao tài sản được tính vào chi phí kinh doanh. Do chi phí kinh doanh tăng, khấu hao sẽ làm giảm thu nhập của doanh nghiệp, qua đó giảm mức thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải đóng. Nói cách khác, khấu hao càng tăng thì thuế thu nhập càng giảm. Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện một số phương thức khấu hao, ví dụ như: phương pháp khấu hao đường thẳng, phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh, phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm[7]. Trong đó, phương pháp khấu hao đường thẳng là phương pháp trích khấu hao theo mức tính ổn định từng năm vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh[8]. Phương pháp khấu hao nhanh là phương pháp tính trên một thực tế là tài sản đầu tư được sử dụng tối đa vào giai đoạn đầu, giảm dần về giai đoạn sau và cuối cùng bị thay thế. Vì vậy, khấu hao nhanh là phương pháp tính nâng cao giá trị khấu hao ở giai đoạn đầu của dự án đầu tư và giảm dần về giai đoạn sau. Như vậy, khi áp dụng phương pháp này, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn ở giai đoạn đầu của dự án và cao hơn ở giai đoạn về sau. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ nhận được ưu đãi về thuế thông qua việc chuyển một khoản tiền thuế về giai đoạn sau của dự án, giảm thiểu áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp chỉ được áp dụng trích khấu hao nhanh khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 đã đưa phương pháp khấu hao này trở thành một hình thức ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp được áp dụng phương pháp này khi đáp ứng đủ các điều kiện về ưu đãi.

        Đây là điểm mới quan trọng, cho thấy sự thay đổi về cách thức tiến hành ưu đãi đầu tư của Việt Nam, việc ưu đãi đầu tư thông qua các hình thức miễn, giảm thuế làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách quốc gia. Vì ưu đãi thuế kéo dài, Việt Nam mỗi năm thất thu 50.000 tỷ đồng, tương đương 1% GDP[9]. Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị Việt Nam có thể bỏ các ưu đãi các loại thuế mà không tổn hại đến khả năng cạnh tranh quốc gia[10]. Vì vậy, việc đưa phương pháp khấu hao nhanh tài sản trở thành một biện pháp ưu đãi đầu tư thể hiện những chuyển biến tích cực trong tư duy về ưu đãi đầu tư của Việt Nam. Phương pháp khấu hao nhanh vừa tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư vừa không làm mất nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Tất nhiên, nhìn từ khía cạnh của một quốc gia đang thu hút đầu tư, việc Luật Đầu tư năm 2020 vẫn giữ các hình thức ưu đãi đầu tư như trước đây là phù hợp với bối cảnh cạnh tranh về thu hút đầu tư của các quốc gia vô cùng gay gắt hiện nay.

Có thể khẳng định, thông qua điểm mới về hình thức đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2020, Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi về tư duy trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.

Điểm mới về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

        Luật Đầu tư năm 2020 đã mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, từ 05 loại dự án[11] lên 13 loại dự án được hưởng ưu đãi[12], trong đó có một số loại dự án đáng chú ý như sau:

        Một là, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội tại Việt Nam rất lớn, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân khu công nghiệp là 2,3 triệu. Kết quả đạt được là cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu (mới giải quyết 41,5% so với yêu cầu, trong tổng số 12 triệu m2 nhà ở xã hội)[13]. Mặc dù, lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội đã được hưởng nhiều ưu đãi, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn thờ ơ đối với các dự án nhà ở xã hội do lợi nhuận bị hạn chế bởi quy định hạn chế về giá bán căn hộ. Việc được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng thêm nhiều hình thức ưu đãi khác, tăng tính hấp dẫn của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các nhà đầu tư.

        Hai là, dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật. Theo quy định pháp luật về người khuyết tật, pháp luật về lao động, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người khuyết tật được hưởng các chế độ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng các chế độ chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, do chưa được quy định trong pháp luật về đầu tư nên các chính sách còn khá tản mạn, quy định ở nhiều hệ thống văn bản pháp luật khác nhau. Việc ghi nhận trở thành đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư là cơ sở để ban hành các chính sách ưu đãi thống nhất hơn cho các dự án sử dụng người lao động là người khuyết tật, thể hiện sự nhân văn trong quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ Việt Nam.

        Ba là, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Việc bổ sung thêm các dự án này vào danh mục các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư phù hợp với tinh thần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-TƯ[14], phù hợp với quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ, đặc biệt là sau khi Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được Quốc hội khóa XIV, thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, thay thế Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

        Bốn là, nhóm các dự án của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏvừa, bao gồm: Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TƯ[15], do vai trò và vị trí đặc biệt của nhóm doanh nghiệp này trong khối kinh tế tư nhân. Trong năm 2020, Quốc hội đã xin ý kiến nhiều cơ quan, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó, cho thấy sự quan tâm phát triển nhóm doanh nghiệp “yếu thế” trên thị trường. Luật Đầu tư năm 2020 đưa thêm nhóm đối tượng này trở thành đối tượng được hưởng ưu đãi cũng thể hiện rõ chủ trương này của Chính phủ Việt Nam, đồng thời tạo sự thống nhất giữa hệ thống pháp luật đầu tư và pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

        Mặc dù có bổ sung thêm nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, tuy nhiên, đây đều là những đối tượng cần có sự quan tâm, có chính sách hỗ trợ phù hợp vì sự phát triển có tính bền vững. Đồng thời, việc bổ sung thêm các đối tượng này cũng đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực được ban hành trước thời điểm ban hành Luật Đầu tư năm 2020.

Điểm mới về ngành, nghề ưu đãi đầu tư

        Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung thêm một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với Luật Đầu tư năm 2014, bao gồm:

        Một là, giáo dục đại học. Lĩnh vực đầu tư giáo dục bậc đại học nhằm thu hút nhà đầu tư tiến hành đầu tư trong lĩnh vực đào tạo có tính nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TƯ[16]. Trong những năm gần đây, giáo dục đại học ít được quan tâm hơn so với giáo dục phổ thông do yêu cầu cao về đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong khi mức độ cạnh tranh của các trường đại học công lập lại rất lớn. Do đó, để thu hút được nguồn vốn đầu tư, tạo sự cân bằng giữa đầu tư giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, Luật Đầu tư năm 2020 đưa thêm lĩnh vực giáo dục đại học trở thành lĩnh vực ưu đãi đầu tư bên cạnh các lĩnh vực giáo dục giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đã được ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014[17].

        Hai là, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Đây là nhóm những lĩnh vực đầu tư theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ và chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ theo pháp luật về khoa học công nghệ.

        Ba là, bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế, hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất và một số ưu đãi khác. Trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế được đặc biệt quan tâm, đặc biệt bối cảnh dịch bệnh và những nguy cơ về bệnh dịch toàn cầu đã khiến lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế trở thành lĩnh vực cần thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Những ưu đãi trong Nghị định 36/2016/NĐ-CP còn chưa hấp dẫn, do đó, việc ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2020 sẽ tạo thêm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực này. Việc bổ sung lĩnh vực bảo quản thuốc trở thành lĩnh vực ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo yêu cầu dự trữ thuốc nhằm phòng tránh các nguy cơ rủi ro từ bệnh dịch, khi các lĩnh vực sản xuất thuốc đã được hưởng ưu đãi đầu tư từ Luật Đầu tư năm 2014[18].

        Bốn là, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung thêm ngành nghề này vào danh mục ngành, nghề được ưu đãi đầu tư nhằm phù hợp với quy định về ưu đãi theo pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụm liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh[19]. Chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng[20]. Như vậy, có thể thấy việc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ đem lại nhiều cơ hội, lợi ích cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ. Luật Đầu tư năm 2020 ưu đãi những lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như mô hình kinh tế dựa trên chuỗi giá trị mà Việt Nam xây dựng.

        Như vậy, những ngành nghề được bổ sung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đều là những ngành nghề có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật về ưu đãi trong hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

        Luật Đầu tư năm 2020 lần đầu tiên quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt dành cho những dự án đặc biệt, có mức độ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội[21], bao gồm:

        Một là, dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

        Hai là, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các mức ưu đãi, hỗ trợ, thời hạn ưu đãi, hỗ trợ đối với những dự án này đều được quy định ở mức độ tối đa theo khung quy định tại pháp luật về thuế, đất đai, v.v..

        Điểm mới này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thay đổi căn bản các yếu tố chi phối nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu tổng quát “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Kết luận

        Luật Đầu tư năm 2020 đã có những điểm mới quan trọng về ưu đãi đầu tư. Những điểm mới này đã cho thấy sự thay đổi về tư duy ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, giảm thiểu việc ưu đãi tràn lan, “cạnh tranh xuống đáy” trong ưu đãi đầu tư. Luật Đầu tư năm 2020 đã bước đầu thay thế những hình thức ưu đãi đầu tư thông qua thuế, sang những hình thức ưu đãi đầu tư mới hấp dẫn hơn, nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Những điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 về ưu đãi đầu tư phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan đến ưu đãi đầu tư, tránh những xung đột pháp luật xảy ra trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của những đổi mới này cũng cần một vài năm triển khai trên thực tế để có những đánh giá chính xác và phù hợp hơn.

 

Vũ Phương Đông

 


 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI), Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế;

3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 15 tháng 01 năm 2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế;

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo đầu tư nước ngoài năm 2020;

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

6. Mạnh Bôn, Còn ưu đãi tràn lan thì chuyển giá còn phức tạp, Báo đầu tư điện tử

https://baodautu.vn/con-uu-dai-tran-lan-thi-chuyen-gia-con-phuc-tap-d93034.html

Truy cập lần cuối ngày 26 tháng 03 năm 2021;

7. Nguyên Đức, Ưu đãi thuế “thông minh” hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạp chí điện tử Báo đầu tư

https://baodautu.vn/uu-dai-thue-thong-minh-hon-de-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-d110990.html

Truy cập lần cuối ngày 26 tháng 03 năm 2021;

8. OECD, OECD investment policy reviews Southeast-Asia;

9. Steven A.Altman, Wil Covid-19 have a lasting impact on Globalization, Havard Business Review

https://hbr.org/2020/05/will-covid-19-have-a-lasting-impact-on-globalization

Truy cập lần cuối ngày 25 tháng 03 năm 2021;

10. Quốc hội, Luật Đầu tư năm 2014;

11. Quốc hội, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;

12. Quốc hội, Luật Đầu tư năm 2020.


[1] Steven A.Altman, Wil Covid-19 have a lasting impact on Globalization, Havard Business Review

https://hbr.org/2020/05/will-covid-19-have-a-lasting-impact-on-globalization

Truy cập lần cuối ngày 25 tháng 03 năm 2021.

[2] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo đầu tư nước ngoài năm 2020.

[3] Khoản 6 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020.

[4] Mạnh Bôn, Còn ưu đãi tràn lan thì chuyển giá còn phức tạp, Báo đầu tư điện tử

https://baodautu.vn/con-uu-dai-tran-lan-thi-chuyen-gia-con-phuc-tap-d93034.html

Truy cập lần cuối ngày 26 tháng 03 năm 2021.

[5] Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020.

[6] Điểm d Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020

[7] Khoản 1 Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

[8] Khoản 2 Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

[9] OECD, OECD investment policy reviews Southeast-Asia, tr.18.

[10] Nguyên Đức, Ưu đãi thuế “thông minh” hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạp chí điện tử Báo đầu tư

https://baodautu.vn/uu-dai-thue-thong-minh-hon-de-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-d110990.html

Truy cập lần cuối ngày 26 tháng 03 năm 2021.

[11] Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2014.

[12] Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020.

[13] Xem nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại kỳ họp Quốc hội ngày 06 tháng 11 năm 2020.

[14] Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI) ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[15] Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

[16] Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 15 tháng 01 năm 2019 Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

[17] Điểm i Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014.

[18] Điểm k Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014.

[19] Khoản 7 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

[20] Khoản 3 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

[21] Khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020.

Bài viết cùng danh mục

0947202189